Dự án luật Nuôi con nuôi: Công nhận con nuôi thực tế

04/09/2009
Phối hợp với UNICEF và tổ chức Holt, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn về dự án luật Nuôi con nuôi. Đây là một dự án luật rất được quan tâm khi tham dự hội thảo có mặt đông đủ đại diện các sở, ban ngành từ 24 tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, ngày 17/8 vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Nuôi con nuôi và dự kiến đầu tháng 9, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật này. Vì vậy, để đảm bảo thông tin kịp thời và hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật trước khi trình xin ý kiến của Quốc hội, việc lấy ý kiến tham vấn về những nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của dự thảo Luật là rất cần thiết để Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý.

Theo Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh, dự thảo Luật có 5 điểm mới cơ bản là điều chỉnh thống nhất các vấn đề về nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; quy định rõ ràng hệ quả pháp lý của 2 hình thức nuôi con nuôi đơn giản và nuôi con nuôi trọn vẹn; tăng cường nuôi con nuôi trong nước; đổi mới cách thức giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài; cho phép đăng ký đối với nuôi con nuôi thực tế.

Trao đổi về vấn đề cho phép đăng ký đối với nuôi con nuôi thực tế, ông Khanh cho biết: Trên thực tế hiện nay có nhiều trường hợp con nuôi thực tế nhưng vì lý do nào đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có trường hợp con nuôi diễn ra trước giải phóng hoặc trước và sau khi Luật Hôn nhân – Gia đình có hiệu lực mà cho đến nay người dân chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nếu tiếp tục để kéo dài như vậy sẽ không giải quyết được dứt điểm vấn đề này, không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của cha mẹ nuôi cũng như của con nuôi. Trong Dự thảo lần này, Điều 56 về điều khoản chuyển tiếp quy định công nhận con nuôi thực tế theo hướng, nếu việc nuôi con nuôi trên thực tế giữa người dân với nhau mà quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã phát sinh rồi thì được khuyến khích đi đăng ký trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực. Phương án này mà được Quốc hội đồng ý thì trong thời hạn 5 năm đó, Chính phủ sẽ hướng dẫn người dân đi đăng ký và hướng dẫn đó sẽ tùy thuộc vào thực tiễn các vùng miền. Đương nhiên hết 5 năm, trường hợp nào không đi đăng ký thì sẽ không được nhà nước công nhận và bảo hộ nữa. Thủ tục, trình tự đăng ký như thế nào sau này Chính phủ sẽ hướng dẫn và sẽ quy định theo hướng đơn giản, có lợi cho người dân. Chẳng hạn, đối với đồng bào dân tộc ít người hoặc ở vùng sâu, vùng xa do nhận thức của người ta còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn thì có thể tổ chức những đợt đăng ký lưu động, có thể đến vùng có nhiều trường hợp để đăng ký hết cho các gia đình ở đó, chứ không nhất thiết yêu cầu người dân đến trụ sở Ủy ban. Như vậy, có thể giải quyết được tương đối triệt để vấn đề con nuôi thực tế.

Ông Khanh cũng cho biết, khó dự kiến được có bao nhiêu trường hợp con nuôi thực tế vì hiện nay chưa một địa phương nào có báo cáo về số liệu này. Tuy nhiên, nếu có nhiều thì chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì ở đó phong tục tập quán chi phối người dân nhiều hơn các quy định của pháp luật, mặt khác nhận thức của họ cũng có hạn. Theo ông Khanh, trong hoạt động xét xử tại tòa án Việt Nam, đã xảy ra không ít trường hợp tranh chấp trong quan hệ thừa kế giữa con đẻ của người chết với con nuôi thực tế chưa được đăng ký của người đó. Thực tiễn, Tòa án theo nguyên tắc bảo vệ lợi ích khách quan của người con nuôi, không phải lúc nào cũng theo quy định của pháp luật, nhất là trong trường hợp con đẻ vì lý do nào đó sống xa cha mẹ, không có điều kiện thực tiễn nuôi dưỡng, chăm sóc lúc cha mẹ già yếu, ốm đau hay khi cha mẹ chết đi không lo ma chay nhưng lại tranh chấp tài sản với người con nuôi phần lớn sống và chăm sóc, phụng dưỡng tốt cha mẹ hơn. Trong trường hợp đó, tòa án sẽ bảo vệ quyền lợi của người con nuôi chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng được cộng đồng dân cư xác nhận, người con nuôi có đóng góp nhất định vào khối tài sản chung của cha mẹ, có tình cảm yêu thương, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ nuôi. Tuy nhiên, nếu không có cách giải quyết dứt điểm thì chắc chắn những tranh chấp trong quan hệ thừa kế giữa con đẻ của người chết với con nuôi của người đó sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ông Khanh nhấn mạnh, dự luật thiên về hướng điều chỉnh con nuôi trong nước chứ không phải là con nuôi có yếu tố nước ngoài như nhận định của một số người. Chẳng hạn, từ chương những quy định chung đến chương thứ 2 và các chương sau chủ yếu điều chỉnh con nuôi trong nước, kể cả về số lượng các điều khoản về con nuôi trong nước cũng nhiều hơn. Con nuôi nước ngoài chỉ được coi là biện pháp thay thế cuối cùng thôi và được quy định rất gọn tại chương III. Chương III lại thiên về hướng quy định thủ tục là chính, còn những quy định về nội dung thường viện dẫn những quy định phía trên như chương những quy định chung, chương về con nuôi trong nước. Có những điều kiện phải áp dụng chung, ví dụ điều kiện cha mẹ nuôi người nước ngoài về nguyên tắc cũng phải tuân theo điều kiện cha mẹ nuôi Việt Nam, ngoài ra còn phải đáp ứng điều kiện theo luật của nước mà họ thường trú nữa, cũng như một số quy định đặc thù khác mà dự luật đã tính đến.

Hoàng Thư

Bà Nguyễn Thị Hà – đại diện tổ chức UNICEF: Hợp tác xây dựng luật pháp giữa UNICEF và Việt Nam dựa trên yêu cầu của Chính phủ và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của UNICEF. Vấn đề con nuôi là vấn đề được UNICEF rất quan tâm và chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Bộ Tư Pháp. Trong thời điểm thích hợp, tôi sẽ nói một cách chi tiết và chính xác hơn về việc hợp tác với Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng dự án Luật Nuôi con nuôi và thi hành sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

 

 Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh khẳng định, sự khác nhau giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước là không tránh khỏi và là điều bình thường. Để giải quyết sự khác nhau này sẽ theo các nguyên tắc: Một là theo nguyên tắc tư pháp quốc tế, dự thảo luật cũng đã dự tính một số điều khoản như áp dụng pháp luật nơi thường trú của cha mẹ nuôi để xác định điều kiện nuôi con nuôi hoặc nơi thường trú của con nuôi để xác định điều kiện của người con. Chẳng hạn, trẻ em thường trú tại Việt Nam thì rõ ràng phải theo luật Việt Nam để xác định độ tuổi. Còn độ tuổi của trẻ đi làm con nuôi thì pháp luật Việt Nam rất khác pháp luật của các nước để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của mỗi nước mặc dù Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi nhưng luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam thì trẻ em là người dưới 16 tuổi, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là thanh niên rồi. Qua nhiều lần báo cáo giải trình và trên các diễn đàn quốc tế, các nước đều hiểu điều kiện nước ta còn khó khăn nên các chế độ, chính sách ưu đãi đối với trẻ em còn ở mức độ nhất định. Khi nào điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam phát triển ngang bằng với nhiều nước thì chắc chắn độ tuổi của trẻ em sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế.