Tình thế cấp thiết dưới góc nhìn của pháp luật hình sự

16/08/2016
Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định tình thế cấp thiết là một tình tiết loại trừ tính chất phạm tội. Đây là một phương thức bảo vệ lợi ích của xã hội theo kiểu “thả con săn sắt bắt con cá rô”. Khi có một nguy cơ đang đe dọa gây ra một thiệt hại nào đó, để ngăn chặn thiệt hại xảy ra, pháp luật cho phép có quyền gây ra một thiệt hại khác nhỏ hơn nếu đó là phương án cuối cùng, duy nhất. Chẳng hạn, pháp luật hình sự của Vương quốc Anh, nếu vì lợi ích cá nhân mà gây thiệt hại cho người khác hoặc xã hội, thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể lấy ví dụ kinh điển trong tuyển tập các ví dụ về tình thế cấp thiết để minh họa cho trường hợp này, như sau: Ba thanh niên và một em bé trên một con thuyền bị trôi dạt trên biển, cách bờ biển hơn một nghìn dặm. Sau 9 ngày chịu đói, khát, ba thanh niên đã ăn thịt em bé để sống và sau đó được tàu cứu hộ tìm thấy. Ba thanh niên đó đã bị Tòa án tuyên phạt tử hình về tội giết người .
Tình thế cấp thiết trong pháp luật hình sự nước ta là một trong các tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi gây thiệt hại bên cạnh các tình tiết khác như phòng vệ chính đáng, bắt giữ người phạm pháp, thi hành mệnh lệnh cấp trên, thực hiện chức năng nghề nghiệp, rủi ro trong sản xuất…
Tại Điều 14 BLHS 1985, Điều 16 BLHS 1999 tình thế cấp thiết được quy định như sau:
“ 1.Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của chính mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2.Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”
BLHS năm 2015 cũng có quy định về tình thế cấp thiết, mà theo đó, tại Điều 23 của Bộ luật này có viết:
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Tuy cách sử dụng thuật ngữ có khác nhau, nhưng tinh thần của các điều luật vừa trích dẫn là giống nhau. Mà theo đó, tình thế cấp thiết là tình thế của người đứng trước sự đe dọa đến lợi ích được pháp luật bảo vệ đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho lợi ích khác cũng được pháp luật bảo vệ. Trong luật hình sự, người được coi là đã hành động trong tình thế cấp thiết khi người đó đã biết hy sinh một cách hợp lý lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết hơn. Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, chúng ta coi việc hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích. Còn về mặt hình sự, hành động này không bị coi là tội phạm, nên nhà làm luật xác định việc gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa không bị coi là tội phạm. Đồng thời, người có hành vi gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của bản thân cũng như của người khác luôn luôn được đặt trong mối quan hệ khăng khít giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; giữa cái cần thiết và cái có thể, cần phải hy sinh để bảo vệ cái cần thiết đó. Trong luật hình sự, điều kiện hợp pháp của tình thế cấp thiết được chia làm hai loại, đó là, loại điều kiện về tính chất của sự nguy hiểm và loại điều kiện về tính chất của hành vi khắc phục nguy hiểm.
+ Điều kiện về tính chất của sự nguy hiểm
Cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền được hành động trong tình thế cấp thiết chính là sự nguy hiểm đang đe dọa những quyền hoặc lợi ích được pháp luật bảo vệ. Sự nguy hiểm này là thực tế, đang gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho quyền hoặc lợi ích chính đáng của bản thân người hành động trong tình thế cấp thiết hoặc cho lợi ích Nhà nước, của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của người khác. Cần lưu ý rằng, trong phòng vệ chính đáng, nguồn nguy hiểm chỉ có thể là do con người đưa lại – do con người chủ động gây ra. Còn trong tình thế cấp thiết, nguồn nguy hiểm có thể là do con người, do súc vật, do các sức mạnh của thiên nhiên (bão, lũ, động đất,…) hoặc do những nguyên nhân khác gây ra. Luật hình sự không quy định cụ thể nguồn phát sinh nguy hiểm. Nguồn nguy hiểm trong tình thế cấp thiết là tất cả những gì làm phát sinh sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quyền hoặc lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Nguồn nguy hiểm phải thỏa mãn tính hiện tại, nghĩa là sự nguy hiểm đó đang tồn tại khách quan, đang xảy ra, đang diễn ra một cách thực tế và có khả năng gây ra thiệt hại nếu không được ngăn chặn, đã bắt đầu và chưa kết thúc. Cũng được coi là có cơ sở của tình thế cấp thiết nếu sự nguy hiểm tuy chưa xảy ra nhưng chỉ sau khoảnh khắc nhất định nó sẽ xảy ra một cách thực tế. Sự nguy hiểm nói trên phải thực sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trực tiếp đến những quyền hoặc lợi ích cần được bảo vệ. Ví dụ: Một con trâu đang đuổi một người và liên tục quơ sừng húc người đó, đây là trường hợp nguồn nguy hiểm đe dọa sẽ gây ra thiệt hại ngay tức  khắc. Nếu sự nguy hiểm chưa xảy ra hoặc xảy ra ở mức độ không đáng kể thì không phải là tình thế cấp thiết. Ví dụ: Một con tàu đang vận chuyển hàng trên biển thì được tin bảo khẩn cấp, vùng tâm bảo đi qua có gió giật trên cấp 10 đến cấp 12, với sức gió giật như thế con tàu chắc chắn sẽ bị chìm, nếu nó vẫn chở khốn lượng hàng hóa nặng. Nói là khẩn cấp nhưng có thể một vài giờ sau bão mới thật sự đến. Sự nguy hiểm đã qua hoặc sự thiệt hại xảy ra thì tình thế cấp thiết cũng không còn nữa. Nếu thực tế không có sự nguy hiểm cấp bách mà tưởng tượng lầm là tình thế cấp thiết thì người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự như trường hợp sai lầm về sự việc. Ví dụ: Theo kinh nghiệm đi biển, chim ưng biển (chim báo bão) bay nháo nhác thì ắt sẽ có bão sắp đến. Thuyền trưởng ra lệnh ném hàng hóa xuống biển để tránh bão nhấn chìm tàu, tuy nhiên, thực tế bão đã đổi hướng, không đi qua vùng biển nơi có vị trí con tàu.
+ Điều kiện về tính chất của hành vi khắc phục nguy hiểm
Việc hy sinh lợi ích này để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết và quan trọng hơn phải là biện pháp cuối cùng duy nhất. Nếu còn có những biện pháp khác, không cần gây thiệt hại thì vẫn chưa phải là tình thế cấp thiết. Biện pháp cuối cùng, duy nhất là biện pháp mà chỉ có nó mới có thể ngăn chặn được sự cố nguy hiểm đang xảy ra.
Mục đích của chế định tình thế cấp thiết là nhằm bảo vệ lợi ích lớn bằng cách hy sinh một lợi ích nhỏ hơn. Vì vậy, nếu gây ra thiệt hại lớn hơn để tránh thiệt hại nhỏ thì chế định này không còn ý nghĩa. Xuất phát từ lý do đó, mà luật hình sự cũng không coi là hợp pháp khi hy sinh lợi ích để bảo vệ một lợi ích khác tương đương. Trong thực tiễn, việc so sánh và xác định mối tương quan biện chứng giữa lợi ích phải hy sinh và lợi ích cần được bảo vệ hết sức phức tạp. Bởi khi đối mặt với nguy hiểm đang đe dọa, không phải ai cũng đủ sáng suốt đánh giá và cân nhắc để lựa chọn một phương án tối ưu. Thực tế này đòi hỏi khi xem xét một trường hợp viện dẫn là tình thế cấp thiết, cần xem xét toàn diện các điều kiện khách quan cụ thể, tránh trường hợp người gây thiệt hại một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc để rồi sau đó viện lý do không có điều kiện đánh giá các phương án ngăn ngừa thiệt hại, buộc phải gây thiệt hại để trốn tránh trách nhiệm. Ví dụ: Tổ trưởng dân phố chứng kiến khu phố mình bị cháy đã vội yêu cầu phá bỏ một ngôi nhà cách hiện trường 05 căn để tránh đám cháy cháy lan ra cả dãy phố. Trường hợp này, có thể còn một số phương án khác để có thể dập tắt đám cháy. Chỉ khi nào sự nỗ lực chữa cháy không phải là cách có thể khống chế được đám cháy thì phương án gây thiệt hại mới được thừa nhận.
Nhà làm luật cũng quy định trách nhiệm hình sự với những trường hợp vượt quá giới hạn của tình thế cấp thiết, đó là trường hợp đã gây ra thiệt hại rõ ràng là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, sự vượt quá giới hạn của tình thế cấp thiết xuất phát từ động cơ, mục đích tích cực, vì vậy cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 hay điểm d khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015:“phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”.
Tuy nhiên, quy định này chưa chỉ ra được một cách rõ ràng là tại sao gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết lại không có tính nguy hiểm cho xã hội. Để có cơ sở lí luận cho hoạt động thực tiễn, có lẽ cần tìm hiểu bản chất của tình thế cấp thiết đồng thời phải giải quyết các vấn đề có liên quan với nó. Có như vậy mới làm sáng tỏ ý tưởng của nhà làm luật, đó là, nếu hành động của một người rõ ràng vì tình thế cấp thiết thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, tình thế cấp thiết không chỉ được quy định tại BLHS mà còn được quy định trong tại Điều 262 và Điều 614 BLDS 2005.
Điều 262 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết như sau:
“ 1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà Nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
2. Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc gây thiệt hai lơn hơn có nguy cơ xảy ra.
3. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Chủ sở hữu được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 614 của Bộ luật này”
Như vậy, quy định về tình thế cấp thiết trong BLHS không chỉ xác định việc gây thiệt hại không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu mà còn xác định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp này là không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản của mình
Điều 614 quy định bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết:
“1. Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
2. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
3. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị bị thiệt hại”
Điều 171[1] và Điều 595[2] BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 cũng quy định tương tự như trên.
Nếu quy định về tình thế cấp thiết trong BLHS xác định việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm và người gây thiệt hại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các quy định về tình thế cấp thiết trong BLDS tập trung xác định việc gây thiệt hại này không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Đồng thời, các quy phạm quy định của luật dân sự còn quy định cụ thể nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp này. Qua đó, có thể thấy có sự thống nhất về mặt pháp lý giữa các quy định trong hệ thống pháp luật nước ta. Đáng chú ý là khi quy định về trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, BLHS xác định đây là trường hợp phạm tội đặc biệt và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, người phạm tội còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Thứ ba, nguyên tắc cơ bản được lý luận khoa học công nhận và thực tế đã chứng minh trong tình thế cấp thiết là người có hành động gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết đã hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn hơn.
Một yêu cầu đặt ra, thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (xét cả về tính chất lẫn mức độ). Như đã đề cập, việc so sánh hai lợi ích này không phải lúc nào cũng dễ dàng, mà cần có sự đánh giá, xem xét kỹ lưỡng nguồn nguy hiểm gây ra cho xã hội, thiệt hại mà xã hội gánh chịu, đối tượng bị tác động,…
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết có trái pháp luật hay không chúng ta còn dựa vào các quy định của pháp luật hình sự và dân sự để xác định. Theo các quy định này thì tình thế cấp thiết là những hành động mà Nhà nước khuyến khích mọi công dân thực hiện. Nó không những phù hợp với lợi ích cộng đồng mà còn phù hợp với đạo đức xã hội. Ví dụ: Xe ô tô đang xuống dốc, đột ngột bị mất phanh, để tránh lao vào đám đông người ở phía cuối dốc, lái xe đã điều khiển cho xe lao vào ngôi nhà ven đường và gây hư hỏng ngồi nhà này[3].
Để xem xét hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết có lỗi hay không? Phải dựa vào khoa học lý luận về yếu tố lỗi trong luật hình sự. Một người bị coi là có lỗi khi thực hiện một hành vi, nếu hành vi đó là kết quả của sự lựa chọn của chủ thể trong khi có đủ điều kiện lựa chọn và quyết định một xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Như vậy, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết đã lựa chọn và quyết định cách xử sự phù hợp đòi hỏi của xã hội và như vậy họ không có lỗi.
Thứ tư, vấn đề trong tình thế cấp thiết cần được chú ý là hình thức gây thiệt hại ra. Thực tiễn cho thấy, các hình thức thiệt hại gồm: Thiệt hại đến tính mạng con người; Thiệt hại đến sức khỏe con người; Thiệt hại đến tài sản; Thiệt hại liên quan đến quyền tự do cơ bản của công dân.
+ Đối với thiệt hại đến tính mạng con người cần phải được chú ý đặc biệt bởi vì tính mạng con người là cái quý giá nhất không thể so sánh hay đánh đổi bằng bất cứ thứ nào. Về nguyên tắc, không thể hy sinh tính mạng của người khác để bảo vệ tính mạng của bản thân mình. Điều này không phù hợp với quy định về tình thế cấp thiết là hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn. Nó cũng không phù hợp với đạo đức xã hội. Chỉ trong trường hợp rất đặc biệt mới được phép gây thiệt hại đến tính mạng con người.
+ Thiệt hại đến sức khỏe và tài sản của công dân là thiệt hại dễ dàng chứng minh từ thực tiễn. Thiệt hại liên quan đến các quyền tự do cơ bản của công dân, có thể thấy trường hợp này trong các gia đình chăm sóc người thân thích là nhười bị bệnh tâm thần. Ở đây, vì lợi ích của chính mình mà những người khác phải hạn chế các quyền tự do của họ bằng các hình thức khác như nhốt, giữ trong nhà, theo dõi, giám sát chặt chẽ khi ra đường.
Thứ năm, dấu hiệu cơ bản của mặt chủ quan của người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là phải có mục đích bảo về lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác trước nguy cơ bị đe dọa gây thiệt hại.
Nếu thiếu dấu hiệu về mục đích này thì sự gây thiệt hại sẽ không còn đúng nghĩa của tình thế cấp thiết nữa. Nó sẽ là tội phạm có thể ở giai đoạn hoàn thành hoặc phạm tội chưa đạt. Là tội phạm hoàn thành khi thiệt hại này phù hợp với dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nếu thiệt hại chưa đạt đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì nó là tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Về mục đích hành động trong tình thế cấp thiết có các hình thức sau: Bảo vệ lợi ích của Nhà Nước: Bảo vệ lợi ích của tập thể; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mình; Bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác.
Khi hành động, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải có ít nhất một trong các mục đích kể trên. Về cơ sở lí luận việc hình thành hành động của con người, mỗi hành động của con người không chỉ nhằm một mục đích mà còn hướng đến đạt nhiều mục đích khác nhau. Nếu người hành động trong tình thế cấp thiết có nhiều mục đích và là những mục đích kể trên thì đương nhiên đây là tình thế cấp thiết. Vấn đề đặt ra là người gây thiệt hại có nhiều mục đích trong đó có một trong những mục đích kể trên thì có được coi là tình thế cấp thiết không? Ví dụ: Vì muốn tránh nguy cơ hỏa hoạn cho kho tài sản lớn của Nhà nước, người gây thiệt hại đã chủ động phá tài sản của hàng xóm để tạo lối đi cho xe cứu hỏa tiếp cận được hiện trường. Tác giả cho rằng mặc dù có mục đích phá tài sản của hàng xóm thì hành vi trên vẫn được coi là tình thế cấp thiết, miễn đạt được yêu cầu lợi ích cần bảo vệ lớn hơn lợi ích buộc phải hy sinh.
Thứ sáu, nguyên tắc trong tình thế cấp thiết là hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn. Nếu ngược lại thì quy định của tình thế cấp thiết có tính chất là hướng dẫn cách xử sự của con người trở nên vô nghĩa.
Cần chú ý mối tương quan giữa lợi ích hy sinh và lợi ích cần bảo vệ. Không phải mọi trường hợp, lợi ích cá nhân đều được đánh giá thấp hơn lợi ích Nhà nước và của tập thể, chẳng hạn, có thể hy sinh tài sản của Nhà nước để bảo vệ tính mạng con người. Cũng không phải mọi trường hợp gây thiệt hại nhỏ hơn để bảo vệ lợi ích lớn hơn đều là tình thế cấp thiết vì nó còn phải phù hợp với đạo đức xã hội, chẳng hạn, khi người bị bệnh nặng cần tiếp máu thuộc nhóm hiến máu thì không thể dùng vũ lực để lấy máu của người khác tiếp cho người này. Khi có nhiều lợi ích cần bảo vệ, về nguyên tắc, người hành động trong tình thế cấp thiết phải bảo vệ lợi ích lớn hơn.
Thứ bảy, nguồn nguy hiểm trong tình thế cấp thiết rất đa dạng, có thể là con người, súc vật, sức mạnh tự nhiên gây ra. Trường hợp nguồn nguy hiểm do con người gây ra cũng có thể chia làm hai loại.
- Loại thứ nhất là con người vô ý gây ra. Nếu người gây ra sự nguy hiểm lại có hành vi gây thiệt hại nhỏ hơn để bảo vệ lợi ích lớn thì tình thế cấp thiết đó vẫn hợp pháp. Theo quy định về tình thế cấp thiết thì việc gây thiệt hại đó không phải là tội phạm và người gây thiệt hại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và theo Điều 614 BLDS, người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
- Loại thứ hai con người cố ý gây ra. Nếu người gây thiệt hại cố ý gây ra. Nếu người gây ra nguồn nguy hiểm với mục đích là tạo cơ sở để từ đó có lý do gây thiệt hại cho người khác hoặc cho lợi ích của Nhà nước, của tập thể thì theo chúng tôi đó không còn là tình thế cấp thiết. Bởi vì, người gây thiệt hại trong trường hợp này không xuất phát từ mục đích bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và lợi ích chính đáng của bản thân mình hay của người khác. Trường hợp này thiếu dấu hiệu chủ quan về mục đích của tình thế cấp thiết.
Tóm lại: Từ cơ sơ các vấn đề đã nêu, có thể rút ra một số kết luận sau:
Một là, gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là việc làm không trái pháp luật và không có lỗi;
Hai là, thiệt hại trong tình thế cấp thiết là thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và trong trường hợp đặc biệt là quyền tự do của công dân;
Ba là, mục đích bảo vệ lợi ích Nhà nước, tập thể hoặc lợi ích chính đáng của công dân là dấu hiệu bắt buộc của tình thế cấp thiết. Nó có thể kết hợp với đạo đức xã hội;
Bốn là, lợi ích cần hy sinh trong tình thế cấp thiết không những phải nhỏ hơn lợi ích được bảo vệ mà còn phải phù hợp với đạo đức xã hội.
Như vậy, hành vi của một người cố ý tạo nên nguy cơ rồi từ đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc của công dân thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.
 
ThS.LS Lê Văn Sua - Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang
 
[1] Điều 171. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
2. Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra.
3. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật này.
 
[2] Điều 595. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
1. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
2. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại
[3] Phạm Văn Beo, Luật hình sự Việt Nam, Quyển 1 (Phần Chung); Nxb CTQG, Hà Nội 2010, tr. 299.