Người tập sự hành nghề luật sư: Luật sư “có thể bơi” sau tập sự!

01/04/2010
Để khắc phục những bất cập về thời gian tập sự hành nghề luật sư (LS), Bộ Tư pháp đã soạn thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn tập sự hành nghề LS. Dự thảo này đang được đưa ra lấy ý kiến giới LS và các Bộ, ngành liên quan.

Tập sự xong vẫn “lơ ngơ”

Đã không ít người tập sự hành nghề LS và bản thân các LS phải “kêu trời” vì những qui định không cho người tập sự hành nghề LS có cơ hội tham gia hoạt động thực tiễn nghề nghiệp. LS.Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn LS TP.Hà Nội) ví các qui định PL hiện nay đối với những người tập sự như “cho họ ra biển nhưng không được bơi”.

Theo khoản 3 điều 14 Luật LS, ngoài “giúp LS hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp”, người tập sự không được làm gì khác để chuẩn bị cho nghiệp LS sau này của họ. “Như vậy là rất khổ cho các em vì không được va chạm thực tiễn” – LS.Hằng Nga nhận định. Bởi trong thực tế, nếu ai được tập sự ở các tổ chức hành nghề LS có nhiều việc, được tham gia vào nhiều hoạt động thì trưởng thành rất nhanh, còn ngược lại thì qua 18 tháng tập sự vẫn “lơ ngơ như bò đội nón” là điều dễ thấy.

Quan điểm của Liên đoàn LS Việt Nam là cần qui định cho người tập sự hành nghề LS được đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, được trực tiếp thực hiện dịch vụ pháp lý khác và phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình thực hiện. Tuy nhiên, với “trần” là khoản 3 điều 14 thì dự thảo Thông tư hướng dẫn tập sự hành nghề LS không thể dành cho người tập sự những quyền đó.

Nhưng như nhận định của LS.Nguyễn Huy Thiệp (ĐLS Hà Nội), theo luật, người tập sự nếu nhận và thực hiện các dịch vụ pháp lý theo sự phân công của LS hướng dẫn thì không sao. Vì khi đó, người tập sự thực hiện các hoạt động này dưới sự hướng dẫn và danh nghĩa của LS hướng dẫn. Điều này Luật LS không cấm. Tinh thần này cũng được thể hiện trong điểm đ khoản 1 điều 10 dự thảo Thông tư.

Bắt trả thù lao sẽ không nhận tập sự!

LS.Nguyễn Văn Thảo (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) nhận xét, dự thảo Thông tư không có qui định về chế độ vật chất đối với người tập sự dù thực tế, người tập sự cũng bỏ ra không ít công sức, đóng góp cho hoạt động của tổ chức hành nghề LS nơi họ tập sự. Bộ luật Lao động có qui định được hưởng tiền công trong thời gian học nghề, học việc. Vì thế, dự thảo Thông tư cần qui định về nguyên tắc “Người tập sự phải được hưởng thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra” nhưng mức cụ thể thì để tổ chức hành nghề LS và người tập sự tự thỏa thuận mới công bằng.

Dù pháp luật chưa có qui định cụ thể nhưng nhiều tổ chức hành nghề LS có nhận người tập sự cũng đã thực hiện trả thù lao cho người tập sự theo công việc họ đã thực hiện được. Song ý kiến của nhiều LS không đồng tình với quan điểm qui định “cứng” về việc trả thù lao, vì như quan điểm của LS. Nguyễn Phúc Tiến (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Thọ), không thể trả thù lao cả cho những người chỉ biết đến văn phòng và... “ngồi một chỗ, không làm được gì”.

Bên cạnh đó, nếu qui định bắt buộc tổ chức hành nghề LS có nghĩa vụ trả thù lao và quyền của người tập sự được nhận thù lao thì không tổ chức nào nhận tập sự. Theo LS.Nguyễn Huy Thiệp: “Quyền áp đặt cũng phải có chừng mực vì chưa phải tất cả các LS đều đã có thể sống bằng nghề, không phải tổ chức nào cũng “đứng vững” bằng thù lao hoạt động. Còn rất nhiều tổ chức hành nghề LS đang rất “dặt dẹo” mà bắt họ gắn nghĩa vụ thù lao cho người tập sự là không khả thi”.

Phí tập sự

Hiện mỗi người tập sự hành nghề LS thường phải đóng một khoản phí tập sự cho tổ chức hành nghề LS nơi nhận tập sự (theo qui định của tổ chức đó). Lý giải của các LS có nhận tập sự là để “bù đắp cho khoản hành chính phí và cơ sở vật chất mà người tập sự được hưởng” để tập sự đàng hoàng, hành nghề cứng cáp.

Ước tính, chi phí cho một tổ chức hành nghề LS (văn phòng LS) trung bình cũng phải 5-10 triệu đồng/tháng. Đấy là chưa kể đến thời gian, công sức mà LS hướng dẫn phải bỏ ra để đào tạo, bỗi dưỡng, hướng dẫn cho người tập sự vì “dù lúc giảng chúng tôi đã cố truyền đạt rất nhiều kỹ năng hành nghề, nhưng khi nhận người tập sự, vẫn phải hướng dẫn lại gần như từ đầu” – LS.Hằng Nga cho biết. Do đó, người tập sự có thể phải trả thù lao cho tổ chức hành nghề LS như “học phí” là hoàn toàn hợp lý.

Hơn nữa, qui định này cũng góp phần đảm bảo cho quyền lợi của tổ chức hành nghề LS nhận người tập sự, chứ không người tập sự dễ thành “gánh nặng” cho tổ chức hành nghề LS. Đồng thời, nên có qui định vinh danh những tổ chức hành nghề LS có nhiều người tập sự đỗ hoặc đỗ cao trong kỳ thi cấp chứng chỉ.

Ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm tập sự

Vấn đề là có nên qui định buộc tổ chức hành nghề LS và người tập sự phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Quan điểm của LS.Hà Thị Thanh (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Hưng Yên) thì phải ký HĐLĐ như sự ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên, đảm bảo chất lượng tập sự, loại bỏ tình trạng chỉ tập sự kiểu “ghi danh nộp phí”. LS.Thanh lấy ví dụ thực tiễn từ Văn phòng của mình. Hơn 10 người tập sự đều được ký HĐLĐ thì sau 18 tháng tập sự, hầu như những người tập sự này đều hành nghề được ngay. Còn một số văn phòng cho tập sự kiểu “ghi danh” thì người tập sự thậm chí không qua được kỳ thi cấp chứng chỉ.

Những LS.Nguyễn Như Bích (Cty Luật số 5 Quốc gia) lại cho rằng, không nên coi tập sự hành nghề LS là quá trình học việc của người lao động vì đây là hoạt động đặc thù. Đồng quan điểm, LS.Phan Thanh Long (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, Luật LS và điều lệ Liên đoàn LS không qui định vấn đề ký HĐLĐ giữa tổ chức hành nghề và người tập sự nên chỉ áp dụng phương pháp thỏa thuận, chứ không áp dụng HĐLĐ. Hơn  nữa, nếu sử dụng hình thức HĐLĐ sẽ kéo theo nhiều nghĩa vụ pháp lý mà không phải tổ chức hành nghề LS nào cũng có thể đáp ứng....

Huy Anh

Hà Thị Thanh (CN ĐLS Hưng Yên): “Tập sự 3 tháng đã được chuyển nơi tập sự như qui định của khoản 2 điều 4 dự thảo Thông tư là quá ngắn. Tổ chức nhận tập sự không yên tâm giao việc, khó đánh giá chất lượng tập sự nên cần qui định tối thiểu là 6 tháng”.

Phan Thanh Long (CN ĐLS Thái Nguyên): “18 tháng tập sự mà cho “nhảy cóc” tối đa 6 tổ chức hành nghề LS thì không đảm bảo chất lượng. Nên kéo dài thời gian tối thiếu phải tập sự tại một tổ chức là 6 tháng trước khi thay đổi nơi tập sự”

Nguyễn Cẩm (CN ĐLS Hải Phòng): “Vừa “thoát” tập sự đã làm “thầy” hướng dẫn người khác tập sự là không ổn. Vì vậy nên qui định LS có 3 năm hành nghề trở lên mới được hướng dẫn”.