Sửa đổi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND: Gỡ vướng cho ngày bầu cử

21/09/2010
Sau một tuần làm việc liên tục, phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kết thúc. Lần họp này, thường vụ đã nghe và cho ý kiến vào nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có báo cáo tổng kết bước 1 việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND.

Thí điểm không tổ chức HĐND: chưa “vội” mở rộng.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn sau khi nêu những kết quả tích cực trong việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã khẳng định chủ trương thực hiện thí điểm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án. Theo phương án 1, từ kết quả thí điểm tại 10 tỉnh, thành hiện nay, đề nghị tại Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến HĐND để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011.

Nếu lựa chọn phương án này, tháng 5/2011 chỉ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các xã, thị trấn và không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước.

Phương án 2 được Chính phủ nêu rõ, ngoài việc tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố hiện nay, đề nghị tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII ban hành Nghị quyết mở rộng thêm phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố bảo đảm đại diện cho các vùng, miền của cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết: Thường trực Uỷ ban nghiêng về phương án 1. Tuy nhiên, để thực hiện được thì việc tổng kết phải đạt được sự đồng thuận cao và bảo đảm tính thuyết phục.

“ Trường hợp cần sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật có liên quan để làm cơ sở cho việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình đã thí điểm trên phạm vi cả nước thì công việc này cần phải được thực hiện xong trước thời gian công bố việc bầu cử, cụ thể là phải hoàn thành trong năm 2010. Đây là một công việc không hề đơn giản”. Ông Thuận khẳng định và cho rằng “việc sửa đổi Hiến pháp liên quan đến việc không tổ chức HĐND ở một số cấp cần được nghiên cứu kỹ và cần được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân”

Uỷ ban Pháp luật và nhiều thường vụ tán thành với phương án tiếp tục thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị vẫn chỉ tiếp tục thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố, không cần mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ.

Cần tăng đại biểu cho các địa phương thí điểm

Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND, nhiều thường vụ tán thành cao với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, theo đó chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng cần tăng số lượng đại biểu HĐND cho thành phố Hà Nội và Tp.HCM vì đây là hai TP. trọng điểm, dân số và diện tích lớn.

Cùng quan điểm nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước còn đề nghị tăng cả đại biểu HĐND cấp tỉnh với những địa phương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Cũng liên quan đến vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, Ủy ban pháp luật cho rằng nếu đến khi bầu cử đại biểu HĐND các cấp mà vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm ở các địa phương này thì tại các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức bầu đại biểu HĐND huyện, quận, phường. Nếu quyết định không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi toàn quốc thì vấn đề này sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật bầu cử đại biểu HĐND và theo đó sẽ không bầu đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính này.

Bình An