Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa

17/06/2014
Sáng nay – 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa trước khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Luật này, các phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký lại trong các trường hợp: chuyển quyền sở hữu; thay đổi tên, tính năng kỹ thuật; Trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác; Chuyển đăng ký từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thuỷ nội địa. Luật cũng quy định về trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.

Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy nội địa, luật quy định, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thuỷ nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời, khẩn cấp cứu người, phương tiện, tàu biển, tàu cá, tài sản bị nạn; báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa gần nhất; xác định vị trí phương tiện bị tai nạn, sự cố, bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn, sự cố.

Cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa  nhận được tin báo phải cử ngay người, phương tiện đến nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn; được quyền huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt. Trường hợp tai nạn, sự cố gây tác hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Cơ quan công an khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn trên đường thuỷ nội địa phải kịp thời triển khai lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn; tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, huy động lực lượng đảm bảo an ninh trật tự hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất hoặc hỏa táng thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất hoặc hỏa táng, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc hỏa táng.

Hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải phải tuân theo quy định của Luật này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ 1/1/2015.

H.Giang