Góp ý Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Thẩm quyền mở rộng đến đâu?

25/09/2009
Góp ý Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Thẩm quyền mở rộng đến đâu?
Trong hai ngày 24, 25/9/2009, Nhà pháp luật Việt - Pháp phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Các chuyên gia Pháp cùng đại diện nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Ương và Hà Nội đã tham dự

Không nhất thiết cứ phải chọn Tòa án

“Chúng tôi đã từng giải quyết một vụ tàu nước ngoài va vào Cảng Sài Gòn. Nếu để Tòa giải quyết thì quy trình tố tụng sẽ rất mất thời gian, như thế thì không biết đến bao giờ tàu mới được giải phóng. Thiệt hại vật chất là vô kể”, mở đầu buổi thảo luận, ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khơi vấn đề.

Tuy nhiên, hai bên tranh chấp đã lựa chọn hình thức trọng tài thương mại và sau 10 ngày là giải quyết xong. Ông Chí bức xúc “Vậy thì lý do gì cứ buộc các bên phải đến Tòa án nếu tranh chấp đó không phải là hình sự”.

Pháp lệnh Trọng tài thương mại đang hạn chế thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp. Do đó, thay vì được thương lượng, thỏa thuận với nhau và Hội đồng trọng tài công nhận thì họ chỉ có cách duy nhất là đưa nhau ra tòa án.

Mặt khác, tại nhiều thành phố lớn, Tòa Kinh tế hiện cũng đang quá tải công việc, trong khi các Trung tâm trọng tài thì “đói” việc kinh niên. Một số thẩm phán cũng đã “ao ước” chuyển bớt việc cho Trung tâm trọng tài.

Ông Jean – Pierre Ancel, Chánh tòa danh dự Tòa án Tư pháp tối cao Cộng hòa Pháp chia sẻ: ở Pháp, nhiều hợp đồng không vì mục đích thương mại nhưng các bên vẫn có thể lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp (ví dụ hợp đồng nghề nghiệp giữa bác sỹ với bệnh viện, giữa các luật sư). Tòa án chỉ can thiệp trong hai trường hợp: thứ nhất hỗ trợ cho trọng tài và thứ hai là sau khi Hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết nhưng Tòa chỉ xem phán quyết đó có đúng trình tự luật định không chứ không phải xem lại nội dung vụ việc.

Ông Jean – Pierre Ancel cũng lấy làm tiếc nếu Việt Nam giới hạn trọng tài chỉ có thẩm quyền trong lĩnh vực “thương mại”.

Mở rộng đến đâu?

Với Dự thảo Luật Trọng tài thương mại mới nhất được chỉnh lý sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại đều được mở rộng hơn so với pháp luật hiện hành.

Dự thảo cũng đưa ra hai phương án, theo đó phương án thứ hai được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó Ban Dân chủ pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản bác: Tên luật không phù hợp với phạm vi điều chỉnh. Bởi khái niệm thương mại hiện nay là quá hẹp, không điều chỉnh cả những trường hợp tranh chấp mà một bên có hoạt động thương mại, bên kia thì không. Bà Hồng đề nghị, nếu mở rộng thẩm quyền thì nên chăng đổi tên là Luật Trọng tài.

Nhưng, nếu bỏ khái niệm thương mại, nhiều người cho rằng có thể tạo nên sự hiểu lầm vì hiện có rất nhiều loại trọng tài: trọng tài bóng đá, bóng chuyền…

“Chúng tôi đã từng có những bài học cay đắng về chuyện hạn chế thẩm quyền của trọng tài trong giải quyết tranh chấp”, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài Châu Á – Thái Bình Dương lên tiếng. Ủng hộ phương án mở rộng thẩm quyền nhưng ông Dũng phản đối việc cấm trọng tài giải quyết các tranh chấp về bất động sản vì quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế. “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lý giải với họ ra sao khi chúng ta loại những tranh chấp thuộc lĩnh vực này ra khỏi thẩm quyền trọng tài?”, ông Dũng băn khoăn.

Vấn đề này, bà Nguyễn Minh Hồng nêu sáng kiến: chỉ nên giới hạn một trong hai bên chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định về đất đai.

Thu Hằng

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài:

1.Tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng.

2.Các tranh chấp sau không thuộc thẩm quyền của trọng tài:

a, tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, đến quan hệ hôn nhân gia đình và thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình

b, tranh chấp liên quan đến việc phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản

c, tranh chấp về bất động sản

d, tranh chấp giữa các chính phủ, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác

đ, tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác theo quy định của pháp luật

(phương án 2 Điều 2 Dự thảo Luật trọng tài thương mại)