Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện

24/10/2009
Ngày 21/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan pháp luật và tư pháp khác của Việt Nam thực hiện vào Danh mục các Dự án yêu cầu Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2009-2014.[i]
 

Đây là một trong các Dự án quan trọng nhất của UNDP hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng liên quan đến quản trị quốc gia – một trong các cấu phần chính của Kế hoạch chung thực hiện Sáng kiến Một Liên hợp quốc tại Việt Nam đã được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và UNDP - cơ sở pháp lý để xây dựng Dự án này. Bài viết dưới đây giới thiệu về nội dung, cơ cấu tổ chức của Dự án cũng như chia sẻ kinh nghiệm về việc đổi mới quy trình, phương pháp xây dựng Dự án hợp tác pháp luật với các nhà tài trợ - đã được Bộ Tư pháp và UNDP áp dụng thành công trong quá trình thiết kế Dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đã tham gia hỗ trợ công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam từ gần hai thập kỷ nay thông qua việc hợp tác với Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhiều cơ quan pháp luật và tư pháp ở cấp trung ương của Việt Nam, gần đây nhất là Dự án VIE/02/015 “Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật đến năm 2010”  (Dự án VIE/02/015) với mục tiêu hỗ trợ xây dựng và thực thi Chiến lược đầu tiên của Việt Nam về  xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Dự án này do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với hơn 10 cơ quan hữu quan thực hiện với sự đồng tài trợ của UNDP, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na-Uy và Ai-Len.

Sau khi Dự án VIE/02/015 kết thúc, Bộ Tư pháp đã chủ động tiến hành thảo luận với UNDP về phương hướng tiếp tục hợp tác trong tương lai nhằm giải quyết những vấn đề ưu tiên của các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam, trong đó tiếp cận công lý và bảo vệ quyền là những lĩnh vực được UNDP ưu tiên hàng đầu ở  nội dung quản trị quốc gia. 

Căn cứ vào nhu cầu dài hạn và trước mắt của Bộ Tư pháp, các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết 48-NQ/TW  và 49-NQ/TW  ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị ban hành các Chiến lược Phát triển và  hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Chiến lược cải cách pháp luật) và Chiến lược về cải cách tư pháp tới năm 2020 (Chiến lược cải cách tư pháp), trên cơ sở  kết quả đã đạt được từ các Dự án hợp tác giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan pháp luật/tư pháp của Việt Nam với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc trong gần 20  năm qua; căn cứ vào nhiệm vụ và vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) và UNDP về hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp thể hiện trong Bản Kế hoạch chung thực hiện Một Liên hợp quốc tại Việt nam; nhằm triển khai kết quả các cuộc gặp giữa Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam – Ông John Hendra với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngày 28/11/2008) và với Bộ trưởng Hà Hùng Cường (ngày 1/12/2008),  Bộ Tư pháp đã khẩn trương tập hợp  nhu cầu hợp tác của các cơ quan Việt Nam, phối hợp với Văn phòng UNDP tại Hà Nội, các  đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết Dự án hợp tác mới với UNDP với tên gọi "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam".  

          I.  Quá trình xây dựng Đề cương chi tiết Dự án: 

Dự án được xây dựng dựa trên cơ sở xác định các nhu cầu, định hướng ưu tiên và sự chủ động đề xuất của các cơ quan Việt Nam. Các định hướng ưu tiên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề xuất tại cuộc gặp với Điều phối viên của Liên hợp quốc ngày 1/12/2008 đã được UNDP và Bộ Tư pháp cụ thể hoá tại Đề cương chi tiết  Dự án. Ngoài ra, trên cơ sở các cuộc làm việc giữa UNDP với Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, các đơn vị của Bộ Tư pháp, một số cơ quan của Quốc hội, những nội dung quan trọng khác về cải cách tư pháp cũng đã được các bên nhất trí đưa vào khuôn khổ Dự án nêu trên. Theo yêu cầu của Ban Thư ký BCĐ, việc  nghiên cứu các vấn đề liên ngành và các sáng kiến cải cách tư pháp sẽ được xác định là một hợp phần trong dự án chung và Ban Thư ký BCĐ là một cơ quan đồng thực hiện Dự án.     

Trên cơ sở đề cương sơ bộ tập hợp các nhu cầu ưu tiên do các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp trực tiếp đề xuất, vào tháng 5/2009, Bộ Tư pháp, Ban Thư ký BCĐ, Viện Nghiên cứu lập pháp của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội và UNDP đã thảo luận chuyên sâu để thiết lập khung kết quả và các hoạt động của Dự án. 

Quá trình xây dựng Dự án hoàn toàn do phía Việt Nam phối hợp với cán bộ chương trình của UNDP chủ động. UNDP chủ yếu hỗ trợ về mặt kỹ thuật để bảo đảm nội dung Dự án và hình thức Đề cương Chi tiết Dự án được xây dựng đáp ứng với các yêu cầu, tiêu chuẩn đã đặt ra trong Kế hoạch chung thực hiện Một Liên Hợp quốc đã được Chính phủ Việt Nam và 14 Cơ quan của Liên Hợp quốc phê duyệt.  

Trong quá trình xây dựng Dự án,  Bộ Tư pháp nhận được sự ủng hộ rất lớn của các cơ quan Việt Nam, đặc biệt là của Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp do các nội dung dự kiến của Dự án đều là những nhu cầu ưu tiên, thiết thực và có thể hỗ trợ kịp thời các cơ quan Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện hai Chiến lược về xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp.  

 Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp thường xuyên, kịp thời và chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bảo đảm việc xây dựng Dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Viêc xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết Dự án cũng có sự tham gia và đóng góp trực tiếp của chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

          Cách tiếp cận xây dựng Dự án này được UNDP đánh giá cao và được coi là mô hình điểm cho việc xây dựng dự án hợp tác giữa UNDP và các cơ quan Việt Nam trong thời gian tới đây. Dự án được hình thành dựa trên nhu cầu của chính các cơ quan Việt Nam là cơ quan thụ hưởng Dự án và sẽ trực tiếp thực hiện dự án, trên cơ sở cân đối với khả năng và quy mô nguồn vốn tài trợ, chính sách hỗ trợ và các lĩnh vực mang tính lợi thế của UNDP. Phương pháp áp dụng trong quá trình xây dựng Dự án này thể hiện tính chủ động và tăng chủ quyền của các cơ quan thụ hưởng của Việt Nam, hoàn toàn khác với cách truyền thống xây dựng các Dự án trước đây, là dựa trên sự  chủ động đề xuất từ nhà tài trợ, thông qua việc thuê các nhóm chuyên gia quốc tế độc lập vào khảo sát Việt Nam và tự thiết kế Văn kiện Dự án. 

Đề cương chi tiết Dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan quản lý viện trợ của Chính phủ (Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ)… góp ý thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Danh mục các Dự án do UNDP tài trợ năm 2009. Ngày 21/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện vào Danh mục  các Dự án yêu cầu UNDP tài trợ giai đoạn 2009-2014.

II. Nội dung Dự án:

1. Về nội dung:

Dự án mới được thiết kế phù hợp với định hướng và trọng tâm của  các Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp; những định hướng ưu tiên phát triển ngành tư pháp, Khuôn khổ hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc cho Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010; Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia Hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc giai đoạn 2006 - 2010, Kế hoạch một Liên hợp quốc (2007 – 2011).  Mục tiêu của Dự án là tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam thông qua năm hợp phần chính như sau:

Hợp phần 1. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Nghị quyết 48-NQ/TW  và 49-NQ/TW  của Bộ Chính trị ban hành các Chiến lược Phát triển và  hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Chiến lược Cải cách pháp luật) và Chiến lược về Cải cách tư pháp tới năm 2020 (Chiến lược Cải cách tư pháp); tổng kết, đánh giá đầy đủ quá trình và hiệu quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 900/UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ chính trị; đánh giá nhu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và các năm tiếp theo (trước mắt là Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII và XIV), phục vụ cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng cơ chế đánh giá và giám sát việc thực thi Chiến lược xây dựng pháp luật giai đoạn 2011 – 2020. Hợp phần này dự kiến do Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội thực hiện[ii].

Hợp phần 2. Điều phối quan hệ đối tác giữa Chính phủ, các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức  và các chủ thể khác trong xã hội nhằm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp  thông qua việc tăng cường đối thoại chính sách trong lĩnh vực pháp luật, củng cố và duy trì mô hình diễn đàn đối tác pháp luật như đã quy định trong Nghị định 78 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật và Kế hoạch chung thực hiện Một Liên Hợp quốc tại Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý công tác điều phối hoạt động hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; tăng cường công tác truyền thông, đối thoại chính sách giữa chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức xã hội (Hợp phần này dự kiến do Bộ Tư pháp thực hiện (Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Công nghệ thông tin cùng  một số đơn vị khác cùng  phối hợp).  

Hợp phần 3. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua việc xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập (nghiên cứu và xây dựng các chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển ngành tư pháp và kế hoạch phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của ngành về xây dựng pháp luật, hợp tác pháp luật và một số lĩnh vực khác; đặc biệt Dự án dành một phần ngân sách đáng kể nhằm tăng cường vai trò mới của Bộ Tư pháp về theo dõi thi hành pháp luật)[iii]. Hợp phần này dự kiến do Văn phòng Bộ Tư pháp, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp thực hiện.

Hợp phần 4. Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền trong đó dự kiến các nội dung chính là xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh (Provincial Justice Index - JPI); nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chiến lược về trao quyền pháp lý cho người nghèo, phối hợp triển khai Sáng kiến của UNDP toàn cầu về trao quyền pháp lý cho người nghèo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tăng cường việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền và nội luật hoá các cam kết quốc tế này vào pháp luật trong nước. Hợp phần này dự kiến do một số đơn vị khác trong và ngoài Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngoại giao và  một số Sở Tư pháp địa phương thực hiện.

Hợp phần 5. Tăng cường cải cách tư pháp thông qua hỗ trợ nghiên cứu các vấn đề và sáng kiến mang tính liên ngành, trong đó có việc nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, vai trò của cải cách tư pháp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; nghiên cứu so sánh công tác quản lý toà án, đổi mới các chức danh và công chức tư pháp; hỗ trợ các sáng kiến và thử nghiệm về cải cách tư pháp có tính chất liên ngành theo phương pháp hỗ trợ linh hoạt. Hợp phần này dự kiến sẽ do Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp chủ trì thực hiện.

2. Các cơ quan thụ hưởng của Dự án:   

 Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội,  Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương - Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; các Uỷ ban và cơ quan của Quốc hội; các Sở Tư pháp; các cơ quan tư pháp (bao gồm Toà án NDTC và các toà án địa phương); kiểm sát (bao gồm Viện Kiểm sát NDTC và các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương); các bộ và uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có hoạt động liên quan đến pháp luật và tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội….  

3. Cơ chế quản lý và thực hiện Dự án:  

Dự án sẽ áp dụng phương thức Quốc gia điều hành (NEX) theo quy định của UNDP và Chính phủ Việt Nam, có nghĩa Cơ quan thực hiện Dự án (Bộ Tư pháp) là đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ Việt Nam và UNDP về các kết quả dự kiến của Dự án và về việc sử dụng nguồn lực của Dự án. Văn kiện Dự án quy định Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp, phù hợp với chức năng điều phối hợp tác pháp luật của mình, sẽ là đơn vị theo dõi, giám sát chung việc thực hiện Dự án. Các đơn vị tham gia thực hiện Dự án (thụ hưởng chính của Dự án), như Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ cũng như các cơ quan ngoài Bộ….. sẽ là các đơn vị trực tiếp nhận kinh phí từ Dự án để tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể của Dự án, chịu trách nhiệm về mặt nội dung cũng như tài chính của Dự án. Mô hình chuyển giao kinh phí cho các Tiểu Dự án trực tiếp thực hiện các hoạt động liên quan đến nội dung quản lý Nhà nưứoc của mình, giao trách nhiệm sử dụng tài chính/ ngân sách của từng hoạt động do các đơn vị tự thực hiện là cách thức đã được Vụ Hợp tác quốc tế áp dụng từ năm 2003 tới nay trong khuôn khổ Dự án VIE/02/015 “Hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Với Dự án sắp được vận hành và với toàn bộ các Dự án do UNDP tài trợ trong tương lai, Vụ HTQT đều áp dụng cơ chế quản lý này, tức Vụ cũng như Ban Điều hành Dự án đã và sẽ không trực tiếp nắm kinh phí để tổ chức các hoạt động, mà chuyển giao toàn bộ ngân sách cho các đơn vị/ tiểu Dự án có liên quan (cả trong và ngoài Bộ) để các cơ quan này vừa thực hiện nội dung và quản lý tài chính trực tiếp.[iv] Trách nhiệm của Ban Điều hành Dự án (do Dự án và UNDP tuyển dụng) là xây dựng kế hoạch hoạt động của Dự án, chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động dự án, điều hành công việc hàng ngày của Dự án, đôn đốc các Tiểu Dự án triển khai đúng tiến độ các hoạt động đã được phê duyệt, đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Dự án, bao gồm cả chuyên gia quốc tế, điều phối hợp lý sự tham gia của các đối tác liên quan của Dự án, cụ thể là các bên đối tác trong nước, theo dõi và báo cáo với Giám đốc Dự án quốc gia và UNDP về tiến độ và kết quả của Dự án v.v… Vụ Hợp tác quốc tế, thông qua Ban Điều hành Dự án sẽ giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện chức năng giám sát, theo dõi chung như đối với các chương trình, Dự án hợp tác pháp luật khác theo quy định của Nghị định 78/CP về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài. 

4. Cơ chế đánh giá và giám sát:

Công tác giám sát và đánh giá Dự án sẽ được thực hiện theo các quy định của  UNDP và Chính phủ Việt Nam (NEX)

Giám sát tiến độ thực hiện hàng ngày của Dự án  là trách nhiệm của Quản đốc Dự án và UNDP. Dựa theo kế hoạch năm của Dự án và các chỉ số trong khuôn khổ Giám sát và Đánh giá, Ban Điều hành Dự án sẽ thông báo cho UNDP về bất cứ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện để nhận được sự hỗ trợ hoặc có các biện pháp sửa đổi kịp thời. Các mục tiêu và các chỉ số sẽ dựa trên những điều đã được thống nhất và sẽ được tiến hành xác định lại trong cuộc hội thảo được tổ chức vào đầu mỗi năm của Dự án. 

Giám sát tiến độ thực hiện theo định kỳ sẽ do UNDP triển khai thông qua các cuộc họp sau mỗi quý với cán bộ Dự án. Điều này cho phép các bên có điều kiện xem xét và điều chỉnh  những vấn đề liên quan đến Dự án một cách kịp thời để bảo đảm sự vận hành trôi chảy các hoạt động của Dự án. Cán bộ có trách nhiệm của UNDP và Bộ Tư pháp, và khi cần thiết bổ sung cả cán bộ có trách nhiệm của Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Viện Nghiên cứu lập pháp, sẽ tiến hành các chuyến đi khảo sát hàng năm đến những nơi là phạm vi hoạt động của Dự án để đánh giá tiến độ Dự án bước đầu. Báo cáo đánh giá sẽ do Ban Điều hành Dự án và UNDP thực hiện và được gửi tới cho các đối tác.

Đánh giá: Dự án dự kiến tiến hành đánh giá giữa kỳ (mid-term external evaluation) vào năm 2012, hoạt động này sẽ giúp cho các bên liên quan nắm được một cách hệ thống và khách quan về tiến độ hoàn thành Dự án khi đã đi được nửa chặng đường. Quan trọng hơn, việc đánh giá giữa kỳ sẽ giúp xem xét tính tương quan giữa mục đích/kết quả đầu ra như đã được đặt ra lúc đầu, xác định những vấn đề cần phải điều chỉnh kịp thời để đảm bảo Dự án đạt được các kết quả mong muốn.

Trong vòng ba tháng trước khi Dự án hoàn thành, sẽ tiến hành đánh giá độc lập lần cuối nhằm đánh giá các mục tiêu, kết quả và các tác động ban đầu của Dự án.

5. Ngân sách Dự án:

Nguồn chính để cấp vốn cho hoạt động của Dự án này là Quỹ Một Liên hợp quốc (One UN Fund). Vốn được cấp từ Quỹ này trên cơ sở Kế hoạch Dự án hàng năm (Annual Work Plan ) được duyệt. Bộ Tư pháp và UNDP sẽ ký vào bản Kế hoạch năm này. Cùng với Đề cương chi tiết Dự án (DPO) được duyệt, Kế hoạch Dự án hàng năm là cơ sở pháp lý để vận hành Dự án. Chế độ báo cáo cũng theo quy định của Quỹ này trên cơ sở quy định về quản lý tài chính Dự án chung được quy định trong Hướng dẫn về hài hoà hoá quản lý dự án/chương trình  đối với các dự án quốc gia điều hành được áp dụng cho 14 cơ quan/tổ chức thuộc Liên Hợp quốc tại Việt Nam.

6. Cán bộ quản lý và thực hiện Dự án:  

Đề cương chi tiết Dự án đề xuất ngoài Ban giám đốc Dự án bao gồm cán bộ kiêm nhiệm của Bộ Tư pháp, UNDP và Dự án sẽ tuyển thêm một số cán bộ tham gia Ban Điều hành Dự án. Quy trình tuyển chọn các cán bộ Dự án này phải tuân theo các nguyên tắc, điều kiện và thủ tục tuyển nhân sự chặt chẽ đã được UNDP và Chính phủ Việt Nam soạn thảo và ban hành (Sổ tay quốc gia điều hành – Manual on National Executing Agency). UNDP sẽ trực tiếp phối hợp với Dự án giám sát và thực hiện tuyển chọn để tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch và đảm bảo chất lượng của các cán bộ được tuyển dụng (từ khâu đăng quảng cáo tuyển nhân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, phê duyệt, lựa chọn hồ sơ dự tuyển cho đến khâu tổ chức thi/ phỏng vấn). Điều kiện cần để các cán bộ đăng ký dự tuyển là phải đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và kinh nghiệm quản lý, thực hiện Dự án phù hợp với chức danh quy định tại văn kiện Dự án.

III. Các thủ tục tiếp theo để vận hành Dự án:

Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý vào bảo vệ quyền” được UNDP tài trợ được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là Bản Kế hoạch chung thực hiện một Liên hợp quốc (2007 – 2011) (Kế hoạch chung One Plan) - một loại điều ước quốc tế được ký kết giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan của LHQ (tháng 6/2008). Văn bản này đã một bước cải cách thủ tục phê duyệt và thực hiện Dự án do các tổ chức thuộc Liên Hợp quốc tại Việt Nam tài trợ. Do tính chất là Dự án do UNDP tài trợ, được xây dựng trên cơ sở Kế hoạch chung thực hiện Một LHQ tại Việt Nam, nên sau khi phê duyệt Danh mục Dự án dựa trên Đề cương chi tiết Dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng, phê duyệt Kế hoạch hoạt động hàng năm (AWP) theo quy trình hài hoà quản lý và triển khai Kế hoạch chung và các Dự án hợp tác với các tổ chức Liên hợp quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời triển khai thực hiện Dự án theo quy định hiện hành.

Với những mục tiêu, kết quả đã được thống nhất cao giữa Chính phủ Việt Nam và UNDP, hy vọng Dự án “Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” sẽ góp phần tạo nguồn lực tổng hợp giữa nội lực và tài trợ quốc tế, hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả, đầy đủ và phù hợp với những ưu thế của hệ thống LHQ nhằm triển khai tốt các Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội của Việt Nam, các Nguyên tắc cũng như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc./.


 


[i] Công văn số 2014/TTg-QHQT ngày 21/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - “Phê duyệt một số dự án do quốc tế viện trợ”:  http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Phe-duyet-mot-so-du-an-do-quoc-te-vien-tro/200910/23611.vgp

 

[ii]  Từ đầu năm 2009 tới nay, Vụ HTQT, thông qua  Dự án VIE/02/015 cũng đã hỗ trợ kinh phí để Viện KHPL và Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trực tiếp thực hiện một số hoạt động tiền dự án liên quan đến công tác sơ kết Nghị quyết số 900 và đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Kết quả của các  hoạt động đã thực hiện sẽ được Viện KHPL và Viện NCPL của UBTVQH sử dụng kế thừa để tiến hành các  hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Dự án mới vừa được phê duyệt.

 

[iii] Cũng trong khuôn khổ Dự án VIE/02/015, từ đầu năm 2009 đến nay,  Vụ HTQT và UNDP cũng đã hỗ trợ  kinh phí để Vụ các vấn đề chung về XDPL trực tiếp thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Đề án về theo dõi thi hành pháp luật (đã trình Chính phủ) cũng như các hoạt động hoàn thiện thể chế  và tăng cường năng lực thi hành pháp luật cũng như theo dõi thi hành pháp luât… Kết quả của các  hoạt động đã thực hiện sẽ được sử dụng kế thừa để Vụ các vấn đề chung về thi hành pháp luật trục tiếp tiến hành các  hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Dự án mới vừa được phê duyệt.

 

[iv] Cơ chế Vụ Hợp tác quốc tế và Ban Điều hành Dự án chuyển giao tài chính cho các đơn vị có liên quan tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm đã được áp dụng với Dự án VIE/02/105 do UNDP tài trợ từ năm 2003 tới nay và trong toàn bộ các Dự án sắp tới do UNDP tài trợ. Vụ HTQT chỉ thực hiện công tác điều phối, đôn đốc chung, đảm bảo tiến độ và chất lượng của Dự án chứ khôngủư dụng kinh phí để tổ chức bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hoạt động thuộc nội dung quản lý Nhà nước của các đơn vị thuộc Bộ và các Tiểu Dự án ngoài Bộ (kể cả hoạt động hội thảo..). Cơ chế này cũng được áp dụng với các Dự án do CIDA Canada tài trợ trong khuôn khổ Dự án JUDGE “Tăng cường tư pháp và sự tham gia của cơ sở” và Dự án mới “Hỗ trợ phát triển lập pháp” (LEDEP), đang được trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Dự kiến Vụ Các vấn đề chung về XDPL, Viện Khoa học pháp lý và các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ cũng như một số bộ, ngành khác là các đơn vị chính trực tiếp thực hiện Dự án LEDEP giai đoạn 2010- 2017 do Chính phủ Canada tài trợ. Cách chuyển giao cho các đơn vị chức năng trực tiếp sử dụng và quản lý tài chính, song song với việc tự thực hiện các hoạt động nội dung tạo sự linh hoạt cho các Tiểu Dự án, đồng thời dành thời gian cho Vụ HTQT và Ban Điều hành Dự án và các nhà tài trợ tập trung vào các hoạt động quản lý, điều phối chung, trong đó có công tác giám sát, đánh giá, báo cáo các hoạt động của Dự án cũng như công tác đề xuất đàm phán, xây dựng các chương trình, Dự án hợp tác mới để tiếp nối các hoạt động đã kết thúc. Các Tiểu Dự án sẽ chịu trách nhiệm về mặt tài chính và nội dung của hoạt động do mình thực hiện, cũng như có nghĩa vụ tuân thủ các quy trình, thủ tục cần thiết để thực hiện các hoạt động cụ thể do Dự án tài trợ, đặc biệt là việc báo cáo xin phê duyệt Lãnh đạo Bộ  và các cơ quan có liên quan  trước khi tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các hoạt động của Dự án và hoạt động quản lý Nhà nước của đơn vị mình.

  

                                  Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

_______________________________________

Bài có liên quan: