Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII: Xem xét việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân

26/08/2010
Hôm qua 25/8, ngày làm việc cuối cùng trong phiên họp thứ 33, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011; nghe và cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XII.

Có thể phải sửa ngay Hiến pháp

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết: về cơ bản, dự kiến chương trình kỳ họp thứ tám vẫn giữ như đã được thống nhất tại phiên họp thứ 32. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết (trong đó 3 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết thông qua theo quy trình một kỳ họp), 7 dự án luật thông qua theo quy trình hai kỳ họp; cho ý kiến 9 dự án luật.

“Hiện các cơ quan hữu quan đang khẩn trương hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo để đảm bảo đúng tiến độ”, ông Đàn cho biết.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành thời gian cho việc xem xét Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phườngLiên quan đến vấn đề này, nếu không tiếp tục tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường thì có thể phải sửa một số điều của Hiến pháp năm 1992 ngay tại kỳ họp này (vì tháng 1-2011 đã phải công bố ngày bầu cử); theo đó phải sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” ông Đàn nói rõ hơn.

Dự kiến, kỳ họp thứ tám sẽ diễn ra trong vòng 32 ngày, khai mạc ngày 20/10 tới đây. Chương trình sẽ được “chốt” trong phiên họp thường vụ Quốc hội tháng 10/2010.

Cần làm rõ vai trò của Hội đồng nhân dân

Trước đó, trong sáng qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011. Đặc biệt là việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường (đang được triển khai tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 7 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và 03 thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. )

Đánh giá của Ban công tác đại biểu đã chỉ rõ những kết quả đạt được trong tổ chức hoạt động của HĐND; theo đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng ninh ninh và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, theo Ban công tác đại biểu, nhiệm kỳ qua cũng cho thấy còn một số hạn chế về tổ chức, bộ máy, cũng như phương thức, chất lượng hoạt động…

Cho ý kiến vào dự thảo báo cáo nói trên, các uỷ viên thường vụ Quốc hội đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong tổ chức, hoạt động của HĐND nhiệm kỳ vừa qua nhưng cũng đề nghị: cần phải đánh giá ưu, nhược và nguyên nhân của những hạn chế đối với HĐND từng cấp (xã, huyện, tỉnh), làm rõ vai trò của HĐND trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân; cũng như cơ cấu tổ chức, bộ máy…

Đặc biệt, tháng 5/2011 sẽ diễn ra bầu cử HĐND các cấp, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần có một đánh giá toàn diện về công tác thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường để quyết định có tiếp tục hay không. Bởi lẽ vấn đề này còn liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp có thể sẽ diễn ra ngay trong kỳ họp thứ tám Quốc hội XII vào tháng 10 tới đây.

Thu Hằng