Hội thảo Quốc gia "Chính sách, pháp luật về lao động"

05/04/2010
Trong 2 ngày 2-3/4/2010, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ thực hiện chính sách (thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Canada) tổ chức Hội thảo Quốc gia "Chính sách, pháp luật về lao động". Ông Lê Thanh Quang - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Bộ luật Lao động (BLLĐ) được Quốc hội nước ta thông qua năm 1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995. Qua 15 năm thi hành với ba lần sửa đổi cho thấy BLLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định một hành lang pháp lý tương đối toàn diện nhằm điều chỉnh các quan hệ lao động (QHLĐ) trong nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; đáp ứng và bảo vệ về cơ bản quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, bảo đảm sự quản lý của nhà nước với QHLĐ.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLLĐ đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải quan tâm, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước và tính đa dạng, linh hoạt của thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường nhằm hình thành một khung pháp lý đồng bộ, toàn diện, khả thi và hiệu quả hơn về QHLĐ, tạo điều kiện để QHLĐ tiếp tục phát triển theo hướng tiến bộ, hài hòa và ổn định trong nền kinh tế thị trường.

Do vậy, theo chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XII và năm 2010, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Lê Thanh Quang - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động tại địa phương vẫn còn một số hạn chế nhất định như: thu nhập của người lao động ở một số ngành, nghề còn thấp; vấn đề nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn còn xảy ra ở một số doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước về lao động có mặt còn chưa theo kịp với yêu cầu. Vì vậy, việc cung cấp thông tin liên quan đến pháp luật lao động hiện hành, tình hình thực hiện và những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động là rất quan trọng.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: vấn đề đại diện của người lao động trong mối QHLĐ, quy định về thời giờ làm thêm có nên tăng lên hay giữ nguyên như hiện tại (200giờ/năm); vấn đề thỏa ước lao động tập thể; vấn đề đình công, làm thế nào để các cuộc đình công diễn ra đúng quy định của pháp luật; đặc biệt là vấn đề lồng ghép giới trong lao động (như bình đẳng trong lao động về tiền lương, về công việc giữa nam và nữ; về độ tuổi bắt đầu làm việc cũng như tuổi nghỉ hưu, về tăng cường các tranh thiết bị bảo hộ lao động để bảo vệ người lao động, về trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp trong hỗ trợ lao động nữ, về chế độ thai sản....). Ngoài ra, các đại biểu đã chia tổ thảo luận nhóm đóng góp ý kiến cho Dự thảo BLLĐ sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã được nghe các chuyên gia đến từ Cơ quan phát triển quốc tế Canada giới thiệu những kinh nghiệm lập pháp trong lĩnh vực lao động của Canada nói chung, của bang Ontario nói riêng; tập trung vào các vấn đề như pháp luật về việc làm và lao động, quá trình đàm phán thỏa ước lao.động tập thể; vấn đề bế xưởng/đình công; các mô hình và kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp lao động, vai trò và thực tiễn hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp... Các đại biểu cùng các chuyên gia đã có những trao đổi, thảo luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề mà hai bên quan tâm.

Được biết, các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ giúp cho Ban Soạn thảo có những chỉnh sửa để hoàn thiện Dự án BLLĐ trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đặng Hữu