Một số quy định về đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, thu hồi giấy phép hoạt động

31/07/2017
Việc bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47; điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012- viết tắt Luật Luật sư năm 2012). Thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân, tại khoản 4 Điều 50 Luật Luật sư năm 2012, quy định: “Trường hợp luật sư chấm dứt việc hành nghề thì Sở Tư pháp thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư.”. Riêng với trường hợp thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Luật sư năm 2012 không quy định, mặc dù, phạm vi điều chỉ của Luật Luật sư năm 2012 ghi rõ: “Luật này quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý luật sư và hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.”. Nội dung dung thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/11/2013 (viết tắt Nghị định 123/2013/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư, Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 hướng dẫn thi hành các quy định của Luật luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và Điều 3, Điều 5 của Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 17; khoản 1 Điều 40; khoản 1 Điều 41 Nghị định 123/2013/NĐ-CP, có quy định các trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, trong đó, có quy định bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động; Giấy phép thành lập; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam  theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2015 (viết tắt Nghị định 67/2015/NĐ-CP). Theo đó, một trong những đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 2 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, gồm: Luật sư; Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; Tổ chức hành nghề luật sư; Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
1.Đối với cá nhân
-Nhóm các hành vi  bị coi là vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam
từ 01 tháng đến 03 tháng, theo quy định tại khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, bao gồm các hành vi:
+ Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;
+ Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên.
+Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư.
-Nhóm các hành vi  bị coi là vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng, theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, đối với một trong các hành vi sau:
+Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc ký hợp đồng thiếu một trong các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Luật luật sư;
+Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ, việc;
+ Cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;
+ Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;
+ Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
+ Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật.”
          2. Đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam
Nhóm các hành vi  bị coi là vi phạm hành chính trong hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động; Giấy phép thành lập từ 01 tháng đến 03 tháng, theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, bao gồm các hành vi sau:
+ Cho người không phải là luật sư của tổ chức mình hành nghề luật sư dưới danh nghĩa của tổ chức mình;
+ Hoạt động không đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam hoặc hoạt động không đúng trụ sở đã đăng ký;
+ Cho tổ chức khác sử dụng giấy đăng ký hoạt động, giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh công ty luật nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động luật sư.
+Thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý tại văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư;
+Không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;
Qua nghiên cứu các quy định trên, tác giả thấy rằng pháp luật hiện hành quy định việc thu hồi;  bị thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư; Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; …còn tồn tại một số bất cập, như: quy định không rõ ràng, thiếu sự phân biệt rạch ròi giữa thu hồi – bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Giấy phép thành lập…, Chẳng hạn như: khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định:  Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi khi tổ chức hành nghề luật sư thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Chấm dứt hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 của Luật luật sư;
b) Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
c) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động;
d) Không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 06 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động;
đ) Hết thời hạn tạm ngừng hoạt động theo định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật luật sư mà tổ chức hành nghề luật sư không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động.”
Khoản 1 Điều 47 Luật Luật sư năm 2012, quy định: Tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
“a) Tự chấm dứt hoạt động;
b) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động;
c) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Công ty luật bị hợp nhất, bị sáp nhập;
đ) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết.”
Từ quy định này, có thể thấy nhà làm luật chia ra hai trường hợp mà tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động. Trường hợp thứ nhất: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư, khi tổ chức đó tự chấm dứt hoạt động; Công ty luật bị hợp nhất, bị sáp nhập; Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết (điểm a, d, đ khoản 1 Điều 47); Trường hợp thứ hai: Tổ chức hành nghề luật sư bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, khi thuộc điểm b, c khoản 1 Điều 47 Luật Luật sư năm 2012. Tương tự như vậy, việc thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định Nghị định 123/2013/NĐ-CP cũng chưa có sự phân biệt rõ ràng, thiếu cụ thể.
Thứ nhất, như đã đề cập, Luật Luật sư năm 2012 chỉ quy định việc thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư đối với trường hợp luật sư chấm dứt việc hành nghề. Quy định này có thể xem như vừa là trường hợp chấm dứt hoạt động hành nghề với tư cách cá nhân của luật sư bằng việc luật sư tự nguyện chấm dứt hoạt động hành nghề của mình, vừa là hậu quả pháp lý của việc cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư. Chẳng hạn như, do không bảo đảm về sức khỏe, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đã có đơn gửi đến Sở Tư pháp, Đoàn luật sư địa phương nơi gia nhập. Theo nguyện vọng cá nhân, Sở Tư pháp sẽ ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư. Như vậy, theo tác giả trường hợp này không thể gọi là bị thu hồi. Trong khi đó, thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp mà lẽ ra cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư, như: Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, ngoài việc bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng (theo khoản 2, khoản 7 Điều 6 Nghị định 67/2015/NĐ-CP); bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất tích;…Dù rằng, Điều 18 Luật Luật sư năm 2012 có quy định các trường hợp Chứng chỉ hành nghề luật sư bị thu hồi, nhưng thực tế Luật Luật sư năm 2012 và  Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp, hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư, đều không có quy định nào, mà theo đó, khi Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đã cấp, thì đồng thời Sở Tư pháp cũng thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc Giấy đăng ký hoạt động; Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề, trước đó đã cấp cho luật sư bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề.
Luật Luật sư năm 2012, Nghị định 123/2013/NĐ-CP đều không quy định phải thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư với những trường hợp vừa nêu trên, chính vì vậy, cơ quan chức năng tỏ ra khá lung túng khi xử lý tình huống mà lẽ ra cùng với việc xử phạt vi phạm, thì phải bị thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư là mới thỏa đáng. Dù biết rằng, Chứng chỉ hành nghề luật sư là cơ sở pháp lý, là “nền tảng” để luật sư được xem xét cấp Giấy đăng ký hành nghề hoặc Giấy đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư, do vậy, khi luật sư bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề, thì các giấy đăng ký đó cũng mặc nhiên không còn “hợp lệ”, nếu cá nhân, tổ chức hành nghề đó tiếp tục hoạt động. Chính vì lẽ đó, việc khắc phục bất cập này là cần thiết.
Mặt khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, không quy định việc thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giấy đăng ký hoạt động,… là hình thức xử phạt vi phạm và cũng không coi đó là biện pháp khắc phục hậu quả. Mà việc thu hồi nói chung chẳng qua là thủ tục hành chính, theo nguyên tắc cơ quan nào có thẩm quyền cấp thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi, nếu hội đủ điều kiện pháp luật đã quy định trường hợp phải thu hồi. Theo tác giả, việc quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, phải bị thu hồi Giấy đăng ký hành nghề trong những trường hợp, như: Vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất tích;… là rất cần thiết, vừa là cơ sở pháp lý vừa bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng trong thực tiễn. Vấn đề đặt ra, do Luật Luật sư hiện hành không quy định, do vậy cần thiết được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định vấn đề vừa nêu.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 47 Luật Luật sư năm 2012, việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, cụ thể Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh hoàn toàn chưa đề cập đến các trường hợp, như: Người đại diện hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư, kể cả người đại diện hợp pháp của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư đó; các sáng lập viên của công ty luật hợp danh, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị Tòa án tuyên bố mất tích; tổ chức hành nghề luật sư “đóng cửa” không hoạt động liên tục từ trên 06 tháng mà không báo cáo với Đoàn luật sư, Sở Tư pháp trực tiếp quản lý; Công ty luật hợp danh khuyết thành viên sáng lập (không đủ số lượng ít nhất 02 luật sư thành lập) mà không thể bổ sung trong thời hạn từ 06 tháng trở lên;…Mặc dù, theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 18 Luật Luật sư năm 2012, người đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sự. Nhưng không có nghĩa việc luật sư bị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư, thì Sở Tư pháp cũng thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư đó. Phải chăng đây là bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện?. Bởi chỉ với lỗi vi phạm hành chính, như cho người không phải là luật sư của tổ chức mình hành nghề luật sư dưới danh nghĩa của tổ chức mình mà theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, đối tượng vi phạm bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư; bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh hành nghề luật sư. Trong khi đó, vi phạm pháp luật hình sự, bị truy cứu trách nhiệm hình sự là tội phạm được quy định trong BLHS, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn nhiều so với vi phạm hành chính, mà pháp luật lại không quy định bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư vi phạm rõ là không công bằng, pháp luật thiếu nghiêm minh.
Thứ ba, một trong những căn cứ ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đó là, Luật Luật sư ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư ngày 20/11/2012. Nhưng nội dung các quy phạm của Luật Luật sư năm 2012, không có điều khoản nào quy định việc thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài. Theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Luật sư năm 2012, chỉ thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân trong trường hợp luật sư đó tự chấm dứt việc hành nghề của mình, mà không có quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân bị thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư. Nghị định 123/2013/NĐ-CP cũng không có điều khoản nào quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân bị thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư, nếu bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nhưng Nghị định số 67/2015/NĐ-CP lại có quy định tước quyền sử dụng hoặc giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra, những nội dung Luật Luật sư hiện hành không có quy định, nhưng Nghị định của Chính phủ lại quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo hướng bất lợi cho chủ thể bị áp dụng, như vậy là chưa phù hợp, không bảo đảm cơ sở pháp lý, không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 14; khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”. Trong khi đó, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn với trường hợp này là Luật Luật sư năm 2012.
Xin nhấn mạnh rằng, việc quy định phải thu hồi Giấy đăng ký hành nghề của luật sư với tư cách cá nhân; Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, đối với trường hợp có hành vi hành chính và theo quy định bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hành nghề luật sư; Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam; tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động; Giấy phép thành lập của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, là cần thiết, vì đó là một trong những biện pháp xử lý hành vi vi phạm hành chính thể hiện tính nghiêm minh và bảo đảm sự công bằng trong xử lý vi phạm không phân biệt luật sư trong nước hay luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; không phân biệt tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam với tổ chức hành nghề luật sư trong nước, nếu đã vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều bị xử lý như nhau. Như vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ban hành quy định xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ thể và các hình thức xử lý vừa nêu, theo tác giả, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã nêu vào Luật Luật sư năm 2012. Nếu được như vậy, chắc chắn rằng hệ thống các quy định của pháp luật về luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong các văn bản quy phạm pháp luật (Luật, nghị định, Thông tư) sẽ bảo đảm tính thống nhất cao.
Thứ tư, nghiên cứu cho thấy nhiều quy phạm thực định của Luật Luật sư năm 2012 còn ở dạng khung, do vậy, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phải ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, điều đó cho thấy độ “tản mát” các quy phạm có liên quan rất rộng. Hơn nữa, bố cục sắp xếp các quy định thiết kế ở các điều, khoản trong Luật Luật sư năm 2012 nói chung, quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nói riêng chưa bảo đảm tính chặt chẽ, logic và khoa học, bởi như đã đề cập ở phần trên, còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh lĩnh vực này, như: Quy định về thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân, Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài; còn sự trùng lắp về câu chữ ở nhiều điều khoản mà có thể đơn giản hơn bằng phương pháp dẫn chiếu; …Từ nhận thức đó, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012, nội dung liên quan đến thu hồi và chấm dứt hoạt động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh, công ty luật nước ngoài, luật sư nước ngoài, theo hướng sau:
Một là, sắp xếp lại và bổ sung quy định mới thành một điều luật quy định về thu hồi giấy đăng ký hành nghề luật sư; giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, theo hướng vừa phù hợp với tên gọi của điều luật, vừa bao quát về nội dung , vừa bảo đảm tính logic. Điều luật này có thể là Điều 46a, với tên gọi “Thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư; giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài”
Hai là, thiết kế điều luật mà nội dung có ý nghĩa như hậu quả pháp lý của các trường hợp bị thu hồi các loại giấy đăng ký, giấy phép như vừa đề cập; tạm ngưng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất nội dung của Luật, như phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư năm 2012 đề ra tại Điều 1.
Như vậy, với ý tưởng này của tác giả, sẽ có sự sắp xếp điều chỉnh vị trí nội dung quy định của các khoản, điều trong Luật Luật sư năm 2012, theo từng nhóm vấn đề riêng biệt cho phù hợp với tên gọi của điều luật, mà theo đó, quy định tại ý 2 khoản 4 Điều 50; điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Luật sư hiện hành thành quy định tại Điều 47 (hoàn toàn mới) với tên gọi “Chấm dứt hoạt động của luât sư hành nghề với tư cách cá nhân; tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh, công ty luật nước ngoài; luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam”; Bổ sung mới Điều 46a với tên gọi “Thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư; giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài”. Bổ sung Điều 82a với tên gọi “Tạm ngưng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài”. Sau khi được sửa đổi, bổ sung các điều luật vừa nêu có thể viết như sau:
“Điều 46a. Thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư; giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài
1. Thu hồi Giấy đăng ký hành nghề của luật sư thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất tích.
b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này.
2. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tưc quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
b) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất tích hoặc không còn thường trú tại Việt Nam;
đ) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế hành vi dân sự;
e) Không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không báo cáo với Đoàn luật sư, Sở Tư pháp trực tiếp quản lý;
f) Công ty luật hợp danh không đủ số lượng ít nhân 02 luật sư thành lập, mà không thể bổ sung trong thời hạn từ 06 tháng trở lên.
g) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động;
h) Hết thời hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Luật sư tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động.
3. Thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài khi chi nhánh, công ty luật nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tưc quyền sử dụng Giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Hết thời hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 82a của Luật Luật sư mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động.
c) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm e, g khoản 2 Điều này.
4. Thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài khi luật sư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không đủ điều kiện hành nghề tại Việt Nam theo quy định tại Điều 74 của Luật luật sư;
b)Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
c) Bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất tích.
b) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
d) Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
5. Bộ Tư pháp quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài;
6. Sở Tư pháp quyết định thu hồi Giấy đăng ký hành nghề luật sư; Giấy đăng ký hoạt động, Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài .”
 “Điều 47. Chấm dứt hoạt động của luât sư hành nghề với tư cách cá nhân; tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh, công ty luật nước ngoài; luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam
1.Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh, công ty luật nước ngoài; luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Tự chấm dứt hoạt động theo nguyện vọng;
b) Bị thu hồi Giấy đăng ký hành nghề, giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký chí nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài;
c) Công ty luật bị hợp nhất, bị sáp nhập.
2. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này thì chậm nhất là ba mươi ngày, trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh.
Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng. Trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.
Tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư  phải báo cáo bằng văn bản cho Sở Tư pháp và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoàn tất thủ tục nói trên; nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 46a thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.
Tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư phải báo cáo bằng văn bản cho Sở Tư pháp và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoàn tất thủ tục nói trên và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Trong trường hợp tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 46a Luật này thì chậm nhất là ba mươi ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở.
Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ khác; thực hiện xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, người lao động khác; giải quyết xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoàn tất thủ tục nói trên; nộp lại Giấy phép thành lập cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trong thi hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo bằng văn bản của chi nhánh, công ty luật nước ngoài, Bộ Tư pháp quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài.
5. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài do bị thu hồi Giấy phép thành lập quy định tại khoản 3 Điều 46a của Luật này thì chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải nộp đủ sthuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ khác; thực hiện xong thủ tục chấm dứt hp đồng lao động đã ký với luật sư, người lao động khác; giải quyết xong hp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, trừ trường hp có thỏa thuận khác.
Chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoàn tất thủ tục nói trên và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp.
6. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Giấy  phép thành lập, cơ quan có thẩm quyền thu hồi có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, công ty luật nước ngoài đã đăng ký hoạt động về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Giấy phép thành lập. Việc giải quyết quyền, nghĩa vụ về tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
“Điều 82a. Tạm ngưng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài
1. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có quyền tạm ngừng hoạt động nhưng phải báo cáo bằng văn bản về việc tạm ngừng và tiếp tục hoạt động với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động chậm nhất là 30 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 02 năm.
2. Báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động có những nội dung chính sau đây:
a) Tên chi nhánh, công ty luật;
b) Số, ngày, tháng, năm cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật;
c) Địa chỉ trụ sở;
d) Thời gian tạm ngừng hoạt động, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng hoạt động;
đ) Lý do tạm ngừng hoạt động;
e) Báo cáo về việc thanh toán nợ, giải quyết các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng và hợp đồng lao động đã ký với luật sư, người lao động khác của chi nhánh, công ty luật.
3. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.
4. Trong trường hp công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động thì các chi nhánh của công ty luật đó cũng phải tạm ngừng hoạt động.
 
Ths.LS Lê Văn Sua