Dự thảo Nghị định về Bán đấu giá tài sản: Hạn chế thành lập Hội đồng

01/10/2009
Mặc dù đã được đưa ra lấy ý kiến, song những vấn đề được coi là “sống còn” của Dự thảo Nghị định Bán đấu giá tài sản (BĐGTS) vẫn gây  nhiều tranh cãi pháp lý quyết liệt. Hôm qua (ngày 30/9), tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan về Dự thảo nói trên.

Hội đồng Bán đấu giá - Người bảo dẹp, người bảo không

Ngoài Trung tâm dịch vụ và doanh nghiệp BĐGTS theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về BĐGTS, có hai loại Hội đồng “được phép” tồn tại. Tuy nhiên, theo tổng kết của Bộ Tư pháp thực tế có rất nhiều Hội đồng cùng BĐGTS ở cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra còn có các Trung tâm thuộc nhiều ngành cũng đứng ra BĐGTS gây nên sự “hỗn loạn” trong môi trường đấu giá. Đặc biệt dẫn đến mất kiểm soát, khả năng thất thu cho ngân sách nhà nước rất lớn.

“Tài sản tịch thu do vi phạm hành chính không nên giao cho Hội đồng bán vì đó là tài sản nhà nước, dễ thất thoát”, Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp lên tiếng.

“Nhưng, kẹt nỗi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã “chốt” rồi, chỉ tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên mới giao cho Trung tâm dịch vụ BĐGTS”, ông Đặng Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính phân trần. “Thế thì phải đặt vấn đề sửa Pháp lệnh, cứ giao cho Trung tâm hoặc doanh nghiệp bán, còn bán không đúng trình tự thủ tục quy định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Tuyến tiếp tục.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Nhuần, Văn phòng Chính phủ lại cho rằng vẫn phải tồn tại Hội đồng nhưng ở phạm vi hẹp. “thành phần Hội đồng cấp tỉnh nên quy định bắt buộc phải có cán bộ Trung tâm BĐGTS tham gia và người này phải là nòng cốt”, ông Nhuần đề nghị. “Với các tài sản nhỏ, ở cấp huyện hoặc xã, Trung tâm không kham hết được thì vẫn phải lập Hội đồng”.

Dự thảo Nghị định mới nhất hiện nay đang quy định theo hướng: ở cấp huyện Hội đồng BĐGTS thành lập để bán những tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; và Hội đồng BĐG trong trường hợp đặc biệt được thành lập để BĐGTS nhà nước có giá trị đặc biệt lớn, phức tạp mà không thuê được tổ chức BĐG chuyên nghiệp.

“Giằng co” với Luật Thương mại

Mặc dù Dự thảo Nghị định BĐGTS đã được Bộ Tư pháp gấp rút hoàn thiện để đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ tuy nhiên, nhiều vấn đề được coi là ‘sống còn” của Nghị định vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Trong đó nổi lên là giải quyết mối quan hệ với Luật Thương mại.

 “Dự thảo Nghị định có nhiều điểm “vênh” so với Luật Thương mại hiện hành, các hình thức BĐGTS, hàng hóa cũng hẹp hơn Luật”, ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương nhận xét. Ông Sơn đề nghị làm rõ Nghị định này nếu là hướng dẫn Luật Thương mại thì phải đảm bảo độ tương thích, nếu không phải rà soát lại để bỏ đi những quy định không phù hợp.

Đa số các ý kiến tham dự cuộc họp không đồng ý quan điểm Nghị định này hướng dẫn Luật Thương mại vì cho rằng không có lý do gì để làm việc này. Luật Thương mại có 29 điều liên quan đến đấu giá hàng hóa, và trong quá trình thực hiện không có mắc mớ phát sinh.

 “Phải làm rõ đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại có khác đấu giá tài sản theo Bộ luật Dân sự không”, ông Đặng Thanh Sơn đề nghị. Theo ông Sơn, đó không chỉ là vấn đề về trình tự thủ tục mà còn là câu chuyện về quản lý.

Hiện nay theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, thì Bộ Tư pháp được giao quản lý hoạt động BĐGTS. Tuy nhiên theo Luật Thương mại, Bộ Thương mại quản lý hoạt động mua bán hàng hóa. Hai khái niệm này không thể lẫn lộn và phải phân định rõ ràng. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi Luật Thương mại.

 “Không thể áp dụng các quy định của Luật Thương mại cho những tài sản đặc biệt vì Luật này chỉ quy định BĐG hàng hóa của thương nhân (chủ sở hữu tài sản ở phạm vi rộng hơn Dự thảo Nghị định), sẽ xảy ra thất thoát cho ngân sách nhà nước”, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp giải trình. “Nghị định này tiếp cận theo hướng quy định một thủ tục chung áp dụng cho tất cả các loại tài sản BĐG, trong đó có những quy định về trình tự thủ tục riêng cho các loại tài sản đặc biệt”, bà Yến nói.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính lưu ý, việc xây dựng Nghị định theo quan điểm nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc cốt lõi của Bộ luật Dân sự là tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản. Chỉ khi nào họ lựa chọn hình thức BĐG theo quy định của Nghị định thì mới buộc họ phải tuân thủ trình tự, thủ tục của văn bản này.

Bình An