Đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam: Dựa trên những nhóm căn cứ quan trọng nào?

02/10/2009
Đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam: Dựa trên những nhóm căn cứ quan trọng nào?
Nhằm vạch ra chiến lược cũng như hướng tới mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ/TƯ và sau đó gần 2 năm, ngày 21/3/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 900/UBTVQH11 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW. Cho đến nay cả hai Nghị quyết nói trên đã có một quãng thời gian đi vào thực tế với đầy đủ những thuận lợi và khó khăn nhất định, đòi hỏi phải có một sự đánh giá, nhận định chính xác, khách quan để tiếp tục cho một mục tiêu lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
 Phải nhìn vào sự gắn kết giữa các Chiến lược

Được sự hỗ trợ của Dự án VIE/02/015 của UNDP về Chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng  đến năm 2020, trong 2 ngày mùng 2-3/10, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức UNDP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tiêu chí và phương pháp sơ kết Nghị quyết số 48-NQ/TƯ và đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011-2020” tại thành phố Hạ Long. Các chuyên gia pháp lý đến từ Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu lập pháp – UBTVQH, Bộ Tư pháp, các cơ sở đào tạo luật học... đã có nhiều bài tham luận quan trọng nhằm tìm ra những hướng đi hiệu quả nhất cho chủ đề chính của hội thảo.

Theo TS. Đinh Dũng Sỹ - Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, để đánh giá được “quãng đường” mà 2 Nghị quyết 48 và 900 đã đi qua, cần thiết phải nhìn vào hiệu quả của sự gắn kết giữa việc thực hiện Chiến lược pháp luật với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách tư pháp và Chương trình cải cách hành chính. Sự gắn kết này được thể hiện cụ thể qua các nhiệm vụ, danh mục các đề án, dự án đã và đang được triển khai và hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong triển khai thực hiện các đề án, dự án này. Cũng theo ông Sỹ, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, việc đánh giá sẽ dựa trên kết quả triển khai thực hiện và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ, các đề án, dự án thuộc khu vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình. Cụ thể, là 5 nhóm nhiệm vụ: xây dựng pháp luật; tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật; kết quả hợp tác quốc tế xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Để kết quả đánh giá cuối cùng phải rút ra được là từng Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ đã làm được gì và chưa làm được gì so với yêu cầu đặt ra của 2 NQ, từ đó xác định nhu cầu hoàn thiện trong giai đoạn còn lại của Chiến lược (2011-2020) hoặc giai đoạn 2 (2011-2015).

Ở góc độ cơ quan lập pháp, TS. Vũ Hồng Anh – Viện Nghiên cứu lập pháp – UBTVQH đã đề xuất Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần đánh giá kết quả việc thực hiện 2 Nghị quyết số 48 và 900 thông qua các hoạt động đặc thù như thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; hoạt động giám sát việc thực hiện luật của Quốc hội, pháp lệnh của UBTVQH; hoạt động kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội . Theo ông Hồng Anh, sự nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, đúng đắn kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 900 nói riêng và cả hai Nghị quyết 48 và 900 nói chung của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua là rất cần thiết để từ đó đề ra các giải pháp thiết thực tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020.

Đề xuất cần dựa trên cơ sở đánh giá

Vì mục tiêu của Nghị quyết 48 là hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 nên hai nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện của Nghị quyết và đề xuất kiến nghị xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020 bao giờ cũng đi đối với nhau. Từ góc độ Bộ, ngành, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra căn cứ xây dựng đề xuất nhu cầu hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2011-2015. Theo đó, để có một đề xuất đầy đủ, chính xác và khoa học về nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật cho giai đoạn tiếp theo, các Bộ, cơ quan ngang bộ phải dựa trên 4 căn cứ. Đó là, báo cáo sơ kết giai đoạn 2005-2010(những thành tựu, những hạn chế, nguyên nhân và bài học); chiến lược pháp luật (xác định những định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật còn lại của Chiến lược sau giai đoạn 2005-2010 và lựa chọn những ưu tiên cho giai đoạn 2011-2015); chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 với trọng tâm hướng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; dự báo tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật của giai đoạn này, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã được dự báo và dự kiến. Có một điều cần lưu ý rằng, phạm vi, nội dung và phương pháp xây dựng đề xuất nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2015 phải được dựa trên đánh giá kết quả thực hiện 2 Nghị quyết 48 và 900. Điều này có nghĩa là hoạt động đánh giá, sơ kết và hoạt động đề xuất là hai phần không thể tách rời nhau.

 (Xuân Hoa, ảnh Nguyễn Văn Hiển - Viện Khoa học pháp lý)

Cần đánh giá cả việc nghiên cứu đề xuất, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp

Nghị quyết số 900 yêu cầu: “Trong trường hợp việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước có những nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 thì xúc tiến việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992…”. Thực tiễn của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, cấp phường, đề án cải cách tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp cho thấy mô hình tổ chức bộ máy nhà nước hiện hành có những điểm không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, những thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu xem xét, trong đó có những vấn đề liên quan đến Hiến pháp 1992. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi Hiến pháp đang là một vấn đề cấp thiết cần được đặt ra. Do đó việc sơ kết cần đánh giá cả việc nghiên cứu đề xuất, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp.  - TS Vũ Hồng Anh - Trưởng phòng Quản lý khoa học – Trung tâm NCKH, Viện Nghiên cứu lập pháp, UBTVQH