Công tác pháp điển, ban hành QĐ hành chính, quản lý tiền ảo, công tác đánh giá cán bộ tại Pháp, Hungary

25/07/2018
Công tác pháp điển, ban hành QĐ hành chính, quản lý tiền ảo, công tác đánh giá cán bộ tại Pháp, Hungary
Trong các ngày từ 16 đến 21 tháng 7/2018, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL dẫn đầu sang Pháp và Hungary để khảo sát, học tập kinh nghiệm về công tác pháp điển, ban hành quyết định hành chính, quản lý tiền ảo và công tác đánh giá cán bộ. Cùng đi trong đoàn có đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Tư pháp.
     Tại Cộng hòa Pháp, đoàn công tác đã được nghe các chuyên gia giới thiệu một cách chi tiết và cụ thể nhất là vấn đề xây dựng các bộ pháp điển. Cụ thể, trước đây, hệ thống văn bản của Cộng hòa Pháp cũng phức tạp và các quy định trong các văn bản khác nhau cũng có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp. Các quy định về một lĩnh vực cụ thể cũng nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau gây khó khăn cho người tra cứu, sử dụng.
 

     Trước tình hình đó, Cộng hòa Pháp đã tiến hành thực hiện pháp điển. Việc pháp điển được thực hiện theo từng lĩnh vực một dựa trên nhu cầu tra cứu, sử dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp mà không thực hiện pháp điển cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Đến nay, có khoảng 70% số văn bản được pháp điển. Còn khoảng 30% văn bản không đưa vào bộ pháp điển thì vẫn được để rời rạc bên ngoài bộ pháp điển. Bộ pháp điển được thông qua sẽ thay thế toàn bộ các văn bản được đưa vào pháp điển (trong mỗi bộ pháp điển khi mới xây dựng đều ghi rõ là bãi bỏ các văn bản mà đã đưa vào bộ pháp điển). Như vậy, hệ thống pháp luật của Cộng hòa Pháp khi đó chỉ tồn tại trong các bộ pháp điển và một số văn bản chưa pháp điển. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền muốn sửa đổi các quy định của mình thì họ (Nghị viện hay Chính phủ, các Bộ…) sửa trực tiếp trên bộ pháp điển mà không tiến hành sửa văn bản mà họ đã ban hành. Cụ thể là họ sẽ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung cụ thể các quy định trong bộ pháp điển. Văn bản đó được ký theo thẩm quyền và đưa vào lưu trữ mà không phát hành ra ngoài xã hội. Các quy định mới được đưa trực tiếp vào Bộ pháp điển và loại bỏ các quy định đã được sửa đổi, bãi bỏ.
 

     Về thẩm quyền thực hiện pháp điển là của Chính phủ trên cơ sở ủy quyền lập pháp của Nghị viện. Việc ủy quyền này thường trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm tùy theo độ phức tạp của từng lĩnh vực. Chính phủ giao các Bộ chuyên ngành thực hiện pháp điển và trình Tham chính viện thẩm tra, cho ý kiến trước. Trên cơ sở ý kiến của Tham chính viện, Chính phủ mới thông qua bộ pháp điển trong thời gian được ủy quyền. Sau thời gian được ủy quyền, Chính phủ trình Nghị viện thông qua. Khi đó, Nghị viện chủ yếu xem xét phần pháp điển các quy định của luật. Nghị viện sẽ thông qua khi kết quả pháp điển giữ nguyên các quy định của luật hoặc chỉ chỉnh sửa những nội dung có thể chấp nhận được như: loại bỏ các quy định đã lạc hậu, không còn áp dụng; hoặc chỉnh sửa, viết lại các quy định dùng ngôn từ lạc hậu, không còn phù hợp ở thời đại ngày nay; hay đưa các quy định trong luật xuống dưới thành quy định của Chính phủ (đối với quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng trước đây đã đưa vào luật)… Nếu kết quả pháp điển có sửa nội dung của luật mà Nghị viện không đồng ý thì Nghị viện sẽ không thông qua. Khi đó, Nghị viện sẽ sửa lại phần nội dung của luật và đề nghị Chính phủ sửa lại phần nội dung của Chính phủ trong bộ pháp điển trước khi được thông qua.
     Ngoài ra, đoàn công tác cũng được các chuyên gia của Bộ Kinh tế và Tài chính Cộng hòa Pháp giới thiệu về tình hình sử dụng tiền ảo tại Pháp. Hiện nay, Pháp vẫn buông lỏng quản lý việc khai thác và lưu hành tiền ảo trên lãnh thổ của mình nên vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể. Lập luận về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng tỷ trọng tiền ảo so với các đồng tiền mà Nhà nước thừa nhận tồn tại ở Pháp còn quá ít nên chưa ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hơn nữa việc giao dịch bằng tiền ảo cũng có tính 2 mặt của nó như tính tích cực thì đây là sản phẩm tiên tiến của thời đại mới và nó có thể thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây bất ổn trong một số lĩnh vực như phòng, chống rửa tiền. Các chuyên gia của Pháp cho rằng, vấn đề quản lý việc khai thác và sử dụng tiền ảo cũng cần phải lưu tâm để kịp thời có sự can thiệp của nhà nước như ban hành các văn bản pháp luật về vấn đề này nhằm tránh rủi ro do tiền ảo gây ra.
 

     Tại Hungary, đoàn công tác cũng được nghe các chuyên gia về xây dựng pháp luật giới thiệu về cách thức và quy trình ban hành các văn bản pháp luật nói chung và các Quyết định hành chính nói riêng. Cụ thể, Hungary có luật ban hành văn bản pháp luật mà không có luật ban hành Quyết định hành chính. Hungary không minh định rõ ràng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính như nước ta nhưng cơ bản luật ban hành văn bản pháp luật của họ quy định về thẩm quyền, trình tự ban hành văn bản pháp luật tướng ứng với các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Còn các văn bản hành chính thì được ban hành theo trình tự, thủ tục được quy định ở các văn bản pháp luật chuyên ngành mà không có văn bản pháp luật quy định chung. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng được các chuyên gia của Hungary giới thiệu về cách đánh giá công chức. Cụ thể, Hungary có Nghị định của Chính phủ quy định về việc đánh giá công chức. Theo đó, Nghị định quy định một số tiêu chí cơ bản và các tiêu chí phụ nhằm đánh giá các loại công chức được linh hoạt và hiệu quả nhất. Việc đánh giá công chức được thực hiện định kì 6 tháng một lần, trường hợp cần thiết có thể thực hiện đánh giá đột xuất. Thủ trưởng cơ quan là người có thẩm quyền đánh giá công chức. Thủ trưởng tự đánh giá mà không đem ra bàn trong tập thể. Kết quả đánh giá là bí mật mà chỉ Thủ trưởng và người được đánh giá biết.
     Kết thúc các buổi làm việc, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình của các cơ quan mà đoàn đến làm việc. Đặc biệt, đồng chí Đồng Ngọc Ba ghi nhận các nội dung mà các chuyên gia của Pháp và Hungary đã thông tin, giới thiệu là rất bổ ích, phù hợp với su hướng phát triển của Việt Nam; đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các công việc có liên quan.