258 thủ tục hành chính ưu tiên: Chưa được tham vấn sâu

22/07/2010
Chậm nhất là ngày 15/7/2010, các Bộ ngành phải gửi phương án đã được hoàn thiện đối với việc thực hiện Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 2/6/2010 của Chính phủ về đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính (TTHC) ưu tiên. Tuy nhiên, phần lớn các phương án thực thi đơn giản hoá của các bộ ngành chưa tham vấn ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

91% thủ tục được đơn giản hoá!

Tại cuộc họp giao ban giữa Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là TCTCT) và các bộ ngành được tổ chức vào ngày 20/7, Tổ phó thường trực TCTCT Ngô Hải Phan cho biết: Xuất phát từ mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ TTHC nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, trong tổng số 5.350 TTHC được rà soát, TCTCT đã nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung 4.132 thủ tục, bãi bỏ 588 thủ tục, kiến nghị thay thế 165 thủ tục.

Nhờ đó, tỷ lệ đơn giản hóa trung bình theo phương án của TCTCT đạt 91%, cao hơn cả tỷ lệ trung bình mà bộ, ngành đã đề xuất là 81%. “Quan trọng hơn, các phương án do TCTCT kiến nghị gắn với việc cắt giảm các chi phí cho cá nhân, tổ chức, bảo đảm việc đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC do Thủ tướng giao”, ông Phan nhấn mạnh,

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong ngày 15/7/2010, các bộ, ngành phải gửi phương án đơn giản hóa đã được hoàn thiện và tính toán chi phí tuân thủ TTHC về triển khai Nghị quyết 25. Mặc dù vậy, vẫn còn một số bộ ngành chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên. Đến thời điểm hiện tại, TCTCT mới nhận được 20/24 phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ ngành.

Về cơ bản, hầu hết các bộ ngành đều thống nhất với phương án đơn giản hóa cũng như thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của TCTCT. Tuy nhiên, đáng lưu ý hơn là nhiều bộ ngành mới coi đây là đợt tham vấn riêng của bộ ngành với TCTCT, chứ chưa tổ chức nghiên cứu, tham vấn sâu các đối tượng có liên quan để tiếp tục đề xuất thêm các phương án đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, có bộ ngành vẫn đề nghị duy trì các TTHC với lý do bảo đảm mục tiêu quản lý chung chung và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Còn nhiều lúng túng

Tại cuộc họp giao ban, đại diện các bộ ngành cũng đã thẳng thắn bày tỏ những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 25. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường băn khoăn, kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội khóa XII dự kiến sẽ thông qua một số dự luật quan trọng, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 25, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, trình Chính phủ một luật sửa đổi nhiều luật và báo cáo ra Quốc hội. Do vậy, có thể trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới Luật Khoáng sản lại tiếp tục sửa đổi thì có phù hợp hay không.

Tổ công tác Đề án 30 của các bộ ngành Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị cho lùi thời điểm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTHC. Họ cho rằng, nội dung đơn giản hóa của 258 TTHC ưu tiên có liên quan nhiều đến phương án đơn giản hóa của các TTHC còn lại. Vì thế, việc lùi thời điểm sửa đổi các thủ tục ưu tiên là để thực hiện đồng thời với tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa các TTHC còn lại, tránh phải sửa nhiều lần cùng 1 văn bản. Hay như phân tích của Bộ Giao thông vận tải: “Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một TTHC trong một nhóm các TTHC có liên quan đến nhau thì không giải quyết được cơ bản các vướng mắc hiện nay hoặc thiếu đồng bộ”.

Theo phương án đơn giản hoá của Nghị quyết 25, TTHC “Đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng” thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được bãi bỏ. Điều đó có nghĩa, chính Nghị quyết 25 đã trái với Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Mặt khác, tại phần trách nhiệm thực thi phương án đơn giản hoá, Nghị quyết 25 chỉ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 28/2005/NĐ-CP ngày 9/3/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam. Còn việc thực thi phương án bỏ thủ tục đăng ký kinh doanh đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác chưa rõ có phải sửa đổi không lại chưa được quy định tại Nghị quyết 25.

Cẩm Vân