Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II: Giảm nghèo, nhưng chưa bền vững

14/04/2010
“Tuy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn”. Đó là nhận định của ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội với cương vị Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện xóa đói giảm nghèo Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) trong phiên khai mạc thứ 30 của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong ngày 12/4.

Nhiều mục tiêu không đạt

Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, 354/567 huyện với tổng số 1946 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 3274 thôn bản đặc biệt khó khăn của 1140 xã khu vực II.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Từ năm 2006-2010, tổng kinh phí của ngân sách TW và tài trợ của các tổ chức quốc tế đã đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn II là trên 14 ngàn tỷ đồng. Với con số này, mức vốn đầu tư cho mỗi đơn vị cấp xã thụ hưởng cũng dần tăng (năm 2006-2007 là 860 triệu đồng/xã/năm, đến 2010 đã tăng lên 1364 triệu/xã/năm).

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong rất nhiều mục tiêu mà chương trình đặt ra, phần lớn chưa hoàn thành (mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, về mức thu nhập bình quân đầu người, đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm đến các thôn, bản, mục tiêu về xây dựng các công trình thủy lợi, trường lớp học…).

Lý giải về tình trạng nêu trên, Chính phủ thẳng thắn cho rằng, một trong những nguyên nhân không đạt được các mục tiêu theo kế hoạch là do chương trình đã “đưa ra mục tiêu phấn đấu quá cao”. Trong khi đó định mức vốn cho xã, thôn bản quá thấp, chưa cân đối với mục tiêu và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Cho rằng, so với giai đoạn I nhiều vấn đề của chương trình giai đoạn II đã được rút kinh nghiệm và đạt nhiều kết quả tốt nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì nhiều mục tiêu không đạt được do chúng ta xuất phát điểm quá thấp. “Vì sao các chương trình giảm nghèo lại chia quá nhiều Bộ, ngành tham gia đến vậy, phải chăng có vấn đề trong cách thức thực hiện”, bà Mai băn khoăn. “Tôi đi giám sát thấy các tỉnh càng khó khăn giảm nghèo càng nhanh nhưng tái nghèo cũng nhanh không kém. Đơn cử chỉ qua một lần dịch bệnh, thiên tai là lại tái nghèo. Trong khi một trong những mục tiêu cơ bản của chương trình là giảm nghèo bền vững” Bà Mai nêu thực tế và bà cho rằng, phải có những giải pháp để đảm bảo mục tiêu này.

Cũng đi tìm nguyên nhân để tìm cách “gỡ”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lên tiếng: các văn bản cho việc thực hiện chương trình 135 còn chậm, cái có cái không. Đồng tình, nhiều thường vụ cho rằng phải xây dựng 1 chính sách dài hạn với những quy định cho từng vùng, miền.

Hơn 10 năm… vẫn không tự làm được?

Sau khi phân tích nhiều yếu tố là nguyên nhân dẫn đến mục tiêu của chương trình không đạt, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi: “tại sao nhiều nơi sử dụng ngân sách của TW lại thoát nghèo nhanh hơn sử dụng ngân sách địa phương. Việc này có phải bệnh thành tích không, có trông chờ ỷ nại không? Tại sao nhiều tỉnh có đội ngũ cán bộ giỏi, có các điều kiện làm tốt nhưng sao vẫn giải ngân chậm”.

Liên quan đến vấn đề năng lực của cán bộ cơ sở (cấp xã) Phó chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự lo ngại: tại sao đã 12 năm (chương trình bắt đầu từ 1998- PV) mà đội ngũ cán bộ của ta vẫn không thể tự làm dự án cứ phải trông đợi vào huyện. “Cần có đánh giá thực chất hơn về vấn đề này”.

Chung ý kiến với Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn “phê” báo cáo Đoàn giám sát chưa đưa ra được những giải pháp thoát nghèo. Ông Đàn hiến kế, một trong những giải pháp cần được quan tâm là vấn đề thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ về những nơi khó khăn để công tác.

Nhiều thường vụ Quốc hội cũng có những đóng góp về giải pháp trên nhiều phương diện như xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong cách thức tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát…để đồng vốn thuộc chương trình 135 thực sự đạt hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn.

“Cuối năm nay, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết đánh giá việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và các dự án, chương trình trên địa bàn đặc biệt khó khăn, từ đó xây dựng một chương trình xóa đói giảm nghèo toàn diện, bền vững”. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị, “Chính phủ cũng cần nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đối với các xã hoàn thành mục tiêu ra khỏi diện chương trình 135”. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn nghèo mới để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của Đoàn giám sát cũng được nhiều thường vụ đồng tình.

Thu Hằng

Một số kết quả thực hiện mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II:

- 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí (mục tiêu là 95%)

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% đầu năm 2006 xuống còn 31,2% năm 2009 (mục tiêu giảm còn dưới 30%)

- Tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm là 67,5% (mục tiêu đạt trên 70%)

- Xóa đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản đạt 75,2% (mục tiêu 80%).

- Xã có đủ trường lớp tiểu học kiên cố đạt 83,6%, xã có trường THCS kiên cố đạt 94,7% (mục tiêu là 100%)

(Trích báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát UBTVQH về thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II)