Quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

25/11/2014
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Theo đó, Nghị định này quy định hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện; xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; Khu vực cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, tạm trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu; điều kiện, thẩm quyền, thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; Mở, nâng cấp, quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền; Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Căn cứ vào phạm vi đối tượng xuất, nhập; cửa khẩu biên giới đất liền được chia thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ và lối mở biên giới (sau đây gọi chung là cửa khẩu biên giới). Theo đó, cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới hai bên xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa của cư dân biên giới hai bên qua lại và các trường hợp khác nhằm thực hiện chính, sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.

Nghị định cũng quy định nguyên tắc xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới như sau: Người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu. Người, phương tiện, hàng hóa không thuộc cư dân biên giới hai bên xuất, nhập qua lối mở biên giới thực hiện chính sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động xuất, nhập qua biên giới đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam và nước ngoài chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định tại Nghị định này.

Một số hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực cửa khẩu được quy định tại Nghị định như sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, hộ chiếu, giấy tờ trái với quy định pháp luật Việt Nam; tổ chức, đưa, đón dẫn đường, chuyên chở người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Tuyên truyền, kích động hoặc có hành vi phá hoại an ninh, gây rối, gây mất trật tự công cộng, gây ùn tắc cản trở các hoạt động lưu thông hợp pháp tại cửa khẩu; không chấp hành hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép tài liệu, vật mang tin có chứa thông tin bí mật quân sự, bí mật nhà nước, sách báo, văn hóa phẩm độc hại; Đưa, đón người, chuyên chở, xếp, dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định, đi vào khu vực cấm; Làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan khu vực cửa khẩu; Các hoạt động khác trái với quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định quy định rõ, công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hợp lệ; Công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới, tỉnh biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới đối diện nước láng giềng phải có giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ và có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực; Công dân nước láng giềng thường trú trong khu vực biên giới, tỉnh biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới Việt Nam đối diện phải có giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phương tiện Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có các loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký phương tiện; Giấy phép liên vận, giấy phép vận tải; Giấy phép vận chuyển hành khách (đối với phương tiện vận chuyển hành khách); Giấy tờ về thủ tục hàng hóa (đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa); Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện và Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu, nhập khẩu và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

Những người được tạm trú trong khu vực cửa khẩu theo quy định tại Nghị định là cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu; Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu ; Người Việt Nam, người nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với người, phương tiện, hàng hóa hoặc những người lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do hợp pháp khác, thì phải đăng ký tạm trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới phải được sự thống nhất của chính quyền cấp tỉnh có cửa khẩu hai bên; sự đồng ý của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước láng giềng hoặc do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định mở theo quy định của Nghị định này; Phải nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc; đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài về kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước; Đảm bảo yếu tố chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia và quốc phòng an ninh, đối ngoại; Đảm bảo phù hợp với lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015 và thay thế Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất.