Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Phải kiên định mục tiêu thực hiện lâu dài

26/12/2012
Trên cơ sở Chỉ thị 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Tư pháp đã quán triệt sâu sắc và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong năm 2012 đến từng đơn vị trực thuộc. Ngày 11/12/2012, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 9770/BTP-TĐKT gửi Cục Thi hành án dân sự các tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ về việc báo cáo tổng kết phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 và xét đề nghị khen thưởng.

Sau 1 năm triển khai và thực hiện phong trào thi đua với nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời phải xác định rõ: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh phải kiên định mục tiêu thực hiện lâu dài. Có như vậy mới tạo ra những bước đột phá mới cho ngành Tư pháp Việt Nam trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Trong thời gian tới, để phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật sự thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu và có tầm ảnh hưởng lớn, các đơn vị cần có phương pháp triển khai và thực hiện phù hợp hơn, đồng thời cần chuyển đổi từ “học tập” trọng tâm sang lựa chọn một số nội dung “làm theo” ở những khâu đột phá, cụ thể:

Cần nhận thức đầy đủ, toàn diện về tác dụng, ý nghĩa của phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để việc triển khai và thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, xuất phát từ ý thức tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tránh việc triển khai và thực hiện chỉ mang tính hình thức, phong trào theo thời điểm và chỉ đặt nặng vấn đề báo cáo cho cấp trên theo đúng thủ tục.

Thường xuyên quán triệt nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến từng đơn vị, từng cán bộ, công chức của ngành như một “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động:

Một là, thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân”, quán triệt những nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp cần nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những hy sinh to lớn của ông cha để chúng ta có non sông, Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất trọn vẹn hôm nay, nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chân chính; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân dưới cả ba hình thức: làm chủ đại diện, làm chủ trực tiếp và tự quản cộng đồng; thể hiện ý chí vươn lên quyết tâm vượt qua nghèo nàn, lạc hậu; giữ gìn đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong địa phương, trong cộng đồng; có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc; giải quyết đúng đắn mối quan hệ cá nhân - gia đình - tập thể - xã hội; quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi.

Hai là, thực hiện đúng lời dạy: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng.

Ba là, nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương; chống mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ  "kéo bè, kéo cánh" nhằm làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng..., làm cho nhân dân bất bình.

Bốn là, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, kiên quyết đấu tranh chống tâm lý tự ty, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi;

Năm là, sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ.

Sáu là, kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Việc phát động và thực hiện phong trào thi đua phải thường xuyên đổi mới, phong phú về hình thức, sinh động về nội dung như:

Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động học tập chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng tháng, hàng quý, có thể lồng ghép vào các cuộc họp cơ quan, đơn vị như một nội dung chính, mặt khác báo cáo viên phải chuẩn bị bài thuyết trình theo từng chuyên đề phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế chính trị của địa phương, của đất nước và thế giới hiện tại để có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;

Sưu tầm, kể chuyện, tọa đàm về đạo đức, lối sống Hồ Chí Minh; đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các buổi sinh hoạt cơ quan, họp chi bộ, họp cơ quan hàng tháng, hàng quý; thi sáng tác thơ, văn về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức cho cán bộ, công chức đi tham quan tại quê Bác (khu di tích Kim Liên và chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các địa phương);

Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm có liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh để có điều kiện động viên, tạo động lực cho cán bộ, công chức có tinh thần phấn đấu, rèn luyện học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt hơn như: trong năm 2013, kỷ niệm 44 năm thực hiện di chúc của Bác, 81 năm ngày thành lập Đảng, 123 năm ngày sinh nhật Bác, phát động thi đua cao điểm gắn với tinh thần nội dung của phong trào thi đua này, ... góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, làm chuyển biến tích cực phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc;

Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh;

Mỗi cán bộ, công chức tự xây dựng kế hoạch cá nhân học và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt có ít nhất 3 nội dung “làm theo” rồi đăng ký thực hiện tốt tại cơ quan, đơn vị mình đồng thời đưa nội dung học tập tốt và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào công tác thi đua – khen thưởng…

Nếu có thể mỗi cơ quan, đơn vị thành lập một Ban ngoài nhiệm vụ chuyên môn sẽ kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ biên soạn các tài liệu liên quan đến việc triển khai và thực hiện phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện và đặc điểm thực tế của đơn vị; mỗi cán bộ, công chức đăng ký nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Ban này sẽ có nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi đồng thời có những điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nếp sống không thể thiếu trong mỗi cơ quan, đơn vị và bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Từ đó mới tạo nên không khí thi đua học tập sôi nổi và phấn khởi trong toàn ngành, ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được nâng lên, biểu hiện qua các hành động tự giác hàng ngày, trong các mối quan hệ công việc, tập thể và cộng đồng, trong quá trình tác nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao, và như vậy, phong trào chắc hẳn sẽ lớn mạnh.

Cần tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng quý, hàng năm chứ không nên lồng ghép vào các buổi sơ kết, tổng kết của cơ quan vì như vậy, sự long trọng và ý nghĩa sẽ bị giảm bớt đi rất nhiều, vô hình chung tác động không tốt đến suy nghĩ và ý thức tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Cần chú trọng xây dựng các điển hình, các mô hình điểm làm lá cờ đầu của phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của mỗi đơn vị nhằm tạo nên động lực thi đua, phấn đấu cho các đơn vị và các cá nhân khác. Bên cạnh đó cần phải có hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời, phù hợp đối với các điển hình có thành tích xuất sắc trong phong trào nhằm nâng cao hiệu quả của việc phát động và thực hiện. Mặt khác nghiêm túc phê bình những cá nhân, đơn vị không có ý thức thực hiện tốt phong trào thi đua này, việc khen thưởng – kỷ luật nghiêm minh sẽ tạo ra “xương sống” và “cán cân” tốt của phong trào thi đua để từ đó tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai và thực hiện: phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phân công giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Kết hợp chặt chẽ giữa học tập, nghiên cứu với hướng dẫn, tạo điều kiện để đảng viên và quần chúng tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

Có như vậy, phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới thật sự phát huy được ý nghĩa và hiệu quả của nó, đồng thời, qua mỗi năm, mỗi chặng đường nhìn lại những kết quả đã đạt được ngày càng hướng tới những chuẩn mực chung của Bác chúng ta càng có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, phấn đấu nhiều hơn góp phần xây dựng và nâng tầm vị thế của Ngành Tư pháp nước nhà.