Bàn về giới hạn xét xử của Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự

19/08/2016
Giới hạn xét xử là một vấn đề mà trong khoa học pháp luật tố tụng hình sự vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng giới hạn xét xử là để đảm bảo nguyên tắc có truy tố mới có xét xử, "quyết định truy tố của Viện kiểm sát bằng bản cáo trạng là cơ sở pháp lý duy nhất để Toà án quyết định đưa vụ án (mà cụ thể là những người và những hành vi đã bị Viện kiểm sát truy tố) ra xét xử"[1], nhưng cũng có quan điểm cho rằng giới hạn xét xử là vi phạm nguyên tắc khi xét xử "thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và nguyên tắc "xác định sự thật của vụ án" đã được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.
Trước hết, có thể hiểu giới hạn xét xử là "phạm vi, mức độ nhất định, mà Toà án không thể hoặc không được vượt qua"[2]. Quy định giới hạn xét xử trong pháp luật tố tụng hình sự là đảm bảo tính xác định và định hướng cho hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng, các chủ thể tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là xác định giới hạn cho Toà án trong việc thực hiện quyền hạn của mình trong quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, quy định giới hạn xét xử còn "để bảo đảm bị cáo và người bào chữa chủ động chuẩn bị chứng cứ, tranh tụng với quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát"[3].
Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định về giới hạn của việc xét xử:
"Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.
Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố".
Theo quy định này thì Tòa án không được xét xử người và những hành vi mà Viện kiểm sát không truy tố; hoặc xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Nếu qua xét xử, Tòa án phát hiện còn có người khác phạm tội hoặc tội phạm khác của bị cáo chưa được truy tố thì Tòa án có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm mới và giao cho Viện kiểm sát quyết định điều tra. Trong trường hợp Tòa án phát hiện bị cáo phạm tội danh nặng hơn thì Toà án ra quyết định điều tra bổ sung theo tội danh nặng hơn, đề nghị Viện kiểm sát thay đổi tội danh đã truy tố. Nếu Viện kiểm sát không đồng ý thay đổi tội danh và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn quyết định xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Tòa án không được xử theo tội danh nặng hơn đối với một tội phạm, nhưng Tòa án có quyền xử theo khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khi khung hình phạt đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án. Nếu qua xét xử Tòa án thấy cần đổi tội danh thì Hội đồng xét xử chỉ có thể đổi tội danh nhẹ hơn hoặc thay đổi tội danh có khung hình phạt tương đương với tội phạm đã bị truy tố.
Quy định về giới hạn xét xử như trên có điểm không hợp lý bởi nó "buộc tòa án phải xét xử theo tội danh mà viện kiểm sát đã truy tố là trái với nguyên tắc đã được Hiến pháp quy định “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nguyên tắc này cho phép tòa án xét xử độc lập mà không bị lệ thuộc, chi phối theo ý kiến hoặc quyết định của bất kì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào. Để quyết định áp dụng hình phạt, tòa án không chỉ đơn thuần căn cứ vào tội danh đã nêu trong bản cáo trạng mà qua việc xét xử, tòa án phải trực tiếp xem xét đánh giá toàn bộ các chứng cứ của vụ án để xác định cho đúng tội danh mà bị cáo đã thực hiện"[4].
Thực tiễn xét xử cho thấy quy định tại điều 196 BLTTHS năm 2003 là chưa thực sự phù hợp bởi có nhiều trường hợp Viện kiểm sát truy tố tội danh chưa phù hợp với hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện (tội nhẹ hơn) nhưng Hội đồng xét xử cũng không được phép tuyên bị cáo đã phạm tội danh nặng hơn tội danh cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố. Điều đó đã dẫn đến tình trạng có trường hợp Hội đồng xét xử đã "buộc phải kiến nghị trong bản án đề nghị cấp trên kháng nghị hủy đối với bản án mình đã xử"[5].
Khắc phục những bất cập nêu trên, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng "giới hạn của việc xét xử" thêm trường hợp Toà án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố.
"Điều 298. Giới hạn của việc xét xử
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó".
Theo quy định trên thì Tòa án xét xử bị cáo và hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, còn về tội danh là do Hội đồng xét xử quyết định sau khi đã  "xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp"[6]. Hiến pháp năm 2013 quy định Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Như vậy chỉ có Toà án mới có quyền tuyên bố một người phạm tội hay không phạm tội nào đó đã được quy định trong BLHS. Tội danh mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo chỉ là một căn cứ để Toà án đưa vụ án ra xét xử.
Khoản 3 Điều 298 BLTTHS quy định: "Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó". Theo quy định trên thì nếu Viện kiểm sát không nhất trí với quan điểm của Toà án truy tố bị cáo với tội danh nặng hơn tội danh đã truy tố thì Toà án có quyền xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Có quan điểm cho rằng "nếu Toà án xét xử theo nhận thức chủ quan của mình thì Toà án lại đóng vai trò là cơ quan buộc tội, trở thành cơ quan lấn lướt hơn vì vừa buộc tội lại vừa xét xử"[7]. Chúng tôi cho rằng Toà án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn là phù hợp với nguyên tắc độc lập khi xét xử, phù hợp với chức năng thực hiện quyền tư pháp của Toà án. Quy định như điều luật không phải biến Toà án thành cơ quan buộc tội, lạm quyền bởi dù có được quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì cũng phải nằm trong nhóm tội danh phù hợp với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Mặt khác, để thực hiện việc xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Toà án "cần thi hành đúng các quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo"[8].
Nguyễn Duy Nam - Toà án quân sự Quân khu 4
 
 
 
 
Tài liệu tham khảo:
[1] Xem: http://www.phamhonghai.vn/Van-de-gioi-han-cua-viec-xet-xutrong-luat-to-tung-hinh-su-newsview.aspx?cate=248&id=259
[2]Xem:http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=11413446
[3] Xem: http://vksbinhdinh.gov.vn/newsdetail.asp?newsID=550&cat1id=3&Cat2id=7
[4] Xem: https://luathinhsu.wordpress.com/2011/03/16/mot-so-van-de-ve-gioi-han-xet-xu/
[5] Xem: http://infonet.vn/hoi-dong-xet-xu-phai-kien-nghi-toa-cap-tren-huy-an-cua-chinh-minh-post166840.info
[6] Xem: Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.
[7] Xem: http://www.baomoi.com/neu-vuot-qua-gioi-han-toa-an-se-mat-di-chuc-nang-chinh-cua-minh-la-xet-xu/c/16669587.epi
[8] Xem: mục 2.4 phần II Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2014 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.