Trao đổi, thảo luận về hệ thống hóa văn bản kỳ 2014 - 2018

27/07/2018
Trao đổi, thảo luận về hệ thống hóa văn bản kỳ 2014 - 2018
Ngày 27/7, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo về hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với việc cập nhật một số hoạt động liên quan đến kỳ hệ thống hóa văn bản 2014 – 2018, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vướng mắc, khó khăn, đề ra cách thức tiến hành nhằm giúp việc hệ thống hóa kỳ này đạt kết quả tốt.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết, kỳ hệ thống hóa văn bản 2014 – 2018 là kỳ hệ thống hóa lần thứ 2, sau lần thứ nhất tiến hành cùng với thời điểm rà soát văn bản theo Hiến pháp năm 2013. Qua rà soát, hệ thống hóa lần thứ nhất, Bộ Tư pháp nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, để tạo thuận lợi hơn cho kỳ hệ thống hóa lần này trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp sẽ cùng lắng nghe, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết, kỳ hệ thống hóa lần này sẽ thực hiện theo quy định về rà soát, hệ thống hóa văn bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34. Để việc hệ thống hóa được thuận lợi thì ngay cuối năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản đã tham mưu cho Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 126 ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa thống nhất trong cả nước giai đoạn 2014 – 2018, nêu rõ nhiệm vụ cần làm, cơ quan thực hiện. Theo đó, sẽ tiến hành hệ thống hóa văn bản từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018. Thời điểm công bố 4 danh mục văn bản theo Nghị định 34 đối với các bộ, cơ quan ngang bộ là 30 ngày và đối với địa phương là 60 ngày, kể từ sau ngày 31/12/2018.
Tại Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản đã tham mưu ban hành Quyết định số 430 ngày 12/3/2018. Quyết định này ban hành kèm theo kế hoạch đầy đủ các nội dung từ lập danh mục đến xem xét lại kết quả rà soát, rà soát bổ sung danh sách văn bản hệ thống hóa, kể cả chế độ thông tin, tuyên truyền công tác hệ thống hóa, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị với thời hạn. Hiện nay, trên cơ sở phối hợp với tất cả các đơn vị thuộc Bộ, Cục Kiểm tra đã lập được hệ thống 4 danh mục văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong kỳ hệ thống hóa 2014 – 2018 gồm danh mục văn bản quy phạm còn hiệu lực (266 văn bản); danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần (44 văn bản); danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ (145 văn bản); danh mục văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (15 văn bản).
Muốn hệ thống hóa đạt kết quả tốt, bà Nguyễn Thị Thu Hòe chia sẻ, điều đầu tiên là phải lập danh mục đầy đủ; danh mục phải hệ thống hóa chính xác các văn bản; phải công bố danh mục đúng thời điểm. Cùng với 4 danh mục này, Bộ Tư pháp cũng xây dựng dự thảo báo cáo kết quả hệ thống hóa để bộ, ngành, địa phương tham khảo, đảm bảo sự thống nhất, thông tin đầy đủ, giúp việc tổng hợp, báo cáo cấp trên được thuận lợi, dễ dàng hơn. Trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Hòe mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành, địa phương để kết quả hệ thống hóa đảm bảo hoàn thiện, chính xác cũng như việc hệ thống hóa được thuận lợi.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý tài liệu, danh mục của Bộ Tư pháp, đồng thời trao đổi thẳng thắn những vấn đề còn vướng mắc như làm rõ văn bản cần đưa vào danh mục, văn bản nào không… Các bộ, ngành, địa phương cho biết sẽ tham khảo cách thức tiến hành của Bộ Tư pháp để cùng đạt kết quả hệ thống hóa chung trong cả nước được chính xác và toàn diện, góp phần hoàn thiện, nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong tra cứu, áp dụng.
                         H.Thư