Nhóm Điều phối Chương trình Quản trị quốc gia của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc - Phiên họp kiểm điểm giữa kỳ

21/09/2010
Chiều ngày 20  tháng 9  năm 2010, Phiên họp kiểm điểm giữa kỳ Nhóm Điều phối Chương trình Quản trị quốc gia của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đã tham dự và đồng chủ trì phiên họp này cùng Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có đại diện của nhiều cơ quan Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, đại diện các tổ chức của Liên Hợp quốc  và nhiều đối nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Nhóm điều phối chương trình về Quản trị quốc gia là một trong số 8 Nhóm Điều phối chương trình (Program Coordination Group –PCG) của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc, có chức năng điều phối việc thực hiện và giám sát kết quả của Kế hoạch chung Một Liên Hợp quốc (One UN)[i]. Mỗi Nhóm có 02 đồng Trưởng Nhóm đại diện cho Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc; các thành viên của Nhóm là đại diện của các Bộ, ngành và các tổ chức của Liên hợp quốc có liên quan đến chủ đề hoạt động của từng Nhóm. Đây là một trong những điểm khác biệt trong Sáng kiến Một Liên Hợp quốc của Việt Nam so với các nước khác thực hiện thí điểm sáng kiến cải cách Liên Hợp quốc.

Nhóm Điều phối chương trình về Quản trị quốc gia đã triển khai hoạt động từ năm 2008 và hàng năm đều đặt ra chương trình hoạt động và đánh giá tình hình thực hiện của Nhóm. Ngay từ năm 2008, Bộ Tư pháp đã tích cực cùng các cơ quan của Chính phủ Việt Nam tham gia vào các hoạt động của Nhóm PCG này. Đặc biệt, từ năm 2010, theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Liên Hợp quốc, Bộ Tư pháp đã cử đại diện của Bộ, cùng với đại diện Liên Hợp quốc làm Đồng Trưởng Nhóm Điều phối chương trình này[ii].

Nhóm Điều phối chương trình tổ chức họp thường niên để kiểm điểm các hoạt động đã triển khai hàng năm và thảo luận, thống nhất chương trình và phương thức hoạt động của năm tiếp theo. Cuộc họp năm 2010 lần này mang tính chất là cuộc họp kiểm điểm giữa kỳ nhằm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch chung Một Liên Hợp quốc trong lĩnh vực Quản trị quốc gia, đặc biệt là đánh giá các kế hoạch hoạt động trong mảng pháp quyền và tiếp cận công lý, đánh giá sự hỗ trợ của UNDP và một số cơ quan Liên Hợp quốc khác (như UNICEF, UNODC, UNAIDS, UNFPA...) cho Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Luật xử lý vi phạm hành chính trong thời gian vừa qua, thống nhất về những hoạt động của PCG Quản trị quốc gia những tháng cuối năm 2010, đồng thời sẽ thảo luận về một số vấn đề mang tính nguyên tắc và chiến lược để xây dựng Kế hoạch chung Một Liên hợp quốc giai đoạn tiếp theo (2012 – 2016).  

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng các hoạt động mà Nhóm Điều phối Chương trình Quản trị quốc gia đã tiến hành từ năm 2008 tới nay.  Hoạt động của PCG về Quản trị quốc gia được đánh giá là một cơ chế quan trọng để các cơ quan Liên Hợp quốc và Chính phủ Việt Nam thảo luận về các vấn đề mang tính chiến lược, tác động tới quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ của tổ chức này cho Việt Nam trong lĩnh vực Quản trị quốc gia (cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, quyền con người, bình đẳng giới..). Cũng thông qua PCG về Quản trị quốc gia, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan của Việt Nam sẽ thiết lập được cơ chế đối thoại hiệu quả hơn với các nhà tài trợ nhằm trao đổi các kết quả hợp tác, đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả của hoạt động tài trợ quốc tế với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc họp Kiểm điểm giữa kỳ lần này, được diễn ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp vừa phối hợp với UNDP đồng tổ chức thành công Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ Bảy với chủ đề “tăng cường tiếp cận công lý”. Kết quả của Diễn đàn đã chứng tỏ và làm tăng thêm uy tín của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ điều phối hợp tác pháp luật với nước ngoài, của Liên Hợp quốc nói chung và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc nói riêng với vai trò và nhiệm vụ đã được quy định tại Kế hoạch Một Liên hợp quốc là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam điều phối viện trợ, xây dựng, thực thi chiến lược và đối thoại chính sách với các nhà tài trợ trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp[iii].

Thứ trưởng nhấn mạnh “Tiếp nối các thành công của Diễn đàn đối tác pháp luật, cuộc họp của Nhóm Điều phối chương trình về Quản trị quốc gia sẽ góp phần cùng với 8 Nhóm điều phối chương trình khác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc điều phối thành công việc thực hiện và giám sát kết quả của Kế hoạch chung Một Liên Hợp quốc”.

PCG về quản trị quốc gia – Tổng kết thực hiện và cập nhật công tác chuẩn bị cho Kế hoạch chung giai đoạn 2012 – 2016

Nhóm PCG về Quản trị quốc gia tham gia trực tiếp điều phối triển khai Mục tiêu 4 trong Kế hoạch chung, đó là “các nguyên tắc về trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, sự tham gia và pháp quyền được đưa vào các hệ thống pháp luật, tư pháp, hành chính, đại diện của Việt Nam”.

Hoạt động của PCG về quản trị quốc gia tập trung vào 4 cấu phần/ trụ cột (pillar)  là 1) Pháp quyền và Tiếp cận Công lý; 2) Quản trị Nhà nước tại Địa phương; 3) Chức năng Giám sát và Trách nhiệm Giải trình và 4) Tính Minh bạch và Xã hội Dân sự.  Bộ Tư pháp tham gia trực tiếp cùng đại diện của Liên Hợp quốc là UNDP chủ trì triển khai các hoạt động thuộc trụ cột  thứ nhất là Pháp quyền và Tiếp cận Công lý.

Tại cuộc họp, đại diện của Liên Hợp quốc, Ông Chrisstophe, Phó Giám đốc UNDP đã trình bày những kết quả đạt được của cả 4 cấu phần nêu trên của PCG về quản trị quốc gia. Cấu phần về Pháp quyền và Tiếp cận Công lý được các đại biểu tham dự, đặc biệt là đại diện các nhà tài trợ  đánh giá là đạt được nhiều thành công hơn hẳn 3 trụ cột còn lại. Một trong những bài học rút ra từ việc thực hiện thành công các hoạt động của Cấu phần 1 là mối quan hệ điều phối, hợp tác thường xuyên, hiệu quả giữa UNDP và Bộ Tư pháp thông qua việc quản lý và thực hiện Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam".  Để 3 cấu phần còn lại cũng đạt hiệu quả tương tự, đại diện của UNICEF đưa ra đề nghị với Liên Hợp quốc cần xác định một cơ quan của Liên hợp quốc và Chính phủ làm đầu mối, phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước có liên quan như Quốc Hội với Cấu phần 3; Bộ Nội vụ với Cấu phần 2, Bộ Nội vụ và/ hoặc Thanh tra Chính phủ với Cấu phần 4.... Đồng thời, cần tăng cường  sự phối hợp giữa tổ chức là đầu mối của Liên hợp quốc với cơ quan chủ trì của phía Việt Nam, tương tự như sự phối hợp giữa UNDP và Bộ Tư pháp trong Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam", đảm bảo các hoạt động được triển khai phù hợp với tiến độ, mục tiêu ưu tiên chung của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam.  

Hài hòa hóa và hiệu quả viện trợ

Năm 2010 là năm có vai trò cột mốc đối với “Sáng kiến Một Liên hợp quốc” ở Việt Nam. Kết quả của các cuộc nghiên cứu đánh giá về “Hoạt động thống nhất như một” được tiến hành ở hầu hết các quốc gia thí điểm đã được chia sẻ và thảo luận tại Hội nghị Liên Chính phủ cấp cao tổ chức ở Hà Nội từ ngày 14 đến 16/6/2010, với tiêu đề “Hoạt động thống nhất như một: bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu đánh giá ở các quốc gia và hướng đi tiếp theo”. Mục đích của Hội nghị  này là chia sẻ rộng rãi hơn về những tiến bộ và những vấn đề thiết yếu; cung cấp thông tin cho những tiến trình liên chính phủ sắp tới về sự gắn kết trên toàn bộ hệ thống; xác định những lĩnh vực trọng yếu cần được quan tâm chú ý để đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn “hoạt động như một” của hệ thống Liên hợp quốc  ở cấp độ quốc gia. Hội nghị đã rút ra những kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các dự án thí điểm “Thống nhất hành động” và từ các quốc gia “tự khởi đầu”. Hội nghị này đã đưa các đai diện Liên Hợp quốc, Chính phủ và các nhà tài trợ lại gần nhau để xác định và thống nhất về những hành động cần triển khai tiếp theo để thực hiện sâu và rộng hơn cách tiếp cận “Thống nhất hành động”.

Công tác chuẩn bị cho Kế hoạch Một Liên hợp quốc giai đoạn tiếp theo (2012-2016) hiện đang được thực hiện. Một nghiên cứu phân tích chung ở cấp quốc gia trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Nhóm các nhà Tài trợ Cùng chung Định hướng ở Việt Nam đang được hoàn tất. Báo cáo nghiên cứu này sẽ đề xuất các kiến nghị để Liên Hợp quốc hỗ trợ Chính phủ giải quyết các thách thức và thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Liên Hợp quốc đang phối hơp với các đối tác phát triển khác và các cơ quan Chính phủ xác định những nội dung ưu tiên mang tính chiến lược cần hỗ trợ.  Điều này sẽ giúp Liên Hợp quốc xác định những lĩnh vực trọng điểm cần hỗ trợ của tổ chức này trong giai đoạn 2012-2016, để đảm bảo sự phù hợp với các ưu tiên quốc gia và đưa ra những đánh giá lợi thế so sánh của Liên Hợp quốc so với các đối tác phát triển khác.

Hỗ trợ xây dựng Dự án luật xử lý vi phạm hành chính – Cách tiếp cận theo Sáng kiến Một Liên Hợp quốc

Tại cuộc họp, đại diện Liên hợp quốc và Bộ Tư pháp đã đồng trình bày Báo cáo chung về tiến độ và kết quả Hỗ trợ xây dựng Dự án luật xử lý vi phạm hành chính – Cách tiếp cận theo Sáng kiến Một Liên Hợp quốc.

Kế hoạch công tác 2010 của PCG về quản trị quốc gia đã lựa chọn dự án Luật Xử lý Vi phạm Hành chính làm chủ đề hợp tác chiến lược. Nội dung này đã được thảo luận thường xuyên trong các cuộc họp PCG. Thực tiễn hoạt động của PCG trong thời gian vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của các cuộc họp này với tư cách là một thiết chế mới trong việc hài hòa hóa sự hợp tác giữa các cơ quan Liên Hợp quốc với Chính phủ sở tại trong những vấn đề nội dung quan trọng.

Để cùng hỗ trợ xây dựng Luật xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan của Liên Hợp quốc đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thiết kế, chia sẻ các hoạt động có liên quan. Báo cáo “Đánh giá về các biện pháp xử lý hành chính khác và khuyến nghị hoàn thiện trong Luật xử lý vi phạm hành chính” đã được chia sẻ rộng rãi cho các tổ chức của Liên Hợp quốc. Báo cáo này là sản phẩm của Nhóm chuyên gia trong nước, dưới sự quản lý của Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính Bộ Tư pháp, trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền" nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính. Dự kiến trong thời gian tới, Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền" sẽ hỗ trợ Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo so sánh kinh nghiệm quốc tế của Trung Quốc  và  một quốc gia khác, phù hợp với mô hình mà Việt Nam cần tham khảo, học hỏi. Theo cách tiếp cận Một Liên Hợp quốc, Hội thảo này sẽ có sự phối hợp của các tổ  chức của Liên Hợp quốc như UNAIDS, UNDP, UNFPA, UNODC…Đây cũng là cách thức đã được Bộ Tư pháp và Liên Hợp quốc áp dụng trong việc tổ chức Hội thảo quốc tể vào đầu tháng 7/2010 trong khuôn khổ hợp tác với UNICEF nhằm  góp ý kiến cho Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở  cách tiếp cận Một Liên Hợp quốc này, các tổ chức của Liên Hợp quốc đã cùng phối hợp với nhau thống nhất xây dựng và gửi Bộ Tư pháp một Báo cáo góp ý bình luận cho Dự thảo Luật, với nhiều ý kiến chuyên môn rất bổ ích. Theo đại diện của Bộ Tư pháp, nhiều quan điểm bình luận về chuyên môn trong báo cáo này đang được cân nhắc, tiếp thu trong quá trình chỉnh sửa Dự án Luật.       

Tại cuộc họp này, Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất với Liên Hợp quốc một số hoạt động tiếp tục cần sự hỗ trợ cho Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính như:

* Tổ chức khảo sát kinh nghiệm thực tế quốc tế về quy trình, thẩm quyền, hình thức xử lý và tổ chức thực thi các biện pháp xử lý hành chính có tước đoạt tạm thời quyền tư do cá nhân (Thời gian thực hiện: Quí I, 2011);

* Tổ chức tham vấn người dân đồng thời với mở rộng thảo luận với các chuyên gia độc lập, các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình dự thảo luật (Thời gian thực hiện: Quí IV, 2010  đến Quý III, 2011);

* Hoạt động tham vấn và hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát trong thời gian tới sẽ tâp trung vào những nội dung sau: 

- Các biện pháp chế tài xử lý vi phạm tương tự vi phạm hành chính ở Việt Nam: buộc lao động phục vụ cộng đồng; buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm, v.v.; và các biện pháp khắc phục hậu quả

- Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt (tạm giữ người, khám người, khám nơi ở, áp giải người vi phạm)… 

- Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm

* Đồng thời với việc hỗ trợ hoàn thiện Dự thảo luật XLVPHC, cần bắt đầu hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các văn bản dự kiến quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với một số vấn đề mới, phức tạp sẽ quy định trong luật; ví dụ:

* Xử lý chuyển hướng đối với người vị thành niên vi phạm pháp luật

* Chuẩn bị sửa các văn bản luật có liên quan nhằm đảm bảo qui định thống nhất giữa Luật mới và các văn bản có liên quan tới XLVPHC đối tượng sử dụng ma túy và mại dâm

Về truyền thông

Hỗ trợ Ban soạn thảo và Tổ biên tập phối hợp với Văn phòng Quốc hội (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp) xây dựng và phát hành số Chuyên đề về pháp luật xử lý vi phạm hành chính nhằm giới thiệu tới đại biểu Quốc Hội, các Ủy ban của Quốc Hội và Hội đồng dân tộc về dự luật quan trọng này (Thời gian dự kiến: Quí IV, 2010 - Quí I, 2011)

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH KHÁC VÀ KHUYẾN NGHỊ HOÀN THIỆN TRONG LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH[iv]

Được sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp, đơn vị thường trực Tổ Biên tập Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tổ chức nhóm chuyên gia triển khai “Đánh giá về các biện pháp xử lý hành chính khác và khuyến nghị hoàn thiện trong Luật xử lý vi phạm hành chính” nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính.

Mục đích của việc tiến hành nghiên cứu này là nhằm đánh giá thực trạng và thực tiễn thi hành các quy định về các biện pháp xử lý hành chính khác (như biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh) theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong mối tương quan với chuẩn mực pháp luật quốc tế liên quan đến các biện pháp và khuyến nghị hoàn thiện các biện pháp này trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo này gồm ba phần: (1) Khái quát về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, (2) Thực trạng và thực tiễn thi hành các quy định về các biện pháp xử lý hành chính khác trên cơ sở đối chiếu với pháp luật quốc tế, và (3) Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính khác trong Luật xử lý vi phạm hành chính.

Báo cáo này được xây dựng nhằm mục tiêu hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính khác trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hội nhập quốc tế với định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan hành pháp trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là “hình thành được cơ chế pháp lý để cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện quyền yêu cầu xem xét, xử lý bằng thủ tục tư pháp đối với mọi vi phạm nghiêm trọng”, Báo cáo này đã xem xét, bình luận và đánh giá các quy định hiện hành về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác để phân tích những vướng mắc, hạn chế tồn tại và đề xuất các giải pháp, cơ chế hoàn thiện theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế khi áp dụng các biện pháp này hướng tới định hướng tư pháp hóa để dần dần hình thành cơ chế xem xét, áp dụng các biện pháp nay thông qua cơ quan Tòa án tiến hành theo trình tự tố tụng chặt chẽ hoặc chuyển hóa sang pháp luật hình sự để áp dụng theo thủ tục tố tụng tư pháp với tư cách là các biện pháp tư pháp. Chính vì vậy, nội dung nghiên cứu này có ý nghĩa hỗ trợ và trực tiếp tác động tích cực và sâu sắc đến việc nghiên cứu soạn thảo nội dung của Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm chất lượng và tính khách quan cao của các quy định trong Dự án Luật liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính khác trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam.  (Trích Bản Tin của Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và Bảo vệ quyền" - tài liệu đã phát tại Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 7, tổ chức tại Hà Nội, ngày 13/9/2010)

Tóm lại, tại Phiên họp kiểm điểm giữa kỳ Nhóm Điều phối Chương trình Quản trị quốc gia của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc, các  nguyên tắc tiếp cận Một Liên Hợp quốc sau đây đã được tổng kết, đánh giá là mang lại hiệu quả tích cực và cần được tiếp tục triển khai:

- Linh hoạt – cùng hợp tác;

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau của LHQ để có tiếng nói thống nhất với Chính phủ sở tại;

- Tận dụng các cơ hội từ nhiều dự án và hoạt động hợp tác khác nhau để có sự hỗ trợ thống nhất, hài hòa, trôi chảy trong khuôn khổ Một LHQ

Danh sách Đồng Trưởng Nhóm Điều phối Chương trình của Liên Hợp quốc và Chính phủ Việt Nam (PCG)

- Cơ quan Đồng Trưởng Nhóm: gồm 01 cơ quan đại diện Liên Hợp quốc và 01 cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam;

- Đồng Trưởng Nhóm: gồm 01 đại diện phía Liên Hợp quốc và 01  đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam

 

PCG

Cơ quan Đồng Trưởng Nhóm

Đồng Trưởng Nhóm

Chính sách phát triển Kinh tế và Xã hội

UNICEF,  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bà Ann-Charlotte Rojas Sylwander - Trưởng đại diện UNICEF

Ông Trần Quốc Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hóa  và xã hội 

Y tế

WHO 

Bộ Y tế

Ông Jean - Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO 

Bà Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ HTQT 

Giáo dục

UNESCO 

Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO  

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính

 

Phát triển bền vững

FAO 

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bà Nilgun Tas - Trưởng đại diện FAO

Ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT 

Quản lý Nhà nước

UNDP 

Bộ Tư pháp

 

 

Bà Setsuko Yamazaki - Giám đốc Quốc gia UNDP 

Bà Đặng Hoàng Oanh - Phó Vụ trưởng Vụ HTQT

Quản lý thảm họa thiên tai

UNDP 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

 

Bà Setsuko Yamazaki- Giám đốc Quốc gia UNDP 

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

HIV

UNAIDS 

Bộ Y tế

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc quốc gia

Ông Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS

 

Giới

UNIFEM 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Ông Suzette Mitchell, Giám đốc quốc gia 

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng


 

[i] Ngày 20/6/2008, Chính phủ Việt Nam và LHQ tại Việt Nam đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của  Liên hợp quốc tại Việt Nam  khi ký kết “Kế hoạch chung” -  một kế hoạch hành động đến năm 2010. Kế hoạch chung duy nhất này thống nhất về mục tiêu, phương thức hành động và nguồn lực thực hiện, gắn kết các chương trình của  14 cơ quan thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Chính phủ Việt Nam, một kế hoạch hành động được đưa ra và  các tiểu nhóm được lập ra để xây dựng “Năm một: Một kế hoạch, Một Ngân sách, Một hệ thống thông lệ Quản lý, Một Lãnh đạo và Một Nhà LHQ”. Các sáng kiến “Năm một” này là nội dung chính của Sáng kiến Một LHQ với sự tham gia đầu tiên của UNDP, UNICEF và UNFPA và sau đó là UNIFEM, UNAIDS và UNV.  

Bản kế hoạch chung với năm mục tiêu nêu trên nhằm hỗ trợ tốt hơn cho Việt Nam trong kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế xã hội 2006-2010 và đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Bản kế hoạch nhấn mạnh xây dựng hệ thống quản trị quốc gia; kế hoạch và luật pháp phù hợp với mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ và các điều ước quốc tế liên quan; chính sách bảo vệ môi trường; chính sách giảm thiểu nguy cơ do thiên tai, bệnh truyền nhiễm và các tình trạng khẩn cấp gây ra và phổ cập các dịch vụ xã hội. 

Để Kế hoạch chung được thực hiện thành công cần có sự tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, sự hợp tác hiệu quả hơn giữa các cơ quan đối tác của Việt Nam và văn phòng các tổ chức  Liên hợp quốc  tại Việt Nam, cũng như cần có sự tích cực hơn trong đổi mới và thống nhất về nhận thức và cách thức phối hợp của các tổ chức  Liên hợp quốc. 

Việt Nam là một trong tám nước thực hiện thí điểm cải cách  Liên hợp quốc ở cấp quốc gia, và Sáng kiến Một  Liên hợp quốc là hành động cụ thể của Việt Nam nhằm thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Hiệu quả viện trợ và giải quyết các thách thức phát triển không ngừng thay đổi mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phấn đấu trở thành nước có mức thu nhập trung bình. 

[ii] Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Bộ Tư pháp cử làm Đồng Trưởng Nhóm điều phối chương trình về quản trị quốc gia giữa Việt Nam và Liên hợp quốc; Đồng Trưởng Nhóm về phía Liên Hợp quốc là Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).  

[iii] Kế hoạch Một Liên Hợp quốc (LHQ) giai đoạn 2006-2010[iii] đã được Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 14 cơ quan LHQ ký kết vào ngày 20 tháng 6 năm 2008. Kế hoạch này kêu gọi LHQ đóng vai trò to lớn hơn trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện những nhiệm vụ sau đây: 

-         Tăng cường năng lực quốc gia, hỗ trợ tư vấn chính sách và trợ giúp kỹ thuật trong việc xây dựng và thực thi các chính sách của quốc gia, các chương trình và dự án  (Đoạn 60 Kế Hoạch chung:  “Mức độ hỗ trợ của các Tổ chức LHQ tham gia là rất nhỏ so với tổng viện trợ ODA dành cho Việt Nam. Vấn đề này liên quan đến việc LHQ cần thay đổi hình thức hỗ trợ từ cung cấp các dịch vụ cơ bản qua việc thực hiện các dự án truyền thống sang đóng một vai trò ngày càng lớn trong tư vấn chính sách cho Chính phủ. Sự hỗ trợ này sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu được sử dụng để  do Chính phủ và các đối tác khác tài trợ, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các tổ chức LHQ tham gia có lợi thế so sánh.”    

-         Tăng cường năng lực quốc gia để thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả viện trợ do quốc gia chủ trì và hỗ trợ cho việc thực hiện Cam kết Hà Nội  (Đoạn 72 Kế hoạch chung: “LHQ có vai trò tập hợp và vai trò này chỉ có thể được tăng cường thông qua một Liên Hợp Quốc thống nhất. Vai trò này sẽ góp phần đáng kể vào việc thực hiện Cam kết Hà Nội và đảm bảo cơ sở chung cho quá trình phát triển ở Việt Nam. “Một LHQ” sẽ đặc biệt tăng cường vai trò điều phối viện trợ và góp phần tăng cường năng lực quốc gia để thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả viện trợ do quốc gia chủ trì và hỗ trợ cho việc thực hiện Cam kết Hà Nội.” 

 

[iv] Thông tin liên quan đến Báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia có thể liên hệ: Đặng Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp, dtson@moj.gov.vn hoặc hộp thư của Dự án Project58492.vn@undppartners.org

 

                          Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

Bài có liên quan:

Diễn đàn đối tác pháp luật thường niên lần thứ Bảy

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Dự án “ Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền” sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một thời kỳ mới trong sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với UNDP và cộng đồng quốc tế

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc: Thống nhất và đánh giá cao Dự án hợp tác mới 2010 – 2014 “Tăng cường Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền”

Trao quyền pháp lý cho người nghèo: Tác động từ khía cạnh chính trị và kinh tế cho sự phát triển

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Đức Chính tham dự Hội nghị khu vực của Chương trình phát triển Liên hợp quốc về Trao quyền pháp lý cho người nghèo

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp phái đoàn Cơ quan Trung ương Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc: Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo

Sáng kiến một Liên hợp quốc - chính sách quan trọng nhằm cải tổ Liên hợp quốc tại Việt Nam

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam: Tăng cường tư vấn chính sách cho các nội dung ưu tiên về cải cách pháp luật và tư pháp

Diễn đàn đối tác pháp luật - Thiết chế thường niên trong đối thoại chính sách cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khai mạc Diễn đàn đối tác pháp luật: Định hướng quan hệ đối tác mới trong cải cách pháp luật và tư pháp

Một số nội dung cơ bản và những điểm mới trong Nghị định số 78/2008/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật

Kế hoạch triển khai Nghị đính số 78/2008/NĐ-CP về Quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật

Các đối tác phát triển: Việt Nam đã điều hành tốt kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn toàn cầu - chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008: Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng"

Dự án Phát triển lập pháp giai đoạn 2009-2015: Một bước cụ thể hoá quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Canada

Hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Canada: Toàn diện, thiết thực và hiệu quả

Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường với Bộ trưởng hợp tác quốc tế Canada: Cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước