Hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia

24/11/2014

Ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 171/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

Theo đó, kinh phí thực hiện Chương trình từ các nguồn: Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm; Đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình; Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư quy định cụ thể phạm vi và mức hỗ trợ kinh phí đối với Chương trình: Xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; Xúc tiến thương mại thị trường trong nước, Xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo Đồng thời quy định việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đối với việc lập và phân bổ dự toán: Hàng năm, Bộ Công Thương xây dựng dự toán kinh phí Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (bao gồm dự toán do Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp thực hiện và kinh phí ký hợp đồng đối với các Đơn vị chủ trì) và tổng hợp chung trong dự toán của Bộ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành; Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình, phân bổ kinh phí chi tiết theo từng Đơn vị chủ trì và nội dung quy định về phạm vi và mức hỗ trợ kinh phí đối với Chương trình Xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu,Xúc tiến thương mại thị trường trong nước, Xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo bảo đảm nguyên tắc tổng kinh phí hỗ trợ để thực hiện các đề án của Chương trình không vượt quá dự toán được giao, gửi Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thực hiện giao dự toán cho Cục Xúc tiến thương mại.

Đối với chấp hành dự toán: Căn cứ dự toán chi ngân sách được Bộ Công Thương giao, Cục Xúc tiến thương mại thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Kho bạc nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính và quy định tại Thông tư này

Thông tư còn hướng dẫn các nội dung chi và văn bản áp dụng cho nội dung chi đó. Cụ thể: 1. Nội dung chi liên quan đến điều tra khảo sát áp dụng mức chi theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê; 2. Nội dung chi liên quan đến đào tạo bồi dưỡng áp dụng mức chi theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; 3. Nội dung chi liên quan đến chi công tác phí cho cán bộ đi nước ngoài áp dụng mức chi theo Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí; 4. Nội dung chi liên quan đến chi công tác phí trong nước áp dụng mức chi theo Thông tư số 97/2010-TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; 5. Nội dung chi liên quan đến đón đoàn vào áp dụng mức chi theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính qui định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2015 và thay thế Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia./.