Bàn về Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

11/08/2016
Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có quy định về bị hại. Nghiên cứu quy định này, người viết có mấy ý kiến trao đổi như sau:
Thứ nhất, về tên gọi của chủ thể trong thành phần tham gia tố tụng vụ án hình sự có thay đổi so với trước đây, nghĩa là, nếu theo quy định tại Điều 51 BLTTHS năm 2003 “Người bị hại”, thì nay theo quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 là “Bị hại”. Đồng thời, nội hàm của định nghĩa về “Bị hại” được nhà làm luật mô tả theo hướng mở rộng hơn bao gồm cả cơ quan, tổ chức nhưng chặt chẽ hơn và cụ thể hơn. Mà theo đó, điều kiện cần và đủ để cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định tư cách tham gia tố tụng là “Bị hại” phải thỏa mãn:
i). Nếu là cá nhân thì người đó trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra;
ii). Nếu là cơ quan, tổ chức thì cơ quan hoặc tổ chức đó gián tiếp hoặc trực tiếp bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Thứ hai, về quyền được đưa ra chứng cứ (điểm b khoản 2). Trường hợp, nếu bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ đưa ra chứng cứ vụ án trước khi vụ án được khởi tố, liệu rằng cơ quan tiến hành tố tụng có chấp nhận không? Bởi theo quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 2015: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”. Theo quy định này, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ mà chủ thể tiến hành thu thập chứng cứ không phải cơ quan, người tiến hành tố tụng vụ án, thì khi phát hiện được chứng cứ, họ phải thực hiện những thủ tục gì để được coi là thu thập đúng quy trình, thủ tục do Bộ luật này quy định? Ví dụ, do mâu thuẫn nhau trong hợp tác làm ăn, khoảng 22 giờ 15 phút ngày 20/5/2013 Nguyễn Quốc Đ. gọi điện cho Trần Hoài Tr. và hẹn gặp nhau tại quán cà phê L. dưới chân cầu Ông Lãnh để nói chuyện. Khi hai bên gặp nhau, Đ. chủ động gọi Tr. đi lên cầu để nói chuyện cho thoái mái hơn và tại đây sau một hồi cự cãi, Đ. rút khẩu súng được cất giấu cạnh bên hộp bảo vệ công tắc điện bên lan can cầu bắn 01 phát vào người Tr. rồi tẩu thoát. Sau thời gian cấp cứu điều trị 25 ngày, nhưng do vết thương quá nặng nên Tr. đã tử vong. Cũng trong thời gian này, phía gia đình người bị hại sau nhiều lần thuê thợ lặn tìm kiếm và cuối cùng nhặt được khẩu súng nghi là hung khí Đ. dùng để gây án. Vấn đề đặt ra, trong trường hợp này, phía gia đình người bị hại chủ động thu thập vật chứng của vụ án (khẩu súng) trước khi Cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can có được coi là đúng theo trình tự do luật định? Việc phía người bị hại khi tìm được khẩu súng nghi là tang vật của vụ án, không kịp thời báo cáo chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng; cũng không lập biên bản ghi nhận việc phát hiện khẩu súng tại nơi tìm kiếm; không có xác nhận của người chứng kiến.Vậy với trường hợp như thế có được coi là thu thập chứng cứ đúng theo thủ tục luật định không? Trong khi đó, việc thu thập chứng cứ tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định:“Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.”.
Để tạo sự thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về khía cạnh pháp lý nêu trên.
Thứ ba, về quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án (điểm đ khoản 2). Hiểu như thế nào cho đúng với tinh thần của nhà làm luật đối với quy định này, hiện cũng có những ý kiến khác nhau, cụ thể:
+ Cách hiểu thứ nhất: Khi kết thúc giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo cho bị hại biết về kết quả điều tra, giải quyết vụ án mà Cơ quan điều tra đã thực hiện trong giai đoạn này, hình thức thông báo có thể bằng văn bản, gặp trực tiếp tại Cơ quan điều tra hoặc qua điện thoại; nội dung thông báo tùy từng trường hợp cụ thể, đó là: Tóm tắt bản kết luận điều tra vụ án trong trường hợp đề nghị truy tố; đình chỉ điều tra; tạm đình chỉ điều tra vụ án cũng như bước tiếp theo của cơ quan tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ án theo trình tự luật định.
+ Cách hiểu thứ hai: Ở mỗi giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng theo thẩm quyền đang thụ lý hồ sơ vụ án đó phải thông báo bằng văn bản cho bị hại hoặc người đại diện của họ biết kết quả điều tra, giải quyết vụ án một cách công khai, minh bạch, kịp thời. Cụ thể:
i). Nếu trong giai đoạn điều tra, tùy từng trường hợp mà họ được thông báo kết luận điều tra vụ án trong trường hợp đề nghị truy tố; kết luận điều tra trong trường hợp đình chỉ điều tra; tạm đình chỉ điều tra vụ án.
ii). Nếu trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phải thông báo cho họ biết về kết quả giải quyết vụ án đó, như: Quyết định truy tố bị can; việc chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án; Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ vụ án.
iii). Nếu đang giai đoạn xét xử, họ được Tòa án thông báo với những nội dung sau: Thụ lý hồ sơ vụ án; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Quan điểm nghiên cứu của tác giả, ủng hộ cách hiểu thứ hai, vì như vậy sẽ bảo đảm tốt hơn quyền của phía bị hại, bởi thực tế người bị hại trong các vụ án hình sự không được Tòa án giải quyết vụ án đó gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử, nên họ không thể biết thành phần Hội đồng xét xử vụ án đó gồm những ai, kể cả Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người phiên dịch, người giám định,…mà họ chỉ được biết những người này ngay tại phiên tòa xét xử vụ án đó. Chính vì vậy, họ không có đủ thời gian tìm hiểu mối quan hệ giữa bị can, bị cáo với những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cũng như tự mình thực hiện quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản, người dịch thuật tại phiên tòa, khi có đủ căn cứ xác đáng theo quy định tại các điều 49, 51, 52, 53, 54, 68, 69 và 70 BLTTHS năm 2015. Đồng thời cũng để phù hợp với xu thế chung minh bạch hóa hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng
Thứ tư, tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này (điểm k khoản 2). Đây là quy định hoàn toàn mới về quyền của bị hại và người đại diện của họ so với quy định về quyền của người bị hại theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLTTHS năm 2003. Nhưng hiểu như thế nào cho đúng với bản chất của quy định này, hiện là vấn đề còn đang còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Cụ thể:
+ Loại ý kiến thứ nhất: Bị hại và người đại diện hợp pháp của họ được quyền tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này, có nghĩa là từ khi vụ án chính thức được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, họ đều được quyền tham gia, được quyền chất vấn các hoạt động tố tụng, như được đề nghị lấy lời khai của người làm chứng khác với người làm chứng mà Cơ quan điều tra xác định; được tham gia khám nghiệm hiện trường, dựng hiện trường, thực nghiệm điều tra; thu thập tài liệu chứng minh về khoản thu nhập thường xuyên cũng như thông tin liên quan đến tài sản của người bị buộc tội để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản;...
+ Loại ý kiến thứ hai: Bản chất của hoạt động tố tụng khác hoàn toàn với bản chất hoạt động tiến hành tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015. Theo quy định này có thể hiểu bị hại và đại diện hợp pháp của họ được quyền tham gia hoạt động tố tụng trong vụ án chỉ trong giai đoạn xét xử với ý nghĩa nhằm giúp Tòa án xác định sự thật khách quan vụ án. Hơn nữa, nghiên cứu các quy định có liên quan đến bị hại và đại diện hợp pháp của họ, thì hoạt động tố tụng của họ thực chất chỉ diễn ra tại phiên tòa, còn các giai đoạn tố tụng trước đó họ tham gia với hình thức “bị động”, lệ thuộc hoàn toàn vào Điều tra viên, Kiểm sát viên. Với cách tiếp cận vấn đề như vậy, bị hại và người đại diện hợp pháp của họ được quyền tham gia những hoạt động tố tụng, như: Đề nghị triệu tập thêm người làm chứng tại phiên tòa; rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Điều 155 BLTTHS năm 2015); đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định tại khoản 3 điều 29 BLHS năm 2015; đề nghị hoãn phiên tòa; đề nghị giám định lại, định giá lại tài sản; giải quyết vụ án (xét xử) theo thủ tục rút gọn; xét xử kín;...
Qua nghiên cứu, người viết thấy rằng loại ý kiến thứ hai là có căn cứ để chấp nhận hơn, vì có sự phân biệt rạch ròi giữa hoạt động tiến hành tố tụng và hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, để thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn giải quyết án, rất cần các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn về quy định này.
Thứ năm, nhằm tăng cường trách nhiệm của bị hại trong việc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tố tụng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, khoản 4 Điều 62 BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của họ phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, họ có thể bị dẫn giải trong trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Từ thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cho thấy, hầu như không có trường hợp nào người bị hại bị dẫn giải trong giai đoạn truy tố kể cả ra Tòa án phục vụ việc xét xử, lý do không phải vì thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan này thực hiện việc dẫn giải, mà chính vì một khi họ cố tình vắng mặt dù trước đó được Viện kiểm sát, Tòa án triệu tập hợp lệ, đúng theo quy định của pháp luật, mà họ vẫn không có mặt theo giấy triệu tập, điều đó có nghĩa là họ đã tự nguyện khước từ quyền lợi hợp pháp mà pháp luật dành cho họ, họ từ chối quyền được pháp luật bảo vệ lẽ công bằng, thậm chí nhiều trường hợp họ từ chối giám định thương tật, không yêu cầu bồi thường thiệt hại, có đơn xin vắng mặt trong mọi trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập họ. Tóm lại, họ không muốn dính líu đến pháp luật. Trường hợp này khẳng định rằng thực tiễn đã có. Như vậy đặt ra quy định dẫn giải họ để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để làm gì, trong khi pháp luật tố tụng quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và việc tìm ra sự thật khách quan vụ án không chỉ có dựa vào lời khai của người bị hại. Cũng không ít trường hợp do cách trở về địa lý chi phí đi lại quá tốn kém, nhưng lại không được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác phát sinh nên họ từ chối hoặc vắng mặt cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, pháp luật còn dành cho họ quyền kháng cáo vắng mặt trong thời hạn luật định, nếu như họ cần đến sự bảo vệ của pháp luật.
Từ những phân tích vừa nêu, người viết kiến nghị xem xét loại bỏ nội dung quy định tại ý 2 của điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS năm 2015 trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; vì hoàn toàn không phù hợp và thiếu tính khả thi trên thực tế.
Trên đây là những nội dung nghiên cứu xoay quanh quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015, rất mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm, kịp thời ban hành hướng dẫn tạo sự thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn khi Bộ luật này chính thức có hiệu lực thi hành, nhằm bảo đảm những quy định mới bổ sung về quyền của bị hại và người đại diện của họ được thực thi có hiệu quả trên thực tế.
 
ThS.LS Lê Văn Sua - Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang