“Thử lửa” với nghề thi hành án

05/07/2013
Năm 2012, Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP.HCM có chủ trương luân chuyển chấp hành viên đến những khu vực án tồn đọng nhiều năm để hỗ trợ tháo gỡ. Anh Nguyễn Như Việt, Chấp hành viên sơ cấp, Chi cục THADS quận 12, TP.HCM là một trong những người hăng hái xung phong về Củ Chi hỗ trợ gỡ án tồn.

Tháng 4/2012, anh Nguyễn Như Việt nhận phân công biệt phái của Cục THADS TP.HCM để đến công tác tại Chi cục THA huyện Củ Chi. Nhà anh Việt ở Hóc Môn, tức cách trụ sở Cơ quan THA huyện Củ Chi chừng 24km. Vợ anh làm ở khu công nghiệp Bình Chiểu, Thủ Đức, và con thì đang ở tuổi phải đón đưa đi học. Riêng khoảng cách địa lý đã rất vất vả bởi tréo tuyến đường. Hỏi, xáo trộn chuyện nhà thế, thì sao còn xung phong đi, anh trả lời: "Làm cái nghề này phải chịu khó, càng đi nhiều địa bàn, càng va chạm thì càng có nhiều kinh nghiệm, có như vậy mới "lên tay", mới vững nghề được". Anh Việt kể, phần nữa là vợ anh hết sức thông cảm và ủng hộ công việc của chồng. Cha anh lại là một cán bộ tư pháp nhiều năm đã về hưu, vì vậy anh cũng không gặp khó khăn gì về phía gia đình.

Ngày đó, về Củ Chi, anh nhận hỗ trợ gỡ án của lần lượt hai chấp hành viên, địa bàn của anh là bốn xã: Phước Thạnh, Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ. Là đàn ông, nên ưu tiên cho chị em chấp hành viên nữ đi xã gần, anh nhận những xã xa xôi, biên giới. Mỗi ngày, tổng cộng anh đi đi về về các xã quãng đường dăm, bảy chục cây số là bình thường. "Chỉ hơi khó là việc tìm đường trong khi mình mù tịt địa bàn, chứ còn thuyết phục đương sự thì cũng không quá khó. Chỉ cần nắm vững nguyên tắc luôn bình tĩnh, mềm dẻo là được rồi", anh nói.

Không ít lần anh gặp những đương sự bất hợp tác . Chấp hành viên là nơi họ trút bao bực tức, giận dữ, kể cả oan sai của mình. "Có những đương sự chửi mình như tát nước vào mặt, xỉ vả không còn thiếu thứ gì. Làm chấp hành viên thì phải luôn biết thông cảm, nhưng phải biết giữ cái đầu lạnh. ... Chịu lắng nghe để người ta trút hết cho nhẹ rồi thuyết phục từ từ. Mình phân tích có lý có tình, thì dân người ta sẽ hiểu. Bởi thế, ngoài một số vụ án lớn, án khó, phải xuống thuyết phục nhiều lần, còn đa số án nhỏ thì kết hợp với cán bộ tư pháp, cán bộ địa phương, thuyết phục một lần là dân tự động lên THA ...", anh Việt chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Nhiều năm trong nghề THA, chấp hành viên Nguyễn Như Việt đã đúc kết được hai phẩm chất mà anh cho rằng "rất cần cho nghề". Đó là "Am hiểu pháp luật" và "Cái tâm nghề nghiệp". Anh nói, nghề THA , án càng khó thì cơ hội để học hỏi, trau dồi nghiệp vụ càng cao. Vào nghề, anh đã được thử lửa từ án nhỏ đến án lớn, từ thẩm định hồ sơ tới cưỡng chế trục xuất, từng va vấp với đủ thành phần xã hội từ trí thức ngang ngược cho đến giang hồ, nghiện ngập... Anh nói, nghề này mà không có lửa thì không cách nào trụ được. Vì vất vả thì nhiều, mà thu nhập vẫn chưa đảm bảo đời sống!

Thế nhưng, khi được hỏi, nếu Cục THA TP có kế hoạch điều động gỡ án tồn những vùng khác, xa hơn thì anh có đi không, anh khẳng định: Chắc chắn tôi sẽ đi. Máu lửa với nghề mà!

Ngọc Mai

Tham gia tích cực vào việc giải quyết án tồn đọng Chi cục THADS huyện Củ Chi  đã giải quyết được 237 việc bao gồm cả UT, ĐC, TĐ, thi hành xong về giá trị là 1.355.104.000 đồng, tỷ lệ giảm việc chuyển kỳ sau đạt 14%, góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu Cục giao cho Chi cục THADS huyện Củ Chi. Mới đây chấp hành viên Nguyễn Như Việt đã có mặt trong danh sách cá nhân đạt thành tích xuất sắc đột xuất đề nghị Bộ trưởng tặng bằng khen.