Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chưa thấy trách nhiệm cơ quan quản lý

21/06/2010
Đánh giá chung về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BV NTD), chiều ngày 18/6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, ban hành dự thảo luật là cần thiết khi mà NTD đang bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng mà chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định trong dự thảo chưa cập nhật được thực tiễn, cần phải tham khảo thêm ý kiến NTD.

Một vấn đề được các ĐBQH cảm thấy lo ngại về dự thảo Luật là “chưa tập trung vào những lĩnh vực của cuộc sống”, thiếu những quy định về các dịch vụ giáo dục, y tế, viễn thông, ngân hàng… và chỉ tập trung vào các trung tâm thương mại, dịch vụ, mà chưa quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ. ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (TP. Đà Nẵng) nhận xét: “dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD và quy định pháp luật, chỉ chú trọng giải quyết hậu quả, nhưng việc phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm quyền lợi NTD lại mờ nhạt”.

Bức xúc trước sự lan tràn của những hành vi ngang nhiên xâm phạm quyền lợi NTD như quảng cáo sai sự thật, cúp điện…, ĐB Vi Kiều Vân (Quảng Trị) vẫn thấy lo lắng, liệu luật này ban hành có bảo vệ được quyền lợi NTD không, bởi như nhiều ĐB khác, ĐB Vân nhận thấy trong dự thảo luật thấy “vắng bóng” những quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, nhiều vụ việc cần sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước. Họ có cán bộ, có công cụ tài chính và nhiều thế mạnh khác để bảo vệ quyền lợi NTD.

Do đó, các ĐBQH thấy rằng, “phòng bệnh chứ không đơn thuần chữa bệnh, nên cần quy định trách nhiệm của Bộ Công thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp” trong hoạt động này, trong đó có việc công bố thông tin về kết quả kiểm tra của các cơ quan Nhà nước về chất lượng hàng hoá, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh cho NTD; cũng như có chế tài mạnh hơn để người dân được bảo vệ. “Khi quan điểm hành vi xâm phạm quyền lợi NTD là tội ác thì quyền lợi NTD mới được bảo vệ” - ông Tấn khẳng định.

Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại đối với các cá nhân kinh doanh độc lập không phải đăng ký kinh doanh. Đây là hình thức kinh doanh đang rất phổ biến và có nhiều “nguy cơ” xâm phạm quyền lợi NTD.

ĐB Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) lo ngại, quy định trách nhiệm phản ánh chất lượng sản phẩm của NTD là “bất khả thi” đối với NTD ở những địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa. Bởi việc tiêu dùng hàng hóa chính hãng đối với họ còn là “xa xỉ” thì làm sao họ có thể phản ánh chất lượng hàng hóa với người sản xuất?.

Các ĐBQH đề nghị giao quyền khởi kiện về vi phạm quyền lợi NTD cho tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD để phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, các ĐB cũng quan tâm đến việc kiểm soát các hình thức bán hàng từ xa (qua TV, internet…) đang rất phổ biến, quy định về hợp đồng mẫu để “tránh tình trạng xin cho, quy định thêm thủ tục hành chính làm khó cho doanh nghiệp” – như ý kiến của ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng)…/.

H.Giang


Trịnh Thị Hương Giang