Khởi nghiệp từ đem Luật đến với dân nghèo

15/02/2012
Yêu nghề, tâm huyết với nghề, thương người dân còn lắm khó khăn, thiệt thòi, Trợ giúp viên Lê Văn Hương đã dành phần lớn thời gian ngoài giờ hành chính để nghiên cứu thêm các tài liệu, các văn bản Luật liên quan để tư vấn, tham gia tố tụng bảo vệ cho các đối tượng được TGPL.

Từ ước mơ thuở nhỏ

Sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, Lê Văn Hương từ nhỏ đã nuôi mơ ước trở thành một Luật sư để mang kiến thức đi tư vấn, giải thích cho người dân nghèo, ít am hiểu về pháp luật. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật đã vào công tác Thi hành án tỉnh Quảng Nam, qua mấy năm công tác, với phẩm chất chính trị trong sáng của một đảng viên và sự năng nổ của một Chấp hành viên, Lê Văn Hương được bổ nhiệm Phó Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh. Đến năm 2009, anh được điều về Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh, được cử đi đào tạo bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, được đào tạo Luật sư. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của  Bác Hồ “Cán bộ Tư pháp phải phụng công thủ pháp, chí công vô tư", Trợ giúp viên pháp lý Lê Văn Hương luôn ra sức học tập, rèn luyện để góp sức, hiến kế cho sự nghiệp TGPL ở Quảng Nam.

Yêu nghề, tâm huyết với nghề, thương người dân còn lắm khó khăn, thiệt thòi, Trợ giúp viên Lê Văn Hương đã dành phần lớn thời gian ngoài giờ hành chính để nghiên cứu thêm các tài liệu, các văn bản Luật liên quan để tư vấn, tham gia tố tụng bảo vệ cho các đối tượng được TGPL. Ngoài ra,  anh còn vận động toàn thể CBCCVC trong cơ quan phát huy tinh thần “Mỗi chuyên viên, Trợ giúp viên pháp lý là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” để tư vấn trực tiếp tại cơ quan và tổ chức TGPL lưu động ở các địa phương và các xã nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhận thấy những đợt TGPL lưu động ở cơ sở có tác dụng rất lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người không có khả năng tài chính, phương tiện đi lại được tiếp cận với TGPL, giảm bớt thời gian cũng như chi phí đi lại để tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời còn góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, anh đã đề xuất nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác TGPL lưu động. Chẳng hạn, trước khi đi TGPL lưu động bắt buộc phải có khảo sát tại chỗ, thông qua các kênh để biết được nhu cầu của đối tượng....Từ những sáng kiến đó, năm 2011 số đợt TGPL lưu động giảm so với những năm trước đây mỗi năm 5 đợt, giảm kinh phí nhưng hiệu quả đem lại lại cao hơn và được người dân rất hài lòng. Hiện sáng kiến của Trợ giúp viên Lê Văn Hương được cơ quan nhân rộng, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trong Chương trình 52 của Chính phủ tại địa phương. 

“Thương người như thể thương thân”

Thực hiện Luật TGPL, các văn bản thi hành luật, trong những năm qua anh Hương cùng với Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam đã tích cực trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm và các Chi nhánh được thành lập, nhân lực được bổ sung đến nay biên chế 38 người, 7 Chi nhánh ở các huyện, thành phố. Trung tâm đã được bố trí trụ sở làm việc riêng, được sử dụng phương tiện ô tô phục vụ công tác TGPL lưu động, trang thiết bị làm việc và kinh phí đảm bảo hoạt động, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác TGPL từng bước được củng cố và tăng cường cả về số lượng và chất lượng, kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật mới, bồi dưỡng kỹ năng trợ giúp pháp lý. Đội ngũ Cộng tác viên cũng được phát triển đáp ứng yêu cầu TGPL ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh Hương còn tuyên truyền đồng nghiệp trong cơ quan ra sức học tập, rèn luyện và làm theo gương Bác. Đồng thời đề nghị với cấp trên cử các CBVC ưu tú, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Từ những việc làm đó, Trợ giúp viên Lê Văn Hương trong 03 năm liền (2009, 2010, 2011) được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và cuối năm 2011 anh được Sở Tư pháp đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh,  nâng lương trước thời hạn.  “Lắng đọng trong tâm khảm tôi là lời dạy của Bác Hồ “thương người như thể thương thân”. Cuộc sống của người dân Quảng Nam còn quá khó khăn. Vì thế mà các gia đình chính sách, những người già, trẻ em không nơi nương tựa, những người nghèo ít am hiểu về pháp luật, không có điều kiện được tiếp cận với pháp luật, với chính sách, chủ trương của Đảng. Đây sẽ là động lực để bản thân tôi phấn đấu học tập, rèn luyện theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp chút tài mọn nhỏ bé của mình vào sự nghiệp Trợ giúp pháp lý” - Trợ giúp viên Lê Văn Hương tâm sự.

 Thành Lê