Phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với nhóm TTHC, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực

09/02/2018
Ngày 09 tháng 02 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 199/QĐ-TTg phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Một số nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của BCông an
Mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) với các loại giấy tờ của các thủ tục hành chính sau:
- Thủ tục Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân tại Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an; tại Công an cấp tỉnh: Giấy khai sinh; Giấy tờ chứng nhận con thương binh, liệt sĩ; con Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động.
- Thủ tục Tuyển lao động hợp đồng trong Công an nhân dân tại Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an; tại Công an cấp tỉnh: Giấy khai sinh; Bằng tốt nghiệp hoặc Chứng chỉ nghề, Chứng chỉ về chuyên môn nghiệp vụ.
- Thủ tục Tuyển lao động hợp đồng tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong lực lượng Công an nhân dân tại các Tổng cục, Bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an: Giấy khai sinh; Bằng tốt nghiệp hoặc Chứng chỉ nghề, Chứng chỉ về chuyên môn nghiệp vụ.
Một số nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ
Mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) với các loại giấy tờ của các thủ tục hành chính sau:
- Nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Văn thư và lưu trữ nhà nước: Thủ tục Cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp từng lĩnh vực hành nghề; Thủ tục Cấp lại chứng chỉ hành nghề lưu trữ: Văn bằng, chứng chỉ và Giấy xác nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực liên quan đến nội dung xin bổ sung hành nghề (đối với trường hợp xin bổ sung nội dung hành nghề); Thủ tục Cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành và Chứng chỉ bồi dưỡng phù hợp với lĩnh vực hành nghề (nếu có); Thủ tục Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ; thủ tục Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập); Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức); Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập); bỏ thành phần hồ sơ bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
- Nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Quản lý công chức: Thủ tục Thi tuyển công chức; thủ tục Xét tuyển công chức: Về thành phần Phiếu Lý lịch tư pháp, quy định theo hướng người trúng tuyển không phải nộp Phiếu Lý lịch tư pháp mà chuyển chủ thể đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp sang cơ quan tuyển dụng; Thủ tục Tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức: Văn bằng, Chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển. Về thành phần Phiếu Lý lịch tư pháp, quy định theo hướng người trúng tuyển không phải nộp Phiếu Lý lịch tư pháp mà chuyển chủ thể đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp sang cơ quan tuyển dụng; Thủ tục Thi xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức; Thủ tục Xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên: Bỏ thành phần bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, quy định theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đối tượng xét chuyển thực hiện khai sơ yếu lý lịch và tự chịu trách nhiệm vào lời khai của mình, sau khi có công văn đề nghị thuyên chuyển thì chuyển hồ sơ gốc sang cơ quan tiếp nhận; Thủ tục Thi nâng ngạch công chức: Văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch đăng ký dự thi; Thủ tục Thi tuyển viên chức; thủ tục Xét tuyển viên chức: Văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển; Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có); Thủ tục Xét tuyển đặc cách viên chức: Văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển; Thủ tục Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức: Văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Một số nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp
Theo đó, nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bổ trợ tư pháp bao gồm: Thủ tục Đăng ký hoạt động của Trung tâm Trọng tài: Quy định tổ chức được lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp qua đường bưu điện) đối với Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Trung tâm Trọng tài; Thủ tục Đăng ký hoạt động của Chi nhánh Trung tâm Trọng tài: Quy định tổ chức được lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp qua đường bưu điện) đối với Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Chi nhánh Trọng tài; Thủ tục Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khác không cố ý: Bỏ Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ.
Nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Nuôi con nuôi gồm: Thủ tục Cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam - Bỏ yêu cầu nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài (đã được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định); Thủ tục Cấp giấy xác nhận công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi: Quy định công dân lựa chọn bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp qua đường bưu điện) đối với Giấy chứng nhận kết hôn (trường hợp vợ chồng nhận con nuôi); Thủ tục Giải quyết việc công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới nhận trẻ em của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới làm con nuôi: Quy định công dân lựa chọn bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp qua đường bưu điện) đối với Giấy chứng nhận kết hôn (trường hợp vợ chồng nhận con nuôi); Thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước: Quy định người yêu cầu lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp qua đường bưu điện) đối với Giấy chứng nhận kết hôn (trường hợp vợ chồng nhận con nuôi). Trong trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi, bỏ yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi, trong Đơn xin nhận con nuôi (mẫu TP/CN-2014/CN.02) bổ sung thêm nội dung cam đoan của người xin nhận con nuôi không thuộc các trường hợp bị cấm nhận con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Lý lịch tư pháp gồm:
- Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đối với người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, công dân Việt Nam)
Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Sửa tên thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thành thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Đa dạng hóa các cách thức nộp hồ sơ yêu cầu và nhận Phiếu lý lịch tư pháp.
Về thành phần hồ sơ: Bổ sung thẻ Căn cước công dân, Chứng minh quân nhân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế khác để chứng minh nhân thân của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp bên cạnh Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu; Bổ sung quy định trường hợp cá nhân không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì không phải nộp giấy tờ chứng minh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của mình trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Bổ sung quy định xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Bổ sung quy định xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người chưa đủ 14 tuổi; Quy định người được ủy quyền hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của mình khi thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Bổ sung quy cách nộp hồ sơ tương ứng cho từng cách thức thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, trực tuyến. Cụ thể: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cá nhân nộp bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực; trường hợp nộp hồ sơ qua các dịch vụ bưu chính, cá nhân nộp bản sao có chứng thực; trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, thì hồ sơ gửi là chụp từ bản gốc và phải bảo đảm tính xác thực, yêu cầu kỹ thuật, đầy đủ và chính xác của thông tin.
Về thời hạn giải quyết: Sửa đổi quy định về thời hạn cấp Phiếu tương ứng với từng trường hợp cụ thể so với quy định của Luật lý lịch tư pháp hiện hành, cụ thể như sau: Rút ngắn thời hạn cấp Phiếu từ 10 ngày xuống còn 07 ngày làm việc trong trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ cư trú tại một nơi duy nhất; Rút ngắn thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ 15 ngày xuống còn 10 ngày trong trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã cư trú ở nhiều nơi; Rút ngắn thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của người chưa đủ 14 tuổi từ 10 ngày xuống còn 01 ngày làm việc.
Bổ sung quy định về thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 20 ngày trong trường hợp phải xác minh thông tin điều kiện đương nhiên được xóa án tích ở nhiều nơi, nhiều cơ quan và trường hợp theo yêu cầu của Sở Tư pháp đối với hồ sơ đã quá thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc có vướng mắc mà Sở Tư pháp không giải quyết được.
Về đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Bổ sung đối tượng người nước ngoài không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Về cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Quy định Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có quyền Cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp đặc biệt: Trường hợp theo yêu cầu của Sở Tư pháp đối với hồ sơ đã nộp tại Sở Tư pháp nhưng quá thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc có vướng mắc mà Sở Tư pháp không giải quyết được. Về mẫu tờ khai: Bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt tại tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và bổ sung nội dung yêu cầu nhận kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính vào tờ khai. Về kết quả thực hiện: Quy định kết quả thực hiện thủ tục hành chính là Phiếu lý lịch tư pháp.
- Về thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Bỏ thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 02.
Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan tiến hành tố tụng): Bỏ thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 dành cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, bỏ thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời quy định cơ chế phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý lý lịch tư pháp với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật nuôi con nuôi (sửa đổi, bổ sung), Luật lý lịch tư pháp (sửa đổi, bổ sung) để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 2, 3 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định liên quan tại: Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 1 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này; Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 2 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định liên quan tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10 tháng 5 năm 2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 3 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này.
Giao Bộ Tư pháp xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định có liên quan tại: Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư theo đúng nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 1 mục A phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này; Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi theo đúng nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 2 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này; Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 26 tháng 7 năm 2011 về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp để thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại khoản 3 Mục A Phần X của Phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này.