Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: Lo gánh nặng ngân sách

24/08/2010
Nên có chính sách hỗ trợ nhưng không nên mở quá rộng vì “tiền đâu cho xuể” là lo lắng của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển và nhiều thường vụ khi cho ý kiến vào dự án Luật Phòng chống mua bán người (PCMBN).

Phải huy động nhiều người để tố giác tội phạm

Qua những con số được thể hiện trong tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày trước phiên họp đã cho thấy, tình hình tội phạm về mua bán người ngày càng đáng lo ngại cả về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng.

Một trong những nội dung quan trọng trong việc phát hiện tội phạm MBN là nguồn tin báo của các tầng lớp nhân dân. “Nên quy định mọi công dân biết thông tin hoặc phát hiện dấu hiệu của tội phạm MBN thì phải có nghĩa vụ báo cho cơ quan chức năng” - Đại diện Bộ đội biên phòng góp ý. “Ngoài cán bộ của UBND xã, cần quy định tất cả cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội phải có trách nhiệm tiếp nhận tin báo vì ở khu vực đường biên, hay vùng sâu, xa tìm được UBND cấp xã là cả một vấn đề”, Ông này nói thêm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị. “Cần quy định thời hạn xử lý tố giác, tin báo ngắn hơn, với thủ tục đơn giản hơn, kết hợp với các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân”

“Tiền đâu cho xuể”

“Công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về còn nhiều lúng túng và bị động, đến nay, mới có 30% trên tổng số nạn nhân được hỗ trợ kinh phí tái hòa nhập cộng đồng”, tờ trình của Chính phủ chỉ rõ.

Để hỗ trợ, giúp đỡ cho các nạn nhân của việc MBN, Dự thảo Luật dành nhiều quy định về các chế độ hỗ trợ nạn nhân như về chỗ ăn, ở, chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, học nghề; trợ cấp vay vốn…. Đặc biệt, tại khoản 2 Điều 17 dự thảo quy định “Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp nhận người đến khai báo; hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú”.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng không đồng ý: ngân sách cấp xã hiện nhiều nơi là con số không. Cán bộ xã đi công tác còn không có tiền, huống hồ hỗ trợ. Một xã ở Hà Giang mà hỗ trợ cho nạn nhân về tận Đồng Tháp, lấy đâu ra… “Mà có phải nạn nhân nào cũng cần hỗ trợ đâu, nhiều người là con nhà giàu có, chỉ cần alô một tiếng là người thân đến đón về”. Ông Vượng nói “cái gì cũng động đến tiền và người thì khó quá”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển tỏ ra “căng thẳng” hơn: phạm vi hỗ trợ nạn nhân rộng quá. Trong xã hội ta có rất nhiều đối tượng yếu thế nhưng thực tế họ cũng không được hưởng đẩy đủ các chế độ hỗ trợ vì nguồn ngân sách hạn chế. Ủng hộ chủ trương nên có hỗ trợ nhưng ông Hiển đề nghị phải “khoanh” lại, trong phạm vi ngân sách có thể lo được để tránh quá tải và tránh việc lợi dụng chủ trương nhân đạo này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng tình: đặt ra việc hỗ trợ là rất tốt nhưng nạn nhân được ưu đãi nhiều giống như ưu đãi “người có công”, Phó Chủ tịch ví von.

Còn chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần cụ thể trong Luật đối tượng nào được hỗ trợ và hỗ trợ trong điều kiện ngân sách có thể.

Giải đáp băn khoăn của nhiều thường vụ, cuối phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rõ: thực tế việc hỗ trợ nạn nhân đã được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi đưa vào dự thảo Luật thì phạm vi đã được mở rộng hơn. “Chúng tôi sẽ tính toán để đảm bảo tính khả thi của các biện pháp hỗ trợ, phù hợp với Luật Ngân sách. Dự thảo cũng sẽ bổ sung thêm quy định nếu không phải là nạn nhân mà nhận hỗ trợ thì phải bồi hoàn, thậm chí bị xử phạt”, Bộ trưởng nói.

Thu Hằng

Theo Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004 - 2009), cả nước đã xảy ra 1.586 vụ, 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 nạn nhân... So với 05 năm trước, thì tăng 1.090 vụ, 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân. Đáng chú ý là tình trạng buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nam giới xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương. Thêm vào đó, cũng đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong. Có đến 60% nạn nhân phải tự giải cứu mình khi bị mua bán.