Cán bộ tư pháp giàu nghị lực thoát nghèo

17/08/2012
Cán bộ tư pháp giàu nghị lực thoát nghèo
Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cán bộ Tư pháp xã Hồ Văn Thới chuyên cần trong công tác xã hội, giàu nghị lực thoát nghèo.

Ngược dòng thời gian trở về với núi rừng Trà My xưa của những năm tháng hào hùng, nơi đã sinh ra những người con như ông Thăng Mậu, ông Nút, ông Đúc, ông Xeng Đung…, tiếp nối các thế hệ đã qua, những truyền thống qúy báu, phẩm chất bình dị, mộc mạc vẫn được lưu giữ. Trở về với mảnh đất Trà Vân, Nam Trà My, nơi được mệnh danh là vùng đất có nhiều tiềm năng về chiến lược quốc phòng, về phát triển kinh tế bằng việc trồng keo, trồng quế, những ước mơ hy vọng đã chắp cánh cho bao cuộc đời, hạnh phúc và tương lai của những con người quanh năm chỉ biết có nương rẫy, đánh cá, bắt thú, “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”. Nơi đây mùa mưa về thì cô lập hoàn toàn với miền xuôi, các đoạn đường sạt lở, các con suối nằm trên đường không có cầu đi qua, khó khăn đan xen với lạc hậu, nhưng với bà con cái khó khăn nhất vẫn là thay đổi nhận thức, hướng làm giàu phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế cả vùng.

Với những suy nghĩ vượt khó, học tập, lao động để thoát nghèo, Anh Hồ Văn Thới, sinh năm 1982, xuất thân từ một gia đình  nghèo, quê ở Thôn 1, Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã quyết tâm theo học tại trường phổ thông trung học Nội trú Hội An, tỉnh Quảng Nam. Vừa phải học ở trường, khi nào được nghỉ lại tranh thủ về quê làm nương rẫy, chăn bò, nuôi lợn cùng cha mẹ để có tiền đi học, đôi khi Thới cũng cảm thấy tủi phận bởi bạn bè về thành phố học đứa nào cũng đầy đủ tươm tất, trong khi anh chỉ có 02 bộ quần áo cũ để thay đổi mặc đi học, chưa bao giờ dám đi uống cafe, ăn kem, ăn chè như những người khác. Những khoản tiền được Nhà nước hỗ trợ trong quá trình học anh dành dụm để lúc khó khăn cần đến và gửi về gia đình nuôi các em.

Được sự thương yêu đùm bọc của gia đình, sự tin tưởng, tín nhiệm của các bác cán bộ trong thôn đã đề cử và gửi hồ sơ cho UBND xã Trà Vân, Thới đã được đảm nhận nhiệm vụ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, sự động viên của lãnh đạo UBND xã, anh đã tiếp tục học và hoàn thành chương trình Trung cấp Hành chính, Trung cấp lý luận chính trị, được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và đăng ký quản lý hộ tịch tại địa phương.

Chỉ một thời gian đảm nhận công tác Tư pháp xã, qua quá trình phấn đấu anh đã được giới thiệu và kết nạp Đảng. Trong nhiệm vụ được giao, anh Thới luôn thể hiện sự chuyên cần trong công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hàng tháng, quý thường xuyên tham mưu UBND xã triển khai kế hoạch thực hiện việc tuyên truyền khoảng 35 văn bản pháp luật mới liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 30a/CP, chính sách Trợ giúp pháp lý, chính sách ưu đãi về vay vốn, các giống cây trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình…; đồng thời lồng ghép việc thực hiện đăng ký hộ tịch lưu động cho bà con ở các thôn nóc trên địa bàn xã. Tính từ ngày 01/8/2003 đến nay Ban Tư pháp đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường và các ngành liên quan đi đến tận các thôn, nóc để kê khai đăng ký các sự kiện về sinh, tử, kết hôn, viết và vào sổ hộ tịch cho khoảng 300 trường hợp chưa đăng ký, giúp UBND xã thực hiện tốt việc đăng ký và quản lý hộ tịch; hướng dẫn, thực hiện tốt việc cải chính hộ tịch cho khoảng 25 trường hợp để có cơ sở pháp lý thống nhất giữa các giấy tờ tuỳ thân tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, các em học sinh đăng ký đi học, thi tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học.

Bên cạnh việc tham gia công tác xã hội, anh còn là một gương điển hình góp phấn thay đổi đời sống bà con nơi xã nghèo. Với suy nghĩ cái cây còn vươn lên trong rừng ngày một thêm to lớn tươi tốt không lẽ bà con cứ mãi đói nghèo nơi vùng đất màu mỡ nhiều tiềm năn, để giúp bà con từng bước cải thiện đời sống về tinh thần, vật chất, anh đã cùng gia đình dùng nguồn vốn ít ỏi từ việc dành dụm tiết kiệm để bắt đầu học tập theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, trước hết phải ổn định cuộc sống gia đình bằng phương pháp khai hoang các chân ruộng lúa nước, tập trung vào chăn nuôi gà, vịt, đào ao thả cá, đảm bảo nguồn lương thực hàng năm về lâu dài. Với những nỗ lực cần cù lao động, bước đầu gia đình anh đã ổn định về lương thực. Từ đó, anh chuyển sang phát triển mô hình trồng cây keo, quế và nuôi dê. Được sự giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện, mô hình đó đã thành hiện thực. Nhìn những con dê mướt lông đang lững thững gặm cỏ và những hàng cây non đang từng ngày vươn cao, anh không dấu được những vui mừng vì nó đã mang lại giá trị kinh tế thực sự cho anh và nhiều bà con học tập theo mô hình này.

Nhiều bà con đã được anh hướng dẫn các thủ tục vay vốn và anh chịu trách nhiệm tổ trưởng tổ vay vốn để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế thoát nghèo. Đến với thôn 1 Trà Vân mà hỏi thăm về anh thì bà con nơi đây ai cũng rất khâm phục về ý chí vươn lên, vừa hoàn thành công việc xã hội, vừa sáng tạo trong phát triển kinh tế giúp dân thoát nghèo. Anh Thới tâm sự: “Mình là người đồng bào thiểu số nhưng mình cũng cố gắng vươn lên. Vùng quê mình nghèo lắm, mình nghĩ không có cái chữ, cái kỹ thuật và cái nhìn thì khó mà làm được việc gì”.

Những hàng cây rừng bạt ngàn đang vươn cao, lớn lên từng ngày thì con người cũng có thể vươn lên từ cái nhìn đúng đắn để thoát nghèo. Với kinh nghiệm sống ấy, anh Hồ Văn Thới đã làm được. Xã hội đang rất cần những tấm gương năng động, sáng tạo để thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo như anh. Một ngày mới đang về, những con đường rộng lớn trải dài các nóc, thôn, hoa quế thơm ngào ngạt đang nở hoa trên quê hương Trà Vân, Nam Trà My hôm nay ./.

Thành Lê - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam