Xã hội hoá việc thu phí cầu, đường bộ: Cần triển khai trên phạm vi toàn quốc

21/09/2010
Vừa qua, Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã bán quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn Nam Cầu Ghẽ (QL 1A) cho Công ty TNHH Hải Châu quản lý, khai thác. Việc làm này, tuy không mới nhưng đã thể hiện được quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hoá ở tất cả những lĩnh vực.

Ở nhiều nước trên thế giới việc xây dựng, quản lý, thu phí cầu đường theo hình thức “Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao” (BOT) đã được thực hiện từ lâu và đạt được những kết quả rất khả quan. BOT trong lĩnh vực cầu đường là nhà nước thực hiện đấu thầu trọn gói, các doanh nghiệp, cá nhân trúng thầu được quyền thu phí có thời hạn theo quy định tại gói thầu đó. Sau khi hết thời hạn đó, cơ quan có thẩm quyền lại tiếp tục đưa ra đấu thầu công khai để tiếp tục giao cho doanh nghiệp, cá nhân nào đấu thầu cao nhất được quản lý, điều hành. Với cách làm này không những tạo thuận lợi cho người dân đầu tư làm ăn mà còn làm giảm chi phí đầu tư của nhà nước vào việc phát triển giao thông, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Việc giao cho các doanh nghiệp, cá nhân quản lý có nhiều thuận lợi cho nhà nước như sẽ giảm được kinh phí và biên chế để tổ chức bộ máy hoạt động. Đồng thời, sẽ ngăn ngừa được hiện tượng tiêu cực, thông đồng giữa các cá nhân, doanh nghiệp và các nhân viên nhà nước, gây thất thoát cho ngân sách như đã xảy ra ở nhiều trạm thu phí đường bộ trong thời gian vừa qua.

Thiết nghĩ, cần nhanh chóng thực hiện việc xã hội hoá công tác thu phí cầu, đường bộ phạm vi toàn quốc nhằm thu hút nguồn lực trong nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần vào việc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Quốc Cường