Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

27/07/2018
Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày 26/7/2018, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật Cục Công tác phía Nam Bộ Tư Pháp (Cục CTPN) và Văn phòng đại diện Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp “Thỏa ước lao động tập thể và vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động”. Hội nghị được thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585), Bộ Tư pháp.

Chủ trì hội nghị, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy – Phó Cục trưởng Cục CTPN, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Lao động-Tiền lương-Bảo hiểm xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh. Tham gia giải đáp, thảo luận tại hội nghị còn có đại diện Tòa Lao động – Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, các Luật sư đại diện các tổ chức hành nghề luật sư tại TP. Hồ Chí Minh và sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các cán bộ pháp chế, cán bộ ở các đơn vị có liên quan được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, thành khu vực phía Nam; cán bộ pháp chế, cán bộ các phòng ban của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp; các tổ chức đại diện của doanh nghiệp; các luật sư, luật gia, cố vấn pháp luật của doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy đánh giá cao nội dung thiết thực mà Hội nghị mang lại trong việc vận dụng những quy định của pháp luật về thỏa ước lao động tập thể cũng như vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động, bà cho rằng "Thỏa ước lao động tập thể là một chế định quan trọng của pháp luật về lao động. Chế định này không chỉ được quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành mà còn được quy định ngay từ Bộ luật Lao động năm 1994. Trong thực tiễn hiện nay cũng đã cho thấy được vai trò của thỏa ước lao động tập thể trong hoạt động tại các doanh nghiệp. Với tinh thần của quy định, thỏa ước lao động tập thể sẽ hướng đến việc bảo vệ tốt hơn cho phía người lao động thông qua những nội dung được ghi nhận trong thỏa ước phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Ngoài ra, thỏa ước lao động tập thể không chỉ được hình thành chỉ vì lợi ích của phía người lao động, mà còn hướng đến việc góp phần xây dựng, duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc phát sinh tranh chấp lao động vẫn luôn là điều không thể tránh. Lúc này, để có thể bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì sự tham gia của tổ chức công đoàn trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm,...".
Duy Tồn