Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội: Bội chi lớn quá!

23/10/2009
Hôm qua (ngày 23/10), Quốc hội đã dành một ngày làm việc để các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Những vấn đề “nóng” nhất trong báo cáo của Chính phủ đã được “mổ xẻ” đến tận nơi.

Phải tiết kiệm các khoản chi thường xuyên

Tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là những con số “ấn tượng” cho thấy những nỗ lực trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn “phê” những điểm yếu của Chính phủ, “mấy năm gần đây, bội chi ngày càng cao, năm 2009 là 6,9%, Chính phủ đề nghị năm 2010 là 6,5%. Dù giảm nhưng tôi thấy con số này vẫn lớn quá”. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) bắt đầu với những nhận xét cụ thể “Chính phủ chưa làm rõ bội chi ngân sách đã sử dụng đúng mục tiêu chưa hay chỉ nặng chi thường xuyên. Nếu chi cho phát triển bền vững thì rất cần nhưng chi thường xuyên thì cần phải tiết kiệm”. Đại biểu Loan đề nghị mức bội chi là 6%.

“Chi thường xuyên cái gì cũng tăng, trong khi đầu tư cơ bản thì dàn trải, tốn kém, thậm chí tiêu cực”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, “cần phải khống chế bội chi dưới mức Chính phủ đề nghị”. 6,5% theo tính toán của Ủy ban Kinh tế sẽ bằng 125,5 ngàn tỷ đồng, vượt so với năm 2009 là 10 nghìn tỷ đồng. Trước đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị bội chi ở mức 6% GDP (tức là “tiết kiệm” được khoảng 9 nghìn tỷ - PV). Thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu đồng tình với chỉ tiêu này.

Cần báo cáo cụ thể việc sử dụng gói kích cầu

Nhìn nhận những hiệu quả mà gói kích cầu đem lại, tuy nhiên nhận định chung của nhiều đại biểu Quốc hội là việc đánh giá, báo cáo sử dụng gói kích cầu còn nhiều điểm chung chung, chưa rõ. “Mặt hạn chế của gói kích cầu là tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp được vay hỗ trợ lãi suất 4% không lớn, như vậy tức là chỉ đem lại hiệu quả cho một số doanh nghiệp nhỏ được vay”. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phân tích “các doanh nghiệp đổ xô đi vay tiền đồng để hưởng lãi suất tạo ra khan hiếm USD”, bà Nguyệt nói thêm.

Vấn đề gói kích cầu, nhiều đại biểu kêu về thủ tục, “Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 được bổ sung thêm 20 ngàn tỷ đồng. Như vậy là các công trình không lo về vốn nhưng tại sao lại triển khai rất chậm. Nguyên nhân chậm một phần chính là những tắc nghẽn về thủ tục”, đại biểu Hoa Sinh (Lạng Sơn) khẳng định, “Doanh nghiệp khó tiếp cận, nông dân càng khó hơn”. Cùng quan điểm với bà Sinh, nhiều đại biểu của đoàn đại biểu các tỉnh miền núi đã dẫn chứng nhiều ví dụ cụ thể để nói lên một điều, “chủ trương thì rất tốt nhưng thực hiện hiệu quả chưa nhiều”.

“Nếu xem xét đến gói kích cầu thứ hai thì cần xác định tập trung cho những mục tiêu trung và dài hạn kết hợp với tái cấu trúc nền kinh tế. Cụ thể tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cho vay vốn doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực”, đại biểu Đặng Huyền Thái và Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị.

Trả lời câu hỏi có nên tiếp tục gói kích cầu thứ hai, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về gói kích cầu thứ nhất làm cơ sở quyết định có tiếp tục các gói kích cầu tiếp theo.

Bài toán khó giải về đào tạo nguồn nhân lực

“Chúng ta vẫn kêu kinh tế khó khăn, lao động không có việc làm nhưng tại sao các khu công nghiệp lại không tuyển được lao động có tay nghề cao”, đại biểu Nguyệt Hường đặt câu hỏi “phải chăng vấn đề nằm ở chính khâu đào tạo nguồn nhân lực”. Bức xúc không kém, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến nêu thực tế ở ngành y tế của mình “Cơ sở vật chất, trang thiết bị có tốt mấy mà không có đội ngũ bác sỹ giỏi thì bệnh nhân vẫn cứ đổ xô lên tuyến trên, gây tình trạng quá tải cho các bệnh viện”. Thực trạng nữa, được bà Tiến chỉ ra “chúng ta tự hào vì nguồn nhân lực rẻ, dồi dào mà sao lao động ra nước ngoài chỉ làm các công việc đơn giản. Đó chính là khâu đào tạo có vấn đề”

Năm 2009, Chính phủ đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,7 triệu lao động, nhưng tổng kết lại thì không đạt. Điều này có nhiều nguyên nhân do tác động của kinh tế thế giới. Không nên chạy theo những chỉ tiêu cụ thể mà cần quan tâm đến chất lượng lao động, có chương trình đào tạo dài hơi, quan tâm đến lao động vùng sâu, vùng xa là đề nghị chung của nhiều đại biểu.

Thu Hằng

Chính phủ đề ra chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động vào năm 2010, trong đó có đưa 8,5 vạn đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc này ta không thể chủ động được nên thực hiện chỉ tiêu là rất khó.

Tương tự, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% cũng nan giải, vì ranh giới giữa nghèo và cận nghèo vô cùng mong manh. Chỉ một lần vào viện có thể làm các hộ tái nghèo một cách nhanh chóng.