Hợp tác pháp luật với Đức: Nhu cầu lớn của Việt Nam

23/09/2009
Sáng 21/9, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) và Viện KAS – 2 cơ quan đầu mối – đã phối hợp tổ chức Hội nghị điều phối Chương trình 3 năm thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Khuyến khích những hình thức hợp tác mới

Trong lời khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, ngày 29/02/2008, Chính phủ 2 nước Việt Nam và CHLB Đức đã ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Triển khai Tuyên bố chung, 2 phía đã xây dựng Chương trình hợp tác 3 năm 2009-2011 do Bộ Tư pháp 2 nước làm cơ quan điều phối. Bên cạnh các hình thức hợp tác sẵn có, Chương trình 3 năm đặc biệt khuyến khích các đối tác bổ sung những hình thức hợp tác mới. Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị điều phối lần này có mục đích thúc đẩy các đối tác khẳng định việc tham gia thực hiện Chương trình và là dịp để các bên tiếp tục trao đổi, xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể, để các cơ quan đầu mối nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động hợp tác.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Rolf Schulze cho rằng, Hội nghị sẽ đưa đến sự năng động rất lớn cho sự hợp tác pháp luật giữa Đức và Việt Nam. Theo Đại sứ, Đức hợp tác với Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực nhưng ít lĩnh vực hợp tác nào lại sâu rộng như chương trình hợp tác về pháp luật. Bày tỏ sự vui mừng về sự nhiệt tình tham dự các buổi toạ đàm ở Đức của các cơ quan Việt Nam, ông Schulze nói, “đó là một sức ép về chính trị để chúng ta thực hiện Chương trình 3 năm một cách tốt đẹp”. Đại sứ hy vọng, chương trình 3 năm sẽ làm cả 2 bên hài lòng và gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, mức độ thành công đến đâu thì phụ thuộc vào các đối tác.

Nhu cầu hợp tác là rất lớn

Tham dự Hội nghị, đại diện TANDTC đề nghị được hỗ trợ để thực hiện một số hoạt động trong 2 năm 2009-2010 cho hai nhóm là nhóm TANDTC, TAND cấp tỉnh và nhóm TAND cấp huyện. Đối với nhóm 1 là nghiên cứu kinh nghiệm của Đức trong pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trong giải quyết khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các vụ án có oan sai, trong xét xử các vụ án liên quan đến người nước ngoài, tội phạm về công nghệ thông tin, tương trợ tư pháp; chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Đối với nhóm 2 là tập huấn thi hành Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, trang bị những nội dung và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ thẩm phán và thư ký trong quá trình giải quyết các tranh chấp lao động. Đồng tình với đề xuất trên, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, việc tăng cường năng lực cho toà lao động là rất cần thiết. Ngoài ra, đại diện Bộ này cũng mong muốn được đối tác Đức hỗ trợ nghiên cứu gia nhập và dịch tài liệu các công ước quốc tế cơ bản về lao động, có được bình luận của các chuyên gia đối với nội dung của dự luật lao động sửa đổi cũng như được hỗ trợ trong xây dựng đánh giá tác động đối với dự luật…

Đến từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), ông Lưu Tiến Dũng đề xuất được phía Đức trao đổi thông tin, kinh nghiệm về cơ cấu tổ chức, hoạt động, cơ chế xem xét, giải quyết những khiếu nại đối với luật sư, xây dựng tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của Đoàn Luật sư Đức, vai trò của luật sư Đức trong việc bảo vệ quyền lợi của thân chủ, trong cung cấp dịch vụ bồi dưỡng và đào tạo; tổ chức toạ đàm, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, cách thức tổ chức các hoạt động miễn phí như trợ giúp pháp lý…

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp đưa ra nhiều đề xuất rất thiết thực. Vụ Bổ trợ tư pháp tập trung vào lĩnh vực giám định tư pháp với mục tiêu trước mắt là xây dựng và triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp; bảo đảm trang thiết bị, phương tiện giám định cho các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở TƯ và địa phương… Bên cạnh kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật cũng như công tác xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật hướng tới một mục tiêu cụ thể là được hỗ trợ để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2004/NĐ-CP liên quan đến tổ chức pháp chế. Viện Khoa học pháp lý đề xuất Dự án “Nghiên cứu mô hình hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở CHLB Đức, EU và khả năng áp dụng trong điều kiện ở Việt Nam”. Cục Trợ giúp pháp lý mong muốn phía Đức hỗ trợ tăng cường năng lực của các tổ chức trợ giúp pháp lý ở 10 – 15 tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam về giám sát chất lượng dịch vụ, khảo sát, thống kê…

Cẩm Vân

Chương trình hợp tác 3 năm bao gồm 11 lĩnh vực lớn với 44 chủ đề hợp tác phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Việt Nam.

 

Một hoạt động trong Chương trình 3 năm là Dự án xây dựng Viện Pháp luật Đức tại trường Đại học Luật Hà Nội đã được xúc tiến và dự kiến khai trương vào tháng 3 hoặc tháng 4/2010. Đại diện Viện FES tại Hà Nội - đơn vị phối hợp với trường thực hiện Dự án kêu gọi, những tổ chức, cá nhân cống hiến những tài liệu pháp luật cho thư viện thuộc Viện Pháp luật Đức.