Dự án Luật phòng, chống mua bán người: Ủy ban cấp xã phải hỗ trợ nạn nhân

21/09/2010
Vấn đề hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã gây nhiều tranh cãi tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, với việc nghiêm túc tiếp thu chỉnh lý các ý kiến thường vụ, dự thảo mới nhất trình UBTVQH ngày 17/9 được nhiều sự đồng thuận.

Không cần lập thêm cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Theo dự thảo Luật, các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có được giao nhiệm vụ thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết: đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với quy định và cho rằng, hiện nay cơ sở bảo trợ xã hội đều được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, do Sở Lao động, thương binh và xã hội quản lý. Nếu bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tăng cường đầu tư thêm cho các cơ sở này, nhất là nơi thuộc địa bàn trọng điểm về mua bán người hoặc có nhiều nạn nhân thì sẽ tận dụng được cơ sở hiện có và hoạt động hiệu quả, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, bà Ba cũng thông tin: một số ý kiến khác lại cho rằng nếu giao cho các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân như dự thảo thì sẽ không phù hợp vì không phải địa bàn nào cũng có nạn nhân bị mua bán. Hơn nữa, giao các cơ sở này sẽ gây đầu tư dàn trải, lãng phí. Do đó, ý kiến này đề nghị không giao việc này cho các cơ sở bảo trợ xã hội mà nên thành lập một số cơ sở hỗ trợ nạn nhân của Nhà nước ở những vùng miền, khu vực nơi có tình trạng mua bán người diễn ra phổ biến.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với quan điểm thứ nhất vì: “trong giai đọan hiện nay, “phình” ra thêm bộ máy để thực hiện công việc này là không nên, mà nên tận dụng các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có là phù hợp”. Bà Mai cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về chính sách hỗ trợ cho cả cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (vì thực tế hiện các cơ quan này cũng đã phải hỗ trợ với nhiều nạn nhân).

Ủy ban cấp xã làm thủ tục để nạn nhân về nơi cư trú.

Theo đề xuất của Chính phủ, UBND cấp xã thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân đến khai báo; thực hiện việc làm thủ tục để nạn nhân tự trở về nơi cư trú hoặc chuyển giao họ cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân; trường hợp người đó chưa có giấy tờ xác định là nạn nhân thì làm thủ tục đề nghị Công an cấp huyện xác minh nạn nhân.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và nhiều thường vụ đồng tình: hỗ trợ là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước với những người là nạn nhân của việc mua bán. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về cơ quan hỗ trợ (cụ thể là UBND cấp xã) thì cần phải tính toán thêm để những quy định này có tính khả thi, đảm bảo phù hợp với điều kiện tài chính của nước ta. Vấn đề này trong phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự “lo lắng” quy định như vậy ngân sách cấp xã sẽ “quá sức” chịu đựng.

Còn Ủy ban Tư pháp với chức năng cơ quan thẩm tra dự án luật nói trên cho rằng, việc giao UBND cấp xã hoặc cơ quan tổ chức nơi gần nhất tiếp nhận việc khai báo ban đầu về nạn nhân bị mua bán là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta. Tuy nhiên, Ủy ban này không đồng ý giao thêm một số việc cho UBND cấp xã như làm thủ tục để nạn nhân tự trở về, đưa họ đến cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân…vì trên thực tế nhiều trường hợp, UBND cấp xã không đủ điều kiện về năng lực, kinh phí để đảm đương các nhiệm vụ này.

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ giao cho UB cấp xã hoặc các cơ quan, tổ chức nơi gần nhất tiếp nhận thông tin ban đầu và hỗ trợ ăn, mặc và các nhu cầu thiết yếu nếu nạn nhân có yêu cầu. Sau đó, các cơ quan này sẽ đề nghị cơ quan Lao động- thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định của Luật.

Tuy nhiên, giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: UBND cấp xã hiện đang được tăng cường đáng kể về mọi mặt. Do đó, Bộ trưởng đề nghị được giữ nguyên như quy định của Dự thảo Luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến.

Thu Hằng