Kết quả kiểm tra hoạt động phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại khu vực phía Bắc

11/08/2010
Kết quả kiểm tra hoạt động phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại khu vực phía Bắc
Thực hiện kế hoạch số 2227/BTP-HĐPH ngày 20/7/2010 của Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương, tại khu vực phía Bắc, từ ngày 05-06/8/2010, Hội đồng phối hợp Trung ương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng.

Thành phần Đoàn gồm có đồng chí Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn, đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các thành viên khác. Đoàn đã nghe báo cáo, trao đổi và đánh giá kết quả đạt được với các thành viên của Hội đồng phối hợp địa phương (gồm đại diện của Lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Sở Tài chính cấp tỉnh…); trực tiếp phỏng vấn, trao đổi với các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư; đi kiểm tra việc đặt Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trại tạm giam và nhà tạm giữ, phỏng vấn giám thị, quản giáo và phạm nhân về việc hướng dẫn cho bị can, bị cáo về trợ giúp pháp lý; kiểm tra hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng và tiếp xúc, phỏng vấn người được trợ giúp pháp lý tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý.

Thông qua các Báo cáo kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Đoàn kiểm tra ghi nhận những thành tích đã đạt được của các Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương: Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các ngành tại hai địa phương được thực hiện tốt thông qua việc chỉ đạo các đơn vị trong ngành tham gia hoạt động, tạo điều kiện cho các Trung tâm thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý. Mặc dù thành viên của các Hội đồng có sự biến động nhưng các địa phương vẫn bảo đảm sự tham gia đầy đủ của đại diện các ngành trong Hội đồng. Tại Hải Phòng, Hội đồng đã có sự phối hợp rất tốt thông qua việc duy trì chế độ họp và ban hành các văn bản liên ngành (ví dụ Thông báo số 18/TB-HĐPHLN ngày 20/01/2010) để giải quyết một số vấn đề tồn tại trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Tại Vĩnh Phúc, liên ngành của tỉnh (như Công an tỉnh) đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng và định kỳ báo cáo kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam và nhà tạm giữ (số liệu này lần lượt là 48 và 40 tại Vĩnh Phúc và 81 và 100 tại Hải Phòng). Qua thực tiễn kiểm tra tại trại tạm giam và nhà tạm giữ, Đoàn nhận thấy các cơ quan đã có sự tuân thủ chặt chẽ việc đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý, phạm nhân đã được người tiến hành tố tụng giải thích, hướng dẫn họ thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý. Thông qua việc kiểm tra hồ sơ vụ việc tại các Trung tâm và phỏng vấn người được trợ giúp pháp lý (Hải Phòng), Đoàn nhận thấy chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của đối tượng trợ giúp. Từ tháng 12/2008 đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Vĩnh Phúc đã cử người tham gia trợ giúp pháp lý trong tố tụng trong 165 vụ việc cho 174 đối tượng. Trong 3 năm qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hải Phòng đã tham gia trợ giúp pháp lý trong tố tụng trong 338 vụ việc cho 338 đối tượng (trong 7 tháng đầu năm 2010, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng trong 67 vụ việc cho 67 đối tượng). Đặc biệt, rất nhiều trường hợp bị can, bị cáo có được sự giúp đỡ của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý do sự hướng dẫn, giới thiệu từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Tại Vĩnh Phúc, một số khó khăn mà Hội đồng phối hợp địa phương nêu ra trong việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên trong giai đoạn điều tra đã được Đoàn kiểm tra, các thành viên Hội đồng phối hợp địa phương và đại diện Đoàn luật sư trao đổi, tháo gỡ ngay tại buổi làm việc…

Đồng thời Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót, ghi nhận, giải đáp các vướng mắc, đề xuất của Hội đồng phối hợp địa phương. Đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng đã nhất trí với Đoàn kiểm tra về các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Hội đồng phối hợp địa phương triển khai việc kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động phối hợp tại từng ngành ở các quận, huyện, thị; ngoài việc tiếp tục đáp ứng yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng hình sự, cần đẩy mạnh thực hiện trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực tố tụng dân sự và hành chính đang rất nóng, đặc biệt là những tranh chấp, kiện tụng về đất đai, nhà ở. Chú trọng những vụ việc báo chí phản ánh, đang được cấp uỷ, chính quyền và dư luận quan tâm, bức xúc, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tiếp tục tăng cường hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và cập nhật kiến thức về trợ giúp pháp lý cho cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng và truyền thông cho người được trợ giúp pháp lý…

Nguyễn Thị Pha