Chuyện "không lạ" của Tư pháp Long An

04/07/2013
Người dân đi làm giấy khai sinh cho con cái được cán bộ tư pháp chủ động làm thủ tục nhập hộ khẩu, làm luôn thẻ bảo hiểm y tế. Đi làm thủ tục khai tử thì được xoá hộ khẩu. Thanh niên đến nhận Giấy đăng kí kết hôn thì được tổ chức buổi lễ công nhận trang trọng, được học thêm nhiều kiến thức để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Những điều nghe rất "lạ tai" ấy thực ra lại là "chuyện quen" của Tư pháp Long An hơn 2 năm nay.

Dân khoẻ nhờ "ba trong một", "hai trong một"

8 giờ sáng, chị Trần Thị Kim Phượng, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, Long An chuẩn bị đến UBND xã để làm khai sinh cho hai đứa con gái sinh đôi. Ngoài những giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân của hai vợ chồng, chị không quên mang theo sổ hộ khẩu. Chị nói: Mang theo để cán bộ người ta nhập khẩu cho con mình, rồi sẵn người ta làm bảo hiểm y tế luôn. Chị còn nói thêm: “Từ ngày có cái mô hình này, đi làm khai sinh khoẻ re luôn!”.

Những người "khoẻ re" không chỉ có mình chị Phượng. Từ hơn hai năm nay, người dân huyện Bến Lức, Long An đã cảm nhận rõ cái dễ chịu của tinh thần "một cửa" thực sự. Trước đây, nói là "một cửa", nhưng những gì liên quan đến giấy tờ, thủ tục cũng chỉ là tinh gọn hơn, chứ không hoàn toàn giảm bớt số "cửa" mà dân phải kinh qua. Ví dụ như, đi làm giấy khai sinh cho con, chị Nguyễn Kim A. năm 2010 vẫn phải đến cán bộ tư pháp xã nộp hồ sơ đăng kí. Sau đó, nhận được giấy khai sinh rồi, chị lại lặn lội sang Công an xã đăng kí nhập khẩu cho con. Rồi thêm nữa, đến Cơ quan bảo hiểm xã hội để đăng kí bảo hiểm. Nhưng đó là trường hợp chị siêng năng, hiểu biết chút ít, chứ còn hàng xóm nhà chị, hầu hết người ta chỉ đăng kí khai sinh rồi thôi. Đến khi con bệnh, con đau mới uống quýt hỏi bảo hiểm xã hội nằm ở đâu, rồi lúc con chuẩn bị đi học, mới tất tả đi đăng kí nhập khẩu...

Chị Lê Thị Phi Yến là một cán bộ Hộ tịch trẻ ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An. Nói là trẻ, nhưng kinh nghiệm tiếp xúc với dân, thực hiện công tác hộ tịch cũng đã không ít năm. Quá trình tiếp xúc với dân, Phi Yến nhận thấy có hai vướng mắc mà người dân đến làm giấy khai sinh hay gặp: Thứ nhất, làm giấy khai sinh xong, rồi thôi, như trường hợp đã nói bên trên. Thứ hai, nhiều người dân làm giấy khai sinh xong, thắc mắc không biết làm sao để được nhập khẩu, làm bảo hiểm cho cháu bé. Giải thích cặn kẽ cho từng người hoài cũng mất thời gian mà không hiệu quả, Phi Yến nghĩ ra cách, cùng với phiếu hẹn thời điểm đến nhận giấy khai sinh, chị đính kèm một mảnh giấy nhỏ, có hướng dẫn thủ tục, cách thức và nơi chốn để người dân đi nhập khẩu và làm bảo hiểm cho trẻ. Sau đó, hướng dẫn này được "nâng" lên một bước, đó là in to hơn và dán ngay trước phòng đăng kí khai sinh cho người dân thấy rõ.

Chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó, và vậy thì coi như cũng tiện cho dân lắm rồi. Nhưng một đoàn kiểm tra của Phòng Tư pháp huyện, trong một buổi làm việc đã "để mắt" đến tờ giấy này. Do tính chất dân cư của Bến Lức, với kinh tế công nghiệp chiếm ưu thế, và đa phần người dân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, giờ làm việc là giờ hành chính, nên việc người dân mỗi khi đi đăng kí khai sinh, rồi hộ khẩu, rồi bảo hiểm cho con em, toàn vào giờ làm việc là hết sức mất thời gian. Nhiều người dân bỏ lửng chỉ làm mỗi giấy khai sinh cũng vì thế. Những cán bộ tư pháp giàu sáng tạo này đã ngẫm nghĩ: Thế thì, sao không tìm một cách nào đó đế giải quyết "cái khó" của dân.

Vậy là, từ một tờ giấy nho nhỏ, một sáng kiến, một mô hình đã ra đời. Như đã nói ở trên, là chuyện đi là khai sinh được nhập khẩu và làm luôn bảo hiểm y tế. Người trong ngành Tư pháp Bến Lức nói riêng, Long An nói chung rồi dần đến cả người dân, gọi vui đó là mô hình "ba trong một".

Cán bộ nhạy bén, dân được nhờ

Khởi điểm từ sáng tạo của cán bộ tư pháp huyện nhằm "gỡ khó" cho người dân, cách làm này đã được Phòng Tư pháp huyện Bến Lức báo cáo và trình đề án lên UBND huyện Bến Lức và Sở Tư pháp tỉnh Long An. Với phương châm luôn đổi mới để phục vụ dân, Sở Tư pháp tỉnh Long An đã ghi nhận sáng kiến trên, và đồng ý thực hiện thí điểm mô hình "ba trong một" tại hai địa bàn: Thị trấn Bến Lức và xã Lương Hoà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, là hai xã tập trung nhiều khu công nghiệp và có đông người dân làm công nhân.

Để việc thực hiên mô hình được trôi chảy và đạt hiệu quả cao nhất, Phòng Tư pháp huyện đã có sự hội ý và sau đó là phối hợp chặt chẽ với hai cơ quan liên quan là Công an huyện và Phòng Lao động, thương binh & xã hội. Thí điểm được thực hiện vào tháng 6/2010, sau ba tháng có kết quả tốt đẹp, rồi được nhân rộng lên toàn huyện. Đến năm 2011, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện mô hình.

Giải thích rõ hơn về mô hình "ba trong một", ông Võ Minh Thành, Phó giám đốc Sở Tư pháp Long An chia sẻ: "Gọi vui "ba trong một", thực chất đây là quá trình khép kín việc thực hiện 3 thủ tục riêng biệt thành một thủ tục duy nhất, dễ thực hiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ theo luật định. Khi đi đăng kí khai sinh cho trẻ. Người dân chỉ cần đến bộ phận một cửa của UBND xã, thị trấn, cán bộ tư pháp sẽ tiếp nhận hồ sơ, rồi chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để thực hiện việc nhập khẩu, sang cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thẻ bảo hiểm y tế nhằm cho trẻ được khám chữa bệnh miễn phí đúng với quyền lợi của mình”. Tức là, thay vì như trước kia, người dân sau khi đi lấy giấy khai sinh như đã hẹn, sau đó, sang cơ quan Công an để làm thủ tục nhập khẩu, rồi tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội, thì nay, tất cả ba việc ấy được "giao" hết cho cán bộ Tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Dân chỉ đến đúng một cửa duy nhất, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, hạn chế sai sót giấy tờ phải chỉnh sửa nhiều lần như trước đây. Và nếu như trước kia người dân phải chờ vài chục ngày với ba lần hẹn thì nay giảm thời gian chờ đợi đến 1/3, có khi chỉ mất 1 - 2 ngày để lấy được giấy khai sinh lẫn nhập khẩu. Việc giải quyết khai sinh thì hầu hết các xã, thị trấn đều nhận và giải quyết trong buổi sáng, hoặc buổi chiều, sau đó chuyển sang Công an lập thủ tục nhập hộ khẩu nhanh nhất có nơi giải quyết là 1 ngày, có nơi tối đa 3 ngày. Riêng về thẻ bảo hiểm y tế thì theo quy định, ngoài trường hợp khẩn cấp thì thời gian được cấp thẻ phải là 30 ngày, tuy nhiên trên thực tế giải quyết chỉ trong vòng một tuần cho người dân, ngoài ra cán bộ Tư pháp đã kiến nghị với bên bảo hiểm để rút ngắn thời gian chờ đợi tối đa là 10 ngày. Bên cạnh đó, người dân được lựa chọn nhiều cách nhận các loại giấy tờ trên nhằm tiện nhất cho mình: Người dân có thể chủ động đến nhận từng loại giấy tờ khi nào có thời gian, hoặc nhận một lần cả ba loại. Hoặc, người dân nhận giấy khai sinh và sổ hộ khẩu trước, còn thẻ bảo hiểm y tế của trẻ sẽ được chuyển về ấp, thôn nơi người dân cư trú, bảo đảm tránh trường hợp thất lạc.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dừa, Trưởng Phòng Tư pháp Bến Lức, điều quan trọng trong thực hiện mô hình là việc quán triệt tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức hiểu rõ, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện thủ tục một cửa kết hợp này và có phương pháp tác nghiệp, thời gian thực hiện và thời hạn giải quyết ngắn gọn, rõ ràng.

Theo thống kê 3 năm thực hiện, các xã thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết được 7.913  trường hợp khai sinh cho trẻ; trong số này có 100% trường hợp trẻ cư trú thực tế tại địa phương đều được chuyển sang cho công an cấp xã nhập hộ khẩu.

Một điều thú vị nữa của Tư pháp Long An, đó là ngoài mô hình "ba trong một" ra, lại có cả mô hình "hai trong một" với hình thức tương tự: Người dân khi đến UBND xã, phường làm thủ tục khai tử sẽ được cán bộ tư pháp thực hiện luôn thủ tục cắt hộ khẩu, vẫn là một cửa và không phải đi lại nhiều lần.

Theo ông Võ Minh Thành, tất cả những sáng kiến, mô hình nói trên, không ngoài việc đáp ứng nhu cầu của dân, giúp dân được tiện lợi, được hài lòng nhất. Ở một khía cạnh ngược lại, hai mô hình linh động này còn giúp ngành Tư pháp chuẩn hoá về mặt quản lý nhân khẩu trên địa bàn. Có những mô hình như vậy, báo cáo nhân khẩu sẽ tránh được con số "ảo", chính xác và thực tế hơn, từ đó dẫn đến nhưng chính sách cũng hợp lý và thực tiễn hơn.

Được biết, hiện Sở Tư pháp Long An đang trình UBND tỉnh đề án nhằm nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

Ngọc Mai - Đặng Chung