Nghị định số 54/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp

30/05/2014
Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là phương thức thực hiện quyền dân chủ, bảo đảm các quyền lợi ích cơ bản của công dân, bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước. Đối với ngành Tư pháp, kể từ khi Bộ Tư pháp được tái thành lập vào năm 1981 đến nay, công tác thanh tra cũng luôn được coi trọng, liên tục được kiện toàn về tổ chức và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý ngày càng phát triển của Ngành.

Ngày 01/8/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp. Kể từ thời điểm có hiệu lực đến nay, Nghị định số 74/2006/NĐ-CP đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất cho Thanh tra ngành Tư pháp. Đồng thời, Nghị định số 74/2006/NĐ-CP cũng là cơ sở để các cơ quan Thanh tra ngành Tư pháp tiến hành các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền. Từ khi Nghị định có hiệu lực, tổ chức, bộ máy của Thanh tra ngành Tư pháp dần được hoàn thiện, hoạt động có hiệu quả và bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà nước; góp phần giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý trong lĩnh vực Tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị định số 74/2006/NĐ-CP đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập, cần được xem xét, nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp. Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp, khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên, ngày 29 tháng 5 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2014 và thay thế Nghị định số 74/2006/NĐ-CP. Với bố cục gồm 06 chương, 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tư pháp và cộng tác viên thanh tra ngành Tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra ngành Tư pháp, Nghị định số 54/2014/NĐ-CP đã đánh dấu bước phát triển mới, rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, đổi mới về cả tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp.

Thứ nhất, bổ sung cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp:

Theo quy định của Nghị định số 74/2006/NĐ-CP, tổ chức cơ quan thanh tra ngành Tư pháp chỉ bao gồm Thanh tra Bộ Tư pháp ở Trung ương và Thanh tra Sở Tư pháp ở địa phương, không quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp. Trong khi đó, Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ chỉ mới quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, các chế định áp dụng cho các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nói chung. Trong khi đó, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp cũng có một số thay đổi. Theo quy định của Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, hai đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã được nâng lên thành Cục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao tính chủ động trong công tác quản lý đó là Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Đối với Cục Bổ trợ Tư pháp, theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP thì công tác bổ trợ tư pháp bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại. Tuy nhiên, tính chất của các hoạt động bổ trợ tư pháp hiện nay là nhạy cảm, phức tạp như lĩnh vực luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản… và với số lượng ngày càng lớn các tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (là đối tượng thanh tra chuyên ngành) đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Tính đến tháng 10/2013, trong cả nước có trên 8.500 luật sư và khoảng 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 3.165 tổ chức hành nghề luật sư và 56 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; 704 tổ chức hành nghề công chứng, 1.734 công chứng viên; 63 Trung tâm bán đấu giá tài sản/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên 200 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; 07 Trung tâm trọng tài thương mại... Trong khi đó, hàng năm Cục Bổ trợ tư pháp mặc dù đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ để thực hiện thanh tra chuyên ngành về một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhưng số lượng các tổ chức hành nghề (luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản) được thanh tra nhìn chung vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, hiện nay lực lượng Thanh tra của các Sở Tư pháp cũng còn rất mỏng, một số Sở Tư pháp chỉ có từ 01-02 Thanh tra viên (07/63 Thanh tra Sở Tư pháp chỉ có 01 biên chế, 36/63 Thanh tra Sở Tư pháp chỉ có 02 biên chế…), dẫn đến việc chưa đủ nhân lực để thực hiện hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm hành chính nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp của ngành Tư pháp. Thực tế này đòi hỏi cần thiết phải giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Cục Bổ trợ tư pháp để tăng cường việc tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước tốt hơn trong lĩnh vực này.

Đối với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP lĩnh vực này gồm 3 hoạt động là hộ tịch, quốc tịch và chứng thực. Mặc dù hoạt động này không được xã hội hoá nhưng các công việc hộ tịch, chứng thực lại trải rộng trên toàn quốc và đến tận UBND cấp xã thực hiện. Đối tượng và phạm vi quản lý trong lĩnh vực này rất rộng với 63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 63 Sở Tư pháp, hơn 700 Ủy ban nhân dân cấp huyện, hơn 11.000 Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động thuộc lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có tính đặc thù riêng, chủ yếu diễn ra ở cơ sở, tính chất công việc phức tạp, có thủ tục, thời hiệu, thời hạn chặt chẽ và phải áp dụng các quy định pháp luật chuyên ngành làm căn cứ xác định. Hơn nữa, việc giải quyết các việc về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra Tư pháp còn mỏng nên công tác thanh tra chuyên ngành chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng các cuộc Thanh tra của Thanh tra Bộ tiến hành là rất ít, số lượng các cuộc thanh tra trong các lĩnh vực này của Thanh tra các Sở Tư pháp cũng chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của Ngành. Do vậy, việc bổ sung cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này là cũng cần thiết.

Xuất phát từ những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đó, căn cứ vào Luật Thanh tra 2010 và trên cơ sở Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 54/2014/NĐ-CP đã quy định Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Bổ trợ tư pháp là những cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đây là nội dung mới cơ bản nhất của Nghị định số 54/2014/NĐ-CP, đánh dấu một bước phát triển về hệ thống tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của ngành Tư pháp. Nghị định số 54/2014/NĐ-CP đã quy định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp, quy định về bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành ngành Tư pháp; quy định về những vấn đề liên quan đến các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành tư pháp như: xây dựng kế hoạch thanh tra, thẩm quyền thanh tra, xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, thời gian thanh tra, thẩm quyền ra quyết định thanh tra đột xuất.

Thứ hai, xác định và phân biệt rõ hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp:

Nghị định số 54/2014/NĐ-CP quy định tách riêng hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thành 02 mục riêng biệt. Mục 1 Chương III của Nghị định gồm 03 điều (Điều 14, 15 và 16) quy định về nội dung, đối tượng thanh tra hành chính, thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục thanh tra hành chính. Theo những quy định này, trong hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp, chỉ có Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp có thẩm quyền thanh tra hành chính. Trong đó, Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, gồm các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và các tổ chức chức, cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị đó. Tương tự như vậy, Thanh tra Sở Tư pháp thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp. Mục 2 Chương III của Nghị định quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành (gồm 24 điều), quy định cụ thể về đối tượng thanh tra chuyên ngành, nội dung thanh tra chuyên ngành, thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành và trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành và thanh tra lại. Theo đó, đối tượng thanh tra chuyên ngành của thanh tra ngành Tư pháp là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp. Đây là phần có nhiều điểm mới, thay đổi cơ bản  cả về nội dung và kỹ thuật lập quy so với Nghị định số 74/2006/NĐ-CP và chúng tôi sẽ trình bày cụ thể trong các nội dung sau của bài viết này.

Thứ ba, đổi mới quy định về nội dung hoạt động thanh tra chuyên ngành:

Bộ Tư pháp là B quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các quy định của pháp luật chuyên ngành thể hiện ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc còn có những ý kiến khác nhau về cách xác định nội dung thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp. Trong khi đó, Nghị định số 74/2006/NĐ-CP lại không quy định cụ thể, chi tiết về các nội dung thanh tra chuyên ngành đối với từng lĩnh vực cần thanh tra rất dễ dẫn đến tình trạng còn lạm dụng, tùy tiện, lúng túng khi xác định nội dung thanh tra chuyên ngành trong thực tế. Khắc phục hạn chế này, Nghị định số 54/2014/NĐ-CP đã quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn về nội dung thanh tra chuyên ngành đối với từng lĩnh vực. Theo đó, từ Điều 18 đến Điều 35 đã quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong 18 lĩnh vực: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hộ tịch; nuôi con nuôi; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hợp tác với nước ngoài về pháp luật; giám định tư pháp; thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trong các lĩnh vực trên, có hai lĩnh vực thanh tra chuyên ngành mới là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực trách nhiệm bồi thường nhà nước và thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì đây là những lĩnh vực Bộ Tư pháp mới được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của Nghị định số 22/2013/NĐ-CP. Đồng thời, so với quy định của Nghị định số 74/2006/NĐ-CP thì Nghị định số 54/2014/NĐ-CP cũng đã không quy định thanh tra trong lĩnh vực thi hành án dân sự là thanh tra chuyên ngành vì nội dung này thuộc hoạt động thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ Tư pháp.

Thứ tư, phân định rõ thẩm quyền và phạm vi thanh tra chuyên ngành của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp:

Nghị định số 74/2006/NĐ-CP mặc dù đã có quy định nội dung thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp nhưng việc phân định thẩm quyền còn chung chung, có những nội dung còn chưa rõ ràng, chưa có sự phân định thẩm quyềnthẩm quyền giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở dẫn đến những lúng túng khi triển khai thực hiện. Hơn nữa, Nghị định số 54/2014/NĐ-CP quy định ngoài Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, còn có Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Do đó, việc phân định thẩm quyền thanh tra chuyên ngành giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ được đặt ra với đòi hỏi phải cụ thể, rõ ràng và khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 74/2006/NĐ-CP. Việc phân định thẩm quyền được thể hiện trong Nghị định số 54/2014/NĐ-CPới 02 góc độ:

Một là, Điều 36 của Nghị định quy định rõ Thanh tra Bộ Tư pháp có thẩm quyền thanh tra 18/18 lĩnh vực thanh tra chuyên ngành; Thanh tra Sở Tư pháp có thẩm quyền thanh tra 16/18 lĩnh vực, vì 02 lĩnh vực Thanh tra Sở Tư pháp không có thẩm quyền thanh tra là Quốc tịch và Hợp tác quốc tế về pháp luật (Luật Quốc tịch và Nghị định 78/2008/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật không giao Sở Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước đối với hai lĩnh vực này); Cục Bổ trợ tư pháp có thẩm quyền thanh tra 06/18 lĩnh vực thanh tra chuyên ngành là luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp và trọng tài thương mại; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có thẩm quyền thanh tra 03/18 lĩnh vực thanh tra chuyên ngành là hộ tịch, quốc tịch và chứng thực.

Hai là, trong cùng một lĩnh vực, nội dung thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thường có phạm vi và đối tượng rộng hơn nội dung thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở. Do đó, nội dung của của các Điều về nội dung thanh tra chuyên ngành được thiết kế bố cục và quy định theo nguyên tắc:

(1). Thanh tra Bộ Tư pháp có thẩm quyền thanh tra đối với toàn bộ các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp được quy định từ  Điều 18 đến Điều 33 và Điều 35 của Nghị định. Đồng thời, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hoặc đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giám định tư pháp (Điều 34).

(2). Căn cứ chức năng quản lý nhà nước được Bộ trưởng phân cấp và ủy quyền, Cục Bổ trợ tư pháp thanh tra việc thực hiện quy định tại các Điều từ 18 đến 22 và giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hoặc đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thanh tra việc thực hiện quy định tại Điều 34 Nghị định; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thanh tra việc thực hiện các quy định tại các Điều 23, 25 và Điều 26 của  Nghị định.

(3). Theo chức năng quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Thanh tra Sở Tư pháp chỉ có thẩm quyền thanh tra các nội dung thanh tra tại Khoản 2 các Điều từ 18 đến 22; Khoản 2 và Khoản 3 Điều 23, Khoản 3 Điều 24, Điều 26, Khoản 2 Điều 27, Điều 28, Khoản 2 Điều 29, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 30, Khoản 2 Điều 31, Điều 32 và Khoản 2 Điều 35 của Nghị định. Đồng thời, Thanh tra Sở Tư pháp cũng giúp Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thanh tra theo nội dung tại Khoản 2 Điều 34 của Nghị định.

Có thể thấy rằng, việc phân định rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm thanh tra chuyên ngành giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp tại Nghị định này là một bước tiến rõ rệt về cả nội dung quy định và kỹ thuật lập quy, góp phần tạo sự minh bạch, rõ ràng, tránh được lạm dụng thẩm quyền hoặc lúng túng khi triển khai thực hiện Nghị định.

Thứ năm, về việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra:

So với Nghị định số 74/2006/NĐ-CP, Điều 39 của Nghị định số 54/2014/NĐ-CP quy định rõ hơn về việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Bộ Tư pháp đồng thời quy định rõ về trách nhiệm trong việc đề xuất kế hoạch thanh tra hàng năm của Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để Thanh tra Bộ tổng hợp kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt; quy định về việc lập kế hoạch thanh tra của Thanh tra Sở Tư pháp.

Về việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra: Nghị định số 54/2014/NĐ-CP (Điều 40) quy định rõ trong trường hợp kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp chồng chéo với kế hoạch thanh tra của Thanh tra Sở Tư pháp thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp. Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực với Thanh tra Sở Tư pháp. Chánh Thanh tra Sở Tư pháp báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra với các cơ quan thanh tra của địa phương; Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Tư pháp với các cơ quan thanh tra của địa phương.

Thứ sáu, về thanh tra lại và thanh tra đột xuất:

- Một là, về thanh tra lại: Phù hợp với quy định tại Điều 33 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Điều 38 của Nghị định số 54/2014/NĐ-CP quy định về thanh tra lại, đây là một điểm mới quan trọng của dự thảo Nghị định. Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.

- Hai là, về thẩm quyền thanh tra đột xuất: Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010 và để phù hợp với thực tế của ngành Tư pháp, Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 54/2014/NĐ-CP đã quy định mới về thẩm quyền ra quyết định thanh tra đột xuất của Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp, cụ thể:

(1). Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập đoàn thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng khi được giao hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp. Quyết định thanh tra đột xuất được gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp để báo cáo.

(2). Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập đoàn thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp giao hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quyết định thanh tra đột xuất được gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp để báo cáo.

Đây cũng được coi là một trong những điểm mới cơ bản, phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của ngành Tư pháp hiện nay vì trước đây, theo Nghị định số 74/2006/NĐ-CP, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp phải trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp quyết định việc thanh tra đột xuất.

Thứ bẩy, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:

Theo quy định của Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trên. Khắc phục bất cập của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Điều 12 của Nghị định số 54/2014/NĐ-CP đã quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tương ứng với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp quy định tại Khoản 4 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 4 Điều 67 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tư pháp của 02 Cục nói trên, Điều 44 của Nghị định số 54/2014/NĐ-CP cũng quy định có quyền xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra viên tư pháp quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 1 Điều 67 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

Việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trên trong một Nghị định về tổ chức và hoạt động chứ không phải là Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính cũng là một điểm mới  đáng lưu ý và rất cần thiết để Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong hai Cục này có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật. Các chức danh này có thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà không cần phải đợi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP góp phần duy trì, tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trong các lĩnh vực có liên quan.

Tóm lại, việc ban hành Nghị định số 54/2014/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng, có thể coi đó là một bước phát triển, một bước hoàn thiện mới của pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tư pháp. Nghị định là một cơ sở pháp lý quan trọng, không thể thiếu của hoạt động quản lý nhà nước nói chung, trong ngành Tư pháp nói riêng. Khi Nghị định có hiệu lực thi hành và được triển khai thực hiện trên thực tế sẽ giúp đổi mới, kiện toàn tổ chức; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp, góp phần thực hiện thành công chức năng và các nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng ngành trong thời kỳ mới hiện nay.

Nguyễn Thắng Lợi - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp