Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Muốn đủ hết là cách làm luật rất cổ điển”

22/10/2009
Hôm qua (21/10), trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam về giải pháp “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật” theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đổi mới ở đây phải hiểu là đổi mới cả quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật, trong đó không thể không nói đến tư duy của những người làm công tác lập pháp hiện nay.

Cái gì cuộc sống cần thì phải có luật ngay

PV: Chính phủ cho biết năm 2010 sẽ  tiếp tục “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật”, “cắt giảm tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính”. Phải chăng đang có điều gì không ổn trong tư duy làm luật hiện nay, thưa ông?

*. Tiếp tục đổi mới tư duy làm luật là một giải pháp để tiếp tục thực hiện định hướng đổi mới hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay. Vấn đề là ở chỗ đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bao gồm những cái gì? Lâu nay chúng ta vẫn nói những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật nói chung và một đạo luật nói riêng là phải bảo đảm định hướng, phù hợp với các tiêu chuẩn, phù hợp với các Công ước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được thực tiễn cuộc sống vào trong luật, rồi phải bảo đảm tính khả thi v.v… Nhưng vấn đề là thực tế tổ chức thực hiện các yêu cầu đó như thế nào, các cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật đã đáp ứng được các yêu cầu đó chưa?

Tôi chỉ nói một ví dụ rất thực tế về quan điểm xây dựng pháp luật của chúng ta lâu nay, đó là chúng ta làm rất nhiều bộ luật đồ sộ, với mong muốn có đầy đủ hết quy định điều chỉnh các quan hệ trong một lĩnh vực nào đó, như một bộ pháp điển. Cách làm luật đó theo tôi đã rất cổ điển. Có nhiều bộ luật xây dựng mất rất nhiều thời gian, có khi mất hàng chục năm, nhưng rồi khi ban hành thì một đạo luật như thế lại đã lạc hậu so với cuộc sống hiện tại vốn rất năng động, biến chuyển nhanh như hiện nay.

PV: Theo Phó Chủ tịch, tư duy làm luật hiện nay phải như thế nào mới đáp ứng được yêu cầu thực tế cuộc sống?

*. Quan điểm, tư duy làm luật bây giờ là cái gì thực tế đang cần thì phải có luật để điều chỉnh. Mà việc phúc đáp ngay được vấn đề đó thì không cần tới một đạo luật lớn. Một đạo luật có thể nói là nhỏ, điều chỉnh một vấn đề cụ thể nào đó, mà nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội ban hành, nếu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ ban hành sẽ góp phần giải quyết tốt hơn những yêu cầu của cuộc sống. Với quan điểm này, không cần phải là những bộ luật nhiều chương, nhiều điều, nhiều vấn đề, mà có khi chỉ cần một vấn đề cũng có thể ban hành luật ngay. Hay cách làm luật bây giờ mà Quốc hội đang áp dụng là dùng một luật để sửa nhiều luật. Ví dụ như vừa rồi Quốc hội đã ban hành một luật về thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để sửa đổi, bổ sung nhiều vướng mắc trong những lĩnh vực này. Tôi nghĩ đổi mới tư duy sẽ dẫn đến đổi mới cách làm và đổi mới quá trình thực hiện.

Rõ ràng có nhiều thủ tục hành chính còn chưa hợp lý

PV: Theo ông, có mối liên hệ nào không giữa chủ trương đổi mới tư duy làm luật và việc quyết cắt giảm 30% thủ tục hành chính của Chính phủ?

*. Nói thủ tục hành chính thì có rất nhiều loại. Có những thủ tục hành chính được quy định ngay trong luật, ví dụ như các thủ tục về xuất nhập cảnh, hải quan. Nhưng cũng có những thủ tục hành chính nằm trong các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ như hộ tịch, công chứng…. Mục đích của việc cắt giảm thủ tục hành chính suy cho cùng là hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp. Rõ ràng là có mối liên hệ giữa tư duy làm luật và việc cắt giảm các thủ tục hành chính. Bởi vì người làm luật đưa ra nhiều quy định như thế, tưởng là chặt chẽ, nhưng trên thực tế, cái đó là không hợp lý. Bây giờ, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, từ yêu cầu quản lý mà có thể loại bỏ đi những thủ tục không cần thiết đó, để lại những thủ tục  vừa đảm bảo yêu cầu quản lý vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đấy chính là đổi mới tư duy.

PV: Con số 30% nói lên điều gì, thưa ông?

*. Rõ ràng là có nhiều thủ tục hành chính còn chưa  hợp lý, cần phải loại bỏ. Càng nhiều thủ tục, càng không công khai minh bạch thì càng có nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng.

PV: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Hồng Thúy (thực hiện)