Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: “Đã lên tiếng thì phải đích đáng”

06/01/2010
Nhân dịp đầu năm mới 2010, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về công việc của người làm công tác “hậu kiểm”.

Nghiệp của tôi là “chấm” văn bản

PV: Năm qua, Cục KTVBQPPL đã làm được nhiều việc, cũng có thể nói là thành công. Nghĩ lại những việc đã làm, ông có thấy hài lòng không?

*. Có thể nói hài lòng và cũng có thể nói là không. Vì hài lòng trước cái sai của người khác thì cũng không hay lắm. Hơn vài chục năm đi “xây” văn bản, dăm năm nay lại sang việc “chấm” văn bản. Mình chỉ tâm niệm, đã làm việc này thì phải chuẩn. Đã lên tiếng thì phải đúng, phải đích đáng. Cũng phải chịu nhiều áp lực, nhưng mình nghĩ, mỗi lần loại được một cái sai cũng như góp thêm một viên gạch xây ngôi nhà chung, làm cho pháp luật thân thiện với người dân hơn, tốt cho xã hội hơn.

PV: Có thể hình dung công việc hàng ngày của ông như thế nào?

*. Nghiệp của mình là “chấm” văn bản. Hình dung như thế này, hàng ngày, mình và đồng nghiệp ngồi trước một khối lượng đồ sộ văn bản được gửi tới. Phải “chấm” toàn bộ các văn bản đó, xem có hạt sạn nào không, có gì sai không. Việc này phải cực kỳ tỷ mỷ, thận trọng, nếu không muốn nói là cực nhọc, bị ức chế.

PV: Mấy năm gần đây, hiệu quả công việc tăng lên, ông có thấy mình chịu nhiều áp lực hơn không?

*. Công việc đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn thì đương nhiên áp lực và sức ép cũng tăng hơn. Có luồng dư luận hoan nghênh. Đó là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, sức ép này, áp lực khác cũng ngày càng tăng hơn và tinh vi hơn. Phải chấp nhận vì cái chung thôi, vì “nghiệp” đã vậy rồi.

Ấn tượng vì bảo vệ được người dân

PV: Những lần “tuýt còi” văn bản nào để lại cho ông ấn tượng nhất?

*. Cũng có một số. Nhất là khi loại được văn bản sai mà góp phần bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, của người yếu thế. Như chuyện cấm học sinh, sinh viên trường văn hóa nghệ thuật đi làm thêm; cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào nội thành nội thị; quy định ngực lép, chân ngắn không được điều khiển xe gắn máy. Rồi phải có sổ đỏ mới được cấp phép xây nhà. Rồi nông sản, thực phẩm chỉ được kinh doanh ở những cửa hàng văn minh, tiện lợi v.v... Dư luận hoan nghênh nhiệt liệt thì bạn biết rồi, mà mình cũng thấy phấn khởi. Nhưng cũng cảm thấy một nỗi buồn. Giá như, không có chuyện đó xảy ra.

PV: Có bao giờ ông cảm thấy nản lòng trước các áp lực không?

*. Cũng có đôi lúc đấy, vì cảm thấy mình bất lực, không đi được đến cùng vụ việc. Quyền được giao còn khiêm tốn và hạn chế. Hơn nữa, còn chịu tác động chủ quan và khách quan khác. Thiết nghĩ, sớm muộn cũng đến một lúc nào đó phải đặt ra một cơ chế độc lập để kiểm tra, phát hiện, xử lý triệt để hơn những văn bản sai.

Nản mà nghĩ đến chuyện cáo quan, chối bỏ việc này là không hay. Hồi xưa, có chuyện các cụ “cáo quan về vườn”. Trước, mình không hiểu, nhưng nay ngẫm thấy các cụ cũng có lý khi chọn phải pháp đó (cười lớn).

PV: Nhưng trên thực tế, rất nhiều cơ quan đã sửa văn bản sai sau khi Cục KTVBQPPL có ý kiến?  

*. Thì đương nhiên rồi. Tuyệt đại đa số trường hợp đã được xử lý một cách “đoan trang”, cầu thị. Đó là điều đáng mừng. Cá biệt cũng có trường hợp cãi chày, cãi cối, quanh co giữ quan điểm. Những khi như vậy cũng thấy buồn.

PV: Cái “nghiệp” này chắc cũng cần phải có tư chất, kinh nghiệm nào đó?

*. Mình nghiệm thấy thế này, mình là người có độ nhạy, tính phản biện khá cao trước một vấn đề hơn nhiều người. Khi trao đổi, góp ý, thường có độ nén cao, tính phản biện cao.  Cái này, có người hiểu ngay và đồng tình ủng hộ, đặc biệt là người có trách nhiệm. Nhưng cũng không ít người không thích, e ngại mình. Người ta tưởng mình “gây sự”, làm khó cho người ta. Nhưng cái đó là do tư chất, do độ nhạy mà quá trình tích lũy và rèn luyện mình có được. Mình nghĩ, vào cái nghiệp này mà thiếu tư chất và kinh nghiệm thì cũng khó làm đến nơi đến chốn.

PV: Độ nén cao mà ông nói có phải xuất phát từ những trăn trở, suy nghĩ về công việc?

*. Cả từ công việc, cả từ nhân tình, thế thái. Là người đi theo nghề khoảng 3 thập kỷ nay, vấn đề trăn trở nhất của mình là làm sao sớm có một hệ thống pháp luật thật chuẩn, thật hay. Gần đây, lại thấy rất băn khoăn giữa tính ổn định, khái quát của pháp luật với cuộc sống đang thay đổi nhanh, có nhiều biến động. Đây là một bài toán khó, một sự trăn trở. Không chỉ liên quan đến công tác hậu kiểm mà còn liên quan đến công tác soạn thảo, “sản xuất” ra văn bản. Về nhân tình thế thái, mình là người cả nghĩ. Gần đây, mình cũng thấy suy tư về một vài hiện tượng xung quanh.

PV: Nhiều khi thấy ông tham gia ý kiến vượt ra ngoài phạm vi hậu kiểm, chẳng hạn, như khi một số địa phương kiên quyết đề nghị được tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, hoặc khi VFF đề nghị hạn chế cầu thủ ngoại nhập tịch thi đấu trên sân?

*. Đơn giản là vì mình thấy có trách nhiệm với công việc chung.

PV: Vụ “túyt còi” áp thuế sai đối với xe tải Van, thép Bo giờ đến đâu rồi, có phải là các ông đã thất bại?

*. Chưa thể nói là thất bại hay chưa. Hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục trao đổi, thảo luận, chưa đi đến kết luận cuối cùng. Còn mình thì đã làm hết thẩm quyền rồi. Theo mình biết thì dư luận và đại biểu Quốc hội cũng đang vào cuộc về vấn đề này.

Mình chỉ mong “thất nghiệp”

PV: Ông nói mấy năm trở lại đây ông gặp nhiều áp lực do hiệu quả công việc ngày càng được khẳng định, có phải đó là dấu hiệu đáng mừng?

*. Nói không mừng thì cũng không phải. Tuy nhiên, từ trong tâm mình, mình không muốn để những việc đó xảy ra. Mình mong “thất nghiệp” chứ. Mong chấm văn bản người ta đều được điểm 10 tròn vo chứ có ai mong nó sai sót đâu. Phát hiện vi phạm là cái chuyện cực chẳng đã. Mà có khi, mình còn cảm thấy bức xúc hơn người đã làm ra văn bản sai đó. Mình cảm thấy day dứt, không hiểu trình độ, năng lực, nhận thức, hay suy nghĩ thế nào mà người ta lại làm ra cái văn bản như thế. Nếu chỉ suy nghĩ một chút thôi, người ta đã không đưa nó ra.

PV: Có bao giờ ông nhận được phản hồi và thư của người dân gửi đến không?

*. Nhiều, nhiều lắm và cũng cảm động lắm. Qua đó mình thấy được hiệu quả của việc mình làm đối với người dân và xã hội. Không những phản hồi về vụ việc, mà còn nhiều việc khác nữa. Đó là vinh dự. Tuy nhiên, đôi khi đọc thư lại buồn, vì đọc là biết có vấn đề, nhưng đó không thuộc thẩm quyền của mình, buộc phải chuyển cho cơ quan chức năng khác hoặc nói anh em viết mấy dòng hướng dẫn địa chỉ gửi đến cho người gửi đơn, vì cứ gửi không đúng địa chỉ thế cũng khổ người ta.

PV: Năm 2010, ông có dự định gì không?

*. Nghiệp đã vậy rồi, cứ “chấm” văn bản thôi. Nhưng mình cũng đang định lựa chọn một số nội dung thiết thực, cụ thể để làm tới nơi, tới chốn.

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông góp thêm được nhiều viên gạch vào ngôi nhà chung trong năm 2010 này.

Hồng Thúy (thực hiện)