Tổ chức Thanh tra chuyên ngành: Nên có ở cơ quan nào?

27/07/2010
Sau một tuần làm việc, hôm qua phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết thúc. Trước đó, TVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Độc lập đến đâu?

Một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong việc thực thi Luật Thanh tra là địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra.

Theo Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, việc sửa đổi lần này cần theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và cơ quan thanh tra nói chung. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực UBTVQH trình hai phương án: Thứ nhất, Tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện quyền quản lý nhà nước trong tổ chức và hoạt động thanh tra tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ khác và theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ; Thứ hai: Trong trường hợp chưa thể thực hiện được theo như phương án 1 thì cần tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối.

Uỷ viên thường vụ Trần Thế Vượng chia sẻ “Đây là luật khó, 5 vấn đề sửa đổi đều là những vấn đề hết sức phức tạp, ngay từ thời còn thực hiện Pháp lệnh thanh tra“ tuy nhiên ông cũng phê phán “có những vụ việc cả ba đoàn cùng thanh tra, rồi sau đó ban hành 3 cái kết luận khác nhau những rồi để đó không thực hiện. Nhiều cá nhân, tổ chức nhất là doanh nghiệp lao đao vì phải chịu quá nhiều đợt thanh tra khiến họ không làm ăn gì được“. Ông Vượng đề nghị muốn sửa đổi Luật Thanh tra, một trong những việc cần phải làm ngay là phải tổng kết hoàn thiện lý luận về thanh tra. Đặc biệt phải xem thanh tra có phải là “tai mắt“ của nhà quản lý hay không? Nếu là “tai mắt“ rồi thì làm sao có thể độc lập?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên sau khi phê “chưa rõ khái niệm thanh tra - kiểm tra“ cũng cho rằng: phải xác định địa vị của thanh tra độc lập tối đa như kiểm toán. “Nếu không làm rõ, không trao cho thanh tra cái quyền độc lập trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mà chỉ diễn giải cho nó đẹp thôi thì không cần phải sửa luật“, Phó Chủ tịch nói.

Giải thích thêm về vấn đề này, Phó Tổng thanh tra Nhà nước Trần Đức Lượng cho biết, địa vị pháp lý và quyền hạn của hệ thống cơ quan thanh tra đúng là khó khăn cơ bản cần tháo gỡ. “Trong nhiều trường hợp, kết luận xử lý của đoàn thanh tra liên ngành là nhân danh Chính phủ; bản thân chúng tôi có khi cũng lúng túng về thẩm quyền xử lý sai phạm, lúc nào nhân danh Chính phủ? lúc nào nhân danh cơ quan ngang Bộ?”, ông Lượng tiếp tục phân trần

Có nên tổ chức thanh tra chuyên ngành?

Theo dự thảo luật mới, Chính phủ đề nghị chỉ quy định tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ và Chi cục thuộc Sở, Tuy nhiên, ra trước UBTVQH, Ủy ban Pháp luật trình hai phương án: Không tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập mà giao nhiệm vụ này cho cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp thực hiện. Theo phương án này thì các Tổng cục, Cục, Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải sắp xếp lại tổ chức, cán bộ và quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ cho các bộ phận. Tại các cơ quan này, một bộ phận cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ sẽ được cấp thẻ thanh tra để tác nghiệp; Trong khi đó,  Phương án 2 Trong trường hợp chưa thể thực hiện ngay được theo như phương án 1 thì có thể thực hiện theo phương án như trong dự thảo Luật, tức chỉ tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số Tổng cục, Cục thuộc bộ, nhưng không tổ chức thanh tra ở Chi cục thuộc sở.

“Theo Luật thanh tra hiện hành chỉ có thanh tra ở ba cấp: Chính phủ, Bộ, Sở, nay chúng ta lại đưa thêm một loạt thanh tra khác vào dựa trên cơ sở nào“, chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi. Chỉ ra thực trạng cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra quá nhiều nhưng hiệu lực hiệu quả không cao, ông Hiển bày tỏ quan điểm “tôi cho rằng không nên có thanh tra chuyên ngành, chỉ cần ta tổ chức tốt Luật Thanh tra hiện có. Còn các Cục, Chi cục muốn làm tốt công tác quản lý thì họ cứ việc đi kiểm tra“.

Đồng ý với một số thường vụ việc lâu nay chúng ta quá “nặng“ về thanh tra mà quên mất nhiệm vụ kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước cho rằng, bất hợp lý là Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về toàn bộ hoạt động của ngành, trong đó có thanh tra, nhưng tổ chức và hoạt động của Thanh tra thì lại do Tổng cục trưởng quản lý (vì nó nằm ở Tổng cục, Cục và các Chi cục – PV).

“Lý luận về thanh tra chưa thống nhất“ là nhận xét của nhiều thường vụ khi nhận xét về dự án Luật Thanh tra sửa đổi, các thường vụ đề nghị cần tổng kết thi hành Luật Thanh tra để có cơ sở sửa đổi theo hướng tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn nhưng cũng đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán trong pháp luật hiện hành.

Thu Hằng

Theo quy định của Luật thanh tra hiện hành thì ở mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra (Thanh tra Bộ), tổ chức này thực hiện cả nhiệm vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức thanh tra được thành lập ở cả một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Cục thuộc Tổng cục, Chi cục thuộc Cục, Chi cục thuộc Sở; Thanh tra khu công nghiệp, khu chế xuất; thí điểm thực hiện mô hình Thanh tra xây dựng ở xã, phường, thị trấn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.