Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới của ngành Tư pháp năm 2018

07/02/2018
Ngày 06/02/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới năm 2018 của ngành Tư pháp. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo đó, mục đích của việc ban hành Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về bình đẳng giới đã được xác định tại Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Tư pháp giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm đến năm 2020 hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về bình đẳng giới đã được giao.
Kế hoạch cũng đặt ra một số yêu cầu cụ thể như sau: 1- Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Tư pháp giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở kết quả hoạt động năm 2017 và phù hợp với điều kiện thực tiễn, trọng tâm công tác của Bộ, Ngành, tạo cơ sở đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2020; 2- Các mục tiêu, giải pháp thực hiện Kế hoạch phải bám sát và có tác động tích cực tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành năm 2018; 3- Các nhiệm vụ, giải pháp phải mang tính khả thi, rõ trách nhiệm giải trình, khắc phục trực tiếp những khó khăn, tồn tại về bình đẳng giới hiện nay của Ngành.
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa công chức, viên chức nam và nữ trong tham gia lãnh đạo, quản lý; trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và trong thụ hưởng các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; thực hiện hiệu quả các quy định về lồng ghép giới và bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Bộ và ngành Tư pháp.
Về mục tiêu cụ thể nhằm:
1- Thực hiện hiệu quả các quy định về bình đẳng giới trong xây dựng, thực thi pháp luật và các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp cũng như đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước đề ra. Cụ thể: Phấn đấu 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo hoặc thẩm định được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo hoặc thẩm định có nội dung liên quan trực tiếp tới phụ nữ và trẻ em có sự tham gia, phản biện của các cấp hội phụ nữ, Ban VSTBPN, nữ công; Các đơn vị đảm bảo công chức, viên chức của Ngành làm đầu mối công tác bình đẳng giới, trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự được tập huấn nghiệp vụ về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chuyên môn và 100% các đơn vị thuộc ngành Tư pháp có cán bộ phụ trách và thực hiện công tác bình đẳng giới.
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Kế hoạch cũng nêu rõ: Các đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thực hiện đầy đủ quy trình lồng ghép giới trong quá trình soạn thảo; mời các cấp hội phụ nữ, Ban VSTBPN, tổ chức nữ công tham gia soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động, góp ý chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật, từ đó đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nâng cao năng lực lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; Tăng cường, nâng cao chất lượng lồng ghép bình đẳng giới trong công tác chuyên môn của các đơn vị; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp; Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, quy định về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp; Huy động tối đa các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật của quốc tế để thực hiện hoạt động bình đẳng giới năm 2018.
2- Tăng cường sự tham gia của công chức, viên chức nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan, các đơn vị và tham gia vào các công việc chuyên môn quan trọng của cơ quan, đơn vị. Cụ thể: Bảo đảm tỷ lệ công chức, viên chức nữ trong Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý nhìn chung đạt tối thiểu 20%; Tăng tỷ lệ công chức, viên chức nữ giữ các chức danh Lãnh đạo, quản lý trong Bộ Tư pháp; Tăng tỷ lệ công chức, viên chức nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong Hệ thống thi hành án dân sự và cơ quan tư pháp địa phương; Tăng tỷ lệ công chức, viên chức nữ tham gia cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ và trong các cơ quan, đơn vị; bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 50% công chức, viên chức nữ được kết nạp Đảng tính trên tổng số công chức, viên chức được kết nạp Đảng.
Về nhiệm vụ, giải pháp: Tổ chức quán triệt các quyết định, kế hoạch, chương trình về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cho các cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị; Bổ sung công chức, viên chức nữ vào Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ và các đơn vị trong Ngành; Quan tâm bố trí, tạo điều kiện cho công chức, viên chức nữ tham gia vào các công việc lớn, quan trọng của cơ quan, đơn vị; Đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu, bổ nhiệm công chức, viên chức nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ và các đơn vị trong Ngành; Bồi dưỡng, giới thiệu công chức, viên chức nữ để xem xét kết nạp Đảng, tham gia vào các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội của Bộ và các đơn vị trong Ngành.
3- Bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa công chức, viên chức nam và nữ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, Ngành: Phấn đấu đạt tỷ lệ 60% công chức, viên chức nữ trên tổng số công chức, viên chức của Bộ, Ngành được chọn, cử tham gia các chương trình đào tạo sau đại học, quản lý nhà nước, lý luận chính trị; Bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 50% công chức, viên chức nữ trên tổng số công chức, viên chức của Bộ, Ngành tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ .
Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Động viên, bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện để công chức, viên chức nữ tham gia các lớp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ; Nghiên cứu, có các quy định về đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù của công chức, viên chức nữ; kịp thời thông tin, phổ biến các chỉ tiêu, chế độ, chính sách mới về đào tạo, bồi dưỡng tới công chức, viên chức nữ.
4- Bảo đảm các chế độ, chính sách bình đẳng giới từ tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức đến việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe đối với đội ngũ cán bộ, công chức đều được Bộ và các đơn vị thực hiện tốt và kịp thời như: Tổ chức khám định kỳ trong năm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức các buổi tọa đàm, mít tinh, hội nghị nhân dịp 8/3, 20/10, ngày hạnh phúc...
Đối với việc tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu rõ:
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hoạt động về bình đẳng giới năm 2018 của các cơ quan, đơn vị; Tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể về bình đẳng giới trong phạm vi chức năng, nhiệm của Ban được giao; Tổ chức sơ kết 6 tháng, tổng kết năm về kết quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của Ngành; đề xuất khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bình đẳng giới của Ngành; Định kỳ báo cáo Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả hoạt động bình đẳng giới của ngành Tư pháp hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới năm 2018 của cơ quan, đơn vị trên cơ sở bám sát nội dung Kế hoạch này và các Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới của hệ thống thi hành án dân sự và của các địa phương; Lồng ghép việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới trong Kế hoạch công tác chuyên môn của đơn vị, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ bình đẳng giới được giao; Kịp thời kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, giúp Thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động bình đẳng giới của cơ quan, đơn vị; lựa chọn, bố trí công chức, viên chức có kỹ năng, tâm huyết và công chức, viên chức nam vào làm thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới của cơ quan, đơn vị theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính để bảo đảm thực hiện có hiệu quả hoạt động này; huy động thêm các nguồn lực khác hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới; Tổ chức sơ kết 6 tháng, tổng kết năm về kết quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của hệ thống thi hành án dân sự; đề xuất để Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp đề nghị khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân công chức thi hành án dân sự có thành tích xuất sắc trong hoạt động bình đẳng giới; Định kỳ hoặc đột xuất, báo cáo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp về kết quả hoạt động bình đẳng giới của hệ thống thi hành án dân sự.