Văn bản hợp nhất: Có giá trị áp dụng trực tiếp?

02/04/2010
Một trong những vấn đề đáng lưu ý mà Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phải “quyết” được là văn bản hợp nhất sẽ có giá trị đến đâu!

Áp dụng trực tiếp được không?

Để tạo thuận lợi cho việc sử dụng của người dân, trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ ban hành Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL. Hiện dự thảo Pháp lệnh này được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Đại diện đơn vị được Bộ Tư pháp giao nhiệm vụ trình dự thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, một trong những vấn đề đáng lưu ý mà Pháp lệnh phải giải quyết được là VB hợp nhất sẽ có giá trị đến đâu. Theo Điều 7 dự thảo 1 Pháp lệnh về áp dụng VB hợp nhất, các quy định trong VB hợp nhất được áp dụng trực tiếp. Trong trường hợp VB hợp nhất có nội dung mâu thuẫn với VB được hợp nhất thì áp dụng các VB được hợp nhất.

Tuy nhiên, ông Lương Minh Tuân (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, hợp nhất VB là quá trình tập hợp, sắp xếp các quy định của VB sửa đổi, bổ sung vào VB gốc và có thể có xác nhận nội dung của VB hợp nhất phù hợp với các VB được hợp nhất. Nói cách khác, đây là việc “lồng ghép” các quy định của VB sửa đổi, bổ sung với VB gốc. Vì vậy, ông Tuân nhấn mạnh, VB hợp nhất không có giá trị pháp lý thì không thể áp dụng trực tiếp được.

Tán thành với ông Tuân, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng khẳng định, vì hợp nhất VB chỉ là thuần tuý về mặt kỹ thuật nên phải tránh dùng cụm từ “áp dụng trực tiếp”. Nhưng Thứ trưởng Liên cân nhắc, tổ biên tập nghiên cứu xem liệu rằng VB hợp nhất có giá trị như VB gốc được không. Đồng thời lưu ý, trong quá trình hợp nhất chắc chắn không tránh được sai sót, nếu sai sót về mặt kỹ thuật thì ai cũng có thể phát hiện và yêu cầu cơ quan hợp nhất sửa đổi. “Còn khi hợp nhất phát hiện ra mâu thuẫn về nội dung giữa quy định của VB sửa đổi, bổ sung với VB gốc thì cách xử lý ra sao? Có cho cơ quan hợp nhất được quyền kiến nghị không?”, Thứ trưởng Liên nói.

Không cần thiết đăng Công báo

Phạm vi của dự thảo Pháp lệnh trước mắt sẽ điều chỉnh việc hợp nhất các VB do các cơ quan nhà nước TƯ ban hành. Cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo VB sửa đổi, bổ sung; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội xây dựng VB hợp nhất đối với Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng VB hợp nhất nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Cơ quan chủ trì soạn thảo VB chịu trách nhiệm xây dựng VB hợp nhất của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ quan chủ trì soạn thảo VB chủ trì, phối hợp với các cơ quan phối hợp soạn thảo VB liên tịch xây dựng VB hợp nhất. Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh cũng nói rõ, các VB hợp nhất phải được đăng Công báo; các sai sót về mặt kỹ thuật trong quá trình hợp nhất phải được chỉnh sửa và được đính chính kịp thời trên Công báo.

Hoan nghênh dự thảo Pháp lệnh về quy định không tạo ra cơ quan thứ 3 ngoài cơ quan soạn thảo VB sửa đổi và cơ quan ban hành tiến hành hợp nhất, song Thứ trưởng Liên băn khoăn, có nhất thiết phải đăng công báo không khi mà VB gốc, VB sửa đổi, bổ sung đều đã đăng Công báo. Từ đó, Thứ trưởng gợi ý 2 phương án công bố VB hợp nhất là đăng Công báo điện tử và xuất bản bản in (giao cho các nhà xuất bản). Ông Tuân cho rằng, nếu đăng Công báo được thì rất tốt nhưng e sẽ quá tải và tốn kém. “Có thể đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước để coi như một hình thức thông báo cho người dân biết”, ông Tuân bổ sung.

Cẩm Vân