Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử

13/02/2018
Đây là một trong những mục tiêu được đề cập trong Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, được ban hành kèm theo Quyết định số 53/QĐ-BCĐCCHC ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo đó, một số mục tiêu cụ thể của Kế hoạch được nêu rõ như sau: Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban chỉ đạo trong công tác cải cách hành chính; Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính.
Kế hoạch cũng đặt ra một số yêu cầu cụ thể như: Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 một cách hiệu quả; Triển khai có kết quả một số nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính năm 2018; Xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; Thành viên Ban Chỉ đạo cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Kế hoạch cũng đề ra một số nội dung triển khai trong công tác chỉ đạo, điều hành như: Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011, Nghị quyết 36a/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 14/02/2016, Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 04/5/2017; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính; Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương; Triển khai thực hiện Đề án thông tin tuyên truyền cải cách hành chính; Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng Bản tin điện tử cải cách hành chính của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điêu hành cải cách hành chính của Chính phủ; đề cao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách hành chính đối với các thành viên được giao chủ trì chương trình cải cách hành chính theo phân công của Chính phủ; định kỳ 6 tháng/lần thực hiện kiểm điểm, đánh giá kết quả của các thành viên trước Ban Chỉ đạo;…
Đối với nội dung xây dựng thể chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, Kế hoạch giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 thống nhất trong cả nước; hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện pháp điển các đề mục theo Kế hoạch; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, thay thế cho Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; Đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 như: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đối những quy định về thủ tục không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện; Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng; bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công; lý lịch tư pháp, hộ tịch…. Tiếp tục cắt, giảm, đơn giản hóa thưc tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp; Rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật để tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bảo đảm thực hiện mục tiêu Quốc hội giao; Tăng cường đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; giảm hội họp, đơn giản hóa chế độ báo cáo; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến mực độ 3, mức độ 4; xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; Triển khai thực hiện Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định của Chính phủ; Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành.
Đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành địa phương có trách nhiệm thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025; Hoàn thiện, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao. Xây dựng kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp, giảm tối thiểu 2,5% biên chế được giao so với năm 2015;
Kế hoạch cũng nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục; Giảm đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021; Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.