Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Ngày xuân, nhớ lời dạy của Bác với ngành Tư pháp

29/01/2013
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Ngày xuân, nhớ lời dạy của Bác với ngành Tư pháp
Một ngày đầu xuân Quý Tỵ, tiếp tôi trong căn nhà rộng rãi nhưng ấm cúng, mang cái tĩnh lặng, thoáng đãng của Tây Hồ, Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc rất phấn khởi khi nghe tin Bộ Tư pháp vừa ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp. Cái chất giọng xứ Nghệ ấm, trầm của người từng đứng đầu ngành Tư pháp trở nên rộn ràng, say mê hơn khi ông nói về Bác – người mà cả đời ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu.

PV: Là người gắn bó rất lâu với ngành Tư pháp, đã giữ những trọng trách quan trọng đối với Ngành, có điều gì trong cách nghĩ, cách làm của thế hệ trẻ còn khiến ông trăn trở?

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc: Là một người đã từng ở Bộ Tư pháp lâu năm (1992 – 2002) và trước đó, cũng đã từng quen biết nhiều anh em ở Bộ Tư pháp ngay từ những ngày đầu được tái lập cho đến ngày rời Bộ, bản thân tôi không phải là không có những băn khoăn và cả những trăn trở về những vấn đề của công tác quản lý Ngành.

Ngành Tư pháp đã làm được nhiều việc, nhưng cái chúng ta còn thiếu là những tấm gương say mê, sống chết với nghề, tìm mọi cách đưa pháp luật đến với nhân dân. Chúng ta còn thiếu những tấm gương dám “dấn thân” đó.

PV: Cảm xúc của ông thế nào khi biết Ngành Tư pháp có bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức?

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc: Nay, tuy đã gác lại những trăn trở sau lưng, nhưng khi biết Bộ vừa ban hành bản “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”, tôi thấy rất vui, thấy có cái hay hay, mừng cho anh chị em tư pháp. Nhất là khi biết được rằng những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tư pháp này lại được xây dựng trên cơ sở quán triệt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bác Hồ về đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp. Đâu chỉ có một nghề, có phần cường điệu, nhưng vẫn có thể nói, từ nay có bao nhiêu anh chị em tư pháp, đủ các ngành nghề, đã có “bảo bối” trong tay – những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp – chuẩn mực xử thế, nhất là đối với anh em trẻ, những người mới vào nghề. Từ nay các bạn không còn phải lúng túng, băn khoăn – cứ theo chuẩn mực mà làm.

PV: Trong ngành Tư pháp, ông là người đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung nào trong tư tưởng của Người liên quan đến ngành Tư pháp mà ông tâm đắc?

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc: Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, một chuyên gia về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã từng phát biểu một ý kiến mang tính tổng kết sâu sắc: “Có thể nói, toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình phát triển của tư tưởng đạo đức cách mạng mà Người là một tấm gương tiêu biểu và sinh động nhất. Bởi thế, cũng có thể nói, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là phần kết tinh của tư tưởng Hồ Chí Minh”.  Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một gia tài đồ sộ tư tưởng đạo đức và giá trị đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh và gia tài đạo đức đồ sộ đó có quan hệ khăng khít với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cụ thể ở đây là quan hệ khăng khít, trực tiếp chỉ đạo hoạt động tư pháp, công tác tư pháp và nói chung với cả ngành Tư pháp Việt Nam.

 Điều đáng nói là ngay từ đầu, trong những năm đầu của Chính quyền nhân dân, dân chủ cộng hòa, trong điều kiện khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, công cuộc kháng chiến chống xâm lược đang diễn ra quyết liệt trên khắp cả 3 miền Trung, Nam, Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, đang chỉ đạo, lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc, nhưng Người vẫn dành cho công tác tư pháp, hoạt động tư pháp sự quan tâm sâu sắc.

Đối với Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Bác viết thư chỉ rõ: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính phủ…. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho  nhân dân noi theo”.

Phát biểu tại Hội nghị Tư pháp năm 1959, Bác nói như chia sẻ điều tâm sự: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”.

Biết công tác tư pháp quan hệ nhiều với nhiệm vụ phòng chống tội phạm, xét xử những kẻ phạm pháp, làm trái pháp luật, Bác chia sẻ điều trăn trở: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”.

Bác nhắc nhở: “Trong công tác xét xử, phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là các chú phải luôn luôn cố gắng học tập…”.

PV: Theo ông, để học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết, mỗi chúng ta cần phải làm gì?

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc: Đạo đức học mà lại là đạo đức học Hồ Chí Minh thì thật là bao la. Qua so sánh dưới đây của Bác trong một bài thơ gợi nêu thật nhiều suy nghĩ:

                              Cần kiệm liêm chính

                 Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

                 Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

                 Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

                 Thiếu một mùa thì không thành Trời.

                 Thiếu một phương thì không thành Đất.

                 Thiếu một đức thì không thành Người.

Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Liêm là trong sạch, không tham lam. Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm. Chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa Trung là Trung với vua, Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi…. Ngày nay, nước ta là Dân chủ cộng hòa, chữ Liêm ấy có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm. Cũng như Trung là Trung với Tổ quốc, Hiếu là Hiếu với nhân dân. Ta không chỉ thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yêu đều là bất Liêm. Do bất Liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp.

Cụ Khổng Tử nói : “Người mà không Liêm, không bằng súc vật”.

Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”.

Trước nhất là cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền cao, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểm mẫu cho dân.

Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình. 2. Mình đối với người. 3. Mình đối với công việc.

Đối với mình không tự kiêu, tự đại. Sông to, biển rộng bao nhiêu cũng vừa, cái đĩa con, cái chén bé một típ nước đã tràn, phải luôn luôn cầu tiến bộ, đừng tự ngưng lại vì sự tiến bộ không có giới hạn. Luôn luôn phải tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình; phải hoan nghênh người khác phê bình mình.

Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn mới tề được gia, trị được nước, bình được thiên hạ. Tự mình phải Chính trước mới giúp được người khác Chính. Mình không Chính mà yêu cầu người khác Chính là vô lý.

Đối với người: Chữ Người nghĩa hẹp là gia đình, là anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người.

Trừ những kẻ xấu, phản quốc, bọn phát xít, thực dân là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ.

Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.

Phải thực hành chữ Bác – Ái.

Đối với việc – Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà.

Đã phụ trách việc gì, phải quyết tâm làm cho kỳ được. Việc dù to, dù nhỏ phải có sáng kiến, có kế hoạch quyết tâm làm cho thành công. Việc thiện thì dù nhỏ cũng làm. Việc ác, dù nhỏ, phải tránh. Việc lợi cho mình thì phải xem có lợi cho nước nhà không. Nếu không có lợi mà lại hại thì quyết không làm.

Làm được những việc ấy, là đã thấm nhuần tư tưởng của Người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thúy