Toạ đàm: Giới thiệu và lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

01/09/2009
Ngày 31/8/2009, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tọa đàm xoay quanh dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tham dự toạ đàm có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và đại diện tổ chức JICA.

Theo dự thảo đưa ra thảo luận, trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây hại, dù chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại, với mức tối đa không quá 36 tháng lương của người đó. Ngay cả trường hợp do lỗi vô ý thì mức hoàn trả tối đa cũng là 3 tháng lương.

Tuy nhiên, theo đ/c Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử thì "rất khó đưa ra căn cứ pháp lý khi xác định mức hoàn trả". Đ/c Cường đề nghị tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính và một số ngành khác. Ngoài ra, Nghị định cần làm rõ "trong trường hợp cả người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường hay không ?".

Trong khi đó, chuyên gia Nhật Bản Ito Fuminori lại không đồng tình với mức 50% như dự thảo đề cập, bởi có thể dẫn đến trường hợp "lỗi vô ý thì phải hoàn trả 100% số tiền Nhà nước đã bồi thường trong khi trường hợp cố ý lại chỉ hoàn trả tối đa 50%".

Chuyên gia cho biết ở Nhật Bản, các trường hợp Nhà nước yêu cầu công chức hoàn trả theo quy định của Luật Bồi thường nhà nước là "vô cùng hiếm". Luật cũng không quy định cụ thể buộc công chức phải hoàn trả bao nhiêu tiền, nhưng về mặt nguyên tắc, "công chức cố ý làm trái pháp luật sẽ phải hoàn trả toàn bộ".

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư Pháp) Nguyễn Thanh Tịnh dẫn ra một nội dung được thảo luận nhiều, đó là Nhà nước sẽ không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại”.

Tuy nhiên, ông Ito cho rằng trường hợp công chức gây thiệt hại do lỗi cố ý và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Nhà nước càng phải bồi thường và quy định như dự thảo vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị gây thiệt hại". Theo ông Ito, vấn đề công chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên giải quyết ở khâu hoàn trả.

Những ý kiến đóng góp sẽ được đơn vị soạn thảo cân nhắc và đưa vào dự thảo.

L.H