Thi hành án dân sự Nhật Bản: Một số bài học kinh nghiệm

18/10/2018
Tại Nhật Bản, thi hành án dân sự là thủ tục, là theo đó chủ nợ (người được thi hành án) có thể yêu cầu Nhà nước thực hiện yêu cầu của họ thông qua việc sử dụng quyền lực nhà nước khi con nợ (người phải thi hành án) không tự nguyện thi hành. Nếu người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì người được thi hành án, trên cơ sở bản án đã tuyên có hiệu lực, có thể yêu cầu kê biên tài sản của người phải thi hành án, bán đấu giá tài sản để lấy tiền thanh toán cho mình. Trong nhiều loại việc đòi hỏi phải thi hành, những vụ việc liên quan đến kê biên và bán đấu giá tài sản là động sản, trục xuất người phải thi hành án ra khỏi nơi có bất động sản và chuyển động sản đến tay người được thi hành án do chấp hành viên của tòa án thực hiện. Họ là viên chức của Tòa án quận nhưng nhận thù lao từ người được thi hành án để thi hành án dân sự. Việc ban hành Luật Thi hành án dân sự (số 79 năm 1979, viết tắt là CEL), thay thế một số phần của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1891, đã làm cho thủ tục thi hành án và xử lý các tài sản bảo đảm nợ như thế chấp và cầm cố trở nên nhanh chóng và công bằng hơn. Việc thi hành án dân sự tiếp tục được cải tiến, tăng cường khi một số quy định liên quan của CEL được sửa đổi, bổ sung bằng Luật về các biện pháp dân sự tạm thời (số 91 năm 1989, có hiệu lực từ năm 1991), quy định cụ thể về thực hiện các biện pháp kê biên tạm thời và các xử lý tạm thời. Một số sửa đổi, bổ sung nữa cũng được tiến hành vào giữa những năm 1990 (khi tình hình kinh tế Nhật Bản trở nên xấu đi) và từ năm 2003 sau khi có khuyến nghị của JRC. Nhìn chung, lĩnh vực pháp luật này được sửa đổi bổ sung và cập nhật tương đối sớm và đang tiếp tục được cải tiến đáng kể trong tình hình suy thoái kinh tế (chẳng hạn như cuộc khủng hoảng dầu lửa vào những năm 1970 và suy thoái kinh tế Nhật Bản vào “thập kỷ mất mát” những năm 1990) ở mức độ rộng rãi hơn so với các lĩnh vực pháp luật khác.
Tuy có mối quan ngại về quyền tự quyết của cảnh sát và công tố viên trong thủ tục tố tụng tại phiên tòa hình sự, việc thi hành án hình sự có thể nói là dự đoán trước được và thống nhất trong toàn quốc. Có một ngoại lệ khá thú vị liên quan đến những người bị kết án tử hình về hành vi phạm tội nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, Bộ trưởng Tư pháp là người phải ký quyết định thi hành án, nhưng thỉnh thoảng ông này lại không ký vì lý do cá nhân hoặc tôn giáo. Vấn đề đặt ra là liệu đây có phải là một hình thức lạm dụng quyền tự quyết được giao hay không, mặc dù trên thực tế ghế Bộ trưởng Tư pháp thường xuyên có thay đổi. Do Bộ trưởng Tư pháp thường hay chậm trễ trong việc ký quyết định thi hành án tử hình nên khá nhiều người ở trong tình trạng chờ thi hành án tử hình trong nhiều năm. Sức ép tâm lý đối với tử tù đã dẫn đến một số các tranh luận về chính trị và yêu cầu (dù không thành công) xem xét lại Hiến pháp. Nhật Bản quy định án tử hình tại 12 Điều của Bộ luật hình sự và tại 5 Điều của các luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có những người phạm tội giết người mới bị kết án tử hình. Phương pháp thi hành án tử hình duy nhất là treo cổ. Khoảng cách thời gian từ khi bị tuyên án cho đến khi thi hành án tử hình kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Do “làm nhanh” bị coi là kẻ thù của “làm cẩn thận” tại Nhật Bản cũng như tại Hoa Kỳ (một nền dân chủ thứ hai duy nhất sau Nhật Bản vẫn còn giữ lại án tử hình và vẫn tiếp tục thi hành án tử hình một cách thường xuyên), quá trình tố tụng từ xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm và thi hành án thường khá dài và thận trọng. Nhật Bản là một trong 13 nước châu Á còn giữ án tử hình. Cũng giống như phần lớn các nước châu Á còn án tử hình, án tử hình ở Nhật Bản nhiều khi mang tính chất tượng trưng và không đóng vai trò đáng kể trong việc kiểm soát tội phạm. Về phương diện này, Nhật Bản theo một mô thức thịnh hành tại châu Á, do chỉ có 4 nước ở châu lục này thi hành án tử hình một cách khá thường xuyên mà việc thi hành này giống như thi hành một hình phạt hình sự bình thường thay vì chỉ thi hành ở mức độ rất hạn chế với tỉ lệ một trên một nghìn, chủ yếu mang tính răn đe hay đối với vụ việc có tầm quan trọng về chính trị. Những nước có tỉ lệ án tử hình cao ở châu Á là Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Singapore: Ba trong số bốn nước nói trên là cộng sản, còn nước cuối cùng được coi là theo “mô hình hậu Mao-ít với ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa”. Án tử hình ở Nhật Bản bắt đầu tăng từ những năm 1990. Số lượng án tử hình tăng mạnh trong thập niên vừa qua (từ 1995 đến 2005, mức trung bình hàng năm tăng gấp đôi), và cùng với nó là việc thi hành án tử hình cũng tăng. Năm 2007 và 2008, Nhật Bản thi hành 24 án tử hình, nhiều hơn tổng số vụ thi hành án trong 8 năm trước cộng lại. Lý do của việc tăng đột biến này khá phức tạp, nhưng lý do chính có lẽ là xu hướng áp dụng hình phạt tăng nặng trong tư pháp hình sự của Nhật Bản. Việc thi hành án tử hình và quá trình thi hành án tử hình ở Nhật bản có đặc tính là mức độ kín đáo cao về mặt Nhà nước và thường được bí mật thi hành. Đôi khi quan chức tìm cách giải thích và biện hộ việc tại sao lại phải kín đáo như vậy nhưng phân tích sâu hơn thì thấy lý do của chính sách kín đáo này là ở chỗ người ta muốn tránh không để thế giới bên ngoài xem xét và phê bình, đồng thời cũng là để giữ kín chi tiết cá nhân của những người thi hành án hình sự. Do có lẽ không có quyền nhà nước nào mạnh hơn quyền định đoạt việc sống và việc chết của con người và cũng không có ở nơi nào mà sự can thiệp của nhà nước vào cá nhân con người lại trực tiếp và mạnh như vậy đối với án tử hình nên không có quyền hạn nào của nhà nước lớn hơn nhu cầu giám sát của công chúng. Tiếc rằng ở Nhật Bản không có sự giám sát đó.
Về thi hành án hành chính, bản án tuyên một hành vi hay quy định pháp luật bất hợp pháp hay vi hiến có thể không được thi hành nếu lợi ích của công chúng đủ mạnh. Về thi hành án lao động: Không có vấn đề đặc biệt nào, ngay cả theo hệ thống xét xử mới được thành lập năm 2004.
Đối với việc thi hành án dân sự, nguyên tắc cơ bản đầu tiên là chủ nợ phải có văn tự nợ cùng với điều khoản thi hành. Văn tự nợ cùng với điều khoản thi hành, gọi chung là văn bản chính thức có hiệu lực thi hành. Với văn bản này, chủ nợ có thể tiến hành thủ tục thi hành án đơn giản bằng cách gửi đơn xin thi hành đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Văn tự nợ là một tài liệu chính thức khẳng định yêu cầu thi hành án phải được thi hành dứt khoát và không thay đổi, CEL quy định riêng nhiều loại văn tự nợ. Tuy bản án của tòa án là một loại văn tự nợ điển hình, việc thi hành án các tài liệu đã được công chứng viên công chứng trên thực tế có số lượng lớn gấp nhiều lần so với bản án. Tài liệu được công chứng chỉ được coi là một dạng văn tự nợ khi tài liệu này có liên quan đến yêu cầu về tiền với số tiền đã được xác định, đồng thời cũng có tuyên bố của bên nợ rằng tài sản của người đó sẽ được thi hành ngay lập tức khi không thanh toán nợ đúng hạn. Một dạng văn tự nợ khá quan trọng nữa là văn bản yêu cầu thanh toán tiền được coi là có hiệu lực thi hành tạm thời, thỏa thuận dàn xếp tiền tố tụng, thỏa thuận hòa giải trong tố tụng tư pháp, văn bản chấp thuận yêu cầu trả tiền và thỏa thuận hòa giải theo quy định của Luật hòa giải dân sự. Cam kết thanh toán và một số văn kiện cá nhân thuần túy khác không được coi là văn tự nợ, giống như ở một số nước khác (như Ý). Điều khoản thi hành là một giấy chứng nhận công độc lập xác nhận một văn tự nợ cụ thể nào đó có hiệu lực thi hành bởi một chủ nợ đối với một con nợ cụ thể. Vì lý do văn tự nợ có thể không mô tả hết chi tiết về một số yêu cầu thanh toán, như tính chất ràng buộc của bản án, điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thanh toán hay chi tiết cá nhân của các bên không liên quan, pháp luật Nhật Bản yêu cầu phải có giấy chứng nhận này để đảm bảo cơ quan thi hành biết chắc chắn rằng mọi yêu cầu về thi hành đã được đáp ứng. Trong trường hợp văn tự nợ không phải là một văn kiện được công chứng, thư ký tòa án là người sẽ cấp điều khoản thi hành. Đối với văn tự nợ là văn kiện được công chứng, công chứng viên sẽ cấp điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành được ghi vào phía dưới văn tự nợ, cụ thể như sau: “Văn kiện này được cấp cho [chủ nợ] nhằm mục đích thi hành đối với [con nợ].” Trong khi đối với một số trường hợp đặc biệt không cần có điều khoản thi hành thì nhiều điều khoản thi hành bổ sung sẽ được cấp nếu các bên chứng minh được nhu cầu cấp đặc biệt. Liên quan đến khả năng thi hành, trên thực tế thỉnh thoảng phát sinh các vấn đề về tính có thể áp dụng của luật nội dung nếu chỉ dựa vào nội dung của văn tự nợ. Chẳng hạn, khi yêu cầu thanh toán của chủ nợ lại tùy thuộc vào việc có hay không việc xảy ra một sự kiện mà chủ nợ có nghĩa vụ phải chứng minh bởi vì nội dung tại văn tự nợ chưa đủ để chứng minh rằng sự kiện đó đã xảy ra hay chưa. Trong một số trường hợp khác, khả năng thi hành liên quan đến người không có tên trong văn tự nợ. Trong các trường hợp nói trên, chủ nợ phải chứng minh bằng việc xuất trình giấy chứng nhận rằng sự kiện được nêu đã xảy ra hoặc xác nhận văn tự nợ có giá trị thi hành đối với hoặc cho một người không có tên tại văn tự nợ.
Về cơ bản, án dân sự được thi hành đối với tài sản của người phải thi hành (trên thực tế là đối với tài sản in rem thay vì nhân thân in personam - nghĩa là đối với bản thân người hay pháp nhân). Cơ quan thi hành án không buộc người phải thi hành phải trực tiếp thực hiện các hành vi được ghi trên văn tự nợ. Thay vào đó, cơ quan thi hành án, trong khả năng tối đa có thể, cố gắng đảm bảo để người được thi hành án có thể đạt được mục đích đòi nợ của mình mà không cần phải có sự hỗ trợ của người phải thi hành án. Nếu nghĩa vụ thi hành án là trả tiền hoặc giao tài sản thì cơ quan thi hành án sẽ bán tài sản của người phải thi hành án và trả tiền cho người được thi hành án. Thi hành án kiểu này gọi là cưỡng chế trực tiếp. Kể cả trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi cụ thể nào đó thì pháp luật vẫn có quy định tránh cưỡng chế nhân thân. Một nghĩa vụ mà có thể do một người không phải là người phải thi hành án thực hiện thì có thể được thực hiện thông qua cơ chế đại diện thi hành – thi hành thông qua người thứ ba, chi phí sẽ trích từ tiền thu được từ bán tài sản của người phải thi hành án. Nếu tính chất nghĩa vụ không cho phép người thứ ba đại diện thi hành, thì nhân viên thi hành án sẽ áp dụng hình thức cưỡng chế nhân thân gián tiếp. Trong trường hợp đó, tòa án có thể yêu cầu người phải thi hành án trả một khoản tiền bồi thường thiệt hại nhất định nếu không thi hành. Phương pháp này được gọi là cưỡng chế gián tiếp. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản không cho phép cưỡng chế bằng phạt tù. Điều này khác với thực tế ở một số nước theo luật thông lệ, nơi mà tòa án được giao quyền hạn khá rộng trong trường hợp “bất chấp lệnh của tòa”, thậm chí ở cả một số nước theo luật dân sự thành văn như Đức.
Thẩm quyền thực hiện thủ tục thi hành án dân sự được giao tòa thi hành án và chấp hành viên. CEL đã củng cố cơ bản thẩm quyền của cả tòa thi hành án và chấp hành viên. Tòa thi hành án “Tòa thi hành án”, như được quy định trong CEL, đơn giản là một tên gọi khác của Tòa án quận khi tòa này thực hiện thủ tục thi hành án. (Tòa án có thẩm quyền về mặt lãnh thổ được quy định phù hợp với đối tượng thi hành, chẳng hạn như đối với bất động sản thì do Tòa án quận nơi có bất động sản). Ở các Tòa án quận lớn thường có một bộ phận chuyên trách gồm các thẩm phán chuyên về các vấn đề thi hành. Tuy nhiên mỗi vụ việc cụ thể do 1 thẩm phán duy nhất đảm nhiệm. Tòa thi hành án, với sự hỗ trợ của chấp hành viên, trước hết chịu trách nhiệm về kê biên tài sản của người phải thi hành án từ người thứ ba (chẳng hạn như tài sản đang trong quá trình lưu thông, quyền phát sinh từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng hoặc các tài sản vô hình khác) đồng thời cũng thi hành án đối với tài sản là bất động sản, tàu thuyền v.v. Khi thi hành án, Tòa án ra quyết định thi hành. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa có thể quyết định mở hay không mở phiên xem xét còn CEL thì quy định về việc kiểm tra không chính thức để ra quyết định này. Tuy nhiên vẫn có các ngoại lệ về thẩm quyền thi hành án của tòa án. Đó là việc các tòa án khác ngoài Tòa án quận có thể thực hiện chức năng của tòa thi hành án. Chẳng hạn, hồ sơ của tòa án về dàn xếp hoặc thỏa thuận hòa giải giữa các bên có thể do tòa án giản lược hoặc Tòa án gia đình thi hành. Chấp hành viên là viên chức tòa án, người thực hiện các thủ tục thi hành án và tống đạt giấy tờ của toà án. Cụ thể trong năm 1998, chấp hành viên nhận 9.078 yêu cầu tống đạt giấy tờ của tòa án và 417.129 vụ thi hành án (bao gồm cả thi hành quyết định kê biên và xử lý tạm thời), chủ yếu là kê biên và bán cưỡng chế động sản và bất động sản. Tháng 4/2000 có khoảng 620 chấp hành viên trên toàn quốc cùng một số phó chấp hành viên. Nếu cần thiết (trường hợp thiếu chấp hành viên), Tòa án quận có thể yêu cầu thư ký tòa án thực hiện công việc thi hành án của chấp hành viên. Tuy là viên chức nhưng chấp hành viên về cơ bản không nhận lương cố định mà nhận phí thi hành án theo vụ việc. Chấp hành viên được bố trí tại các Tòa án quận và một thẩm phán của Tòa án quận được chỉ định giám sát các chấp hành viên. Chấp hành viên thi hành án đối với tài sản hữu hình, bao gồm cả giấy tờ có giá trị, thu và giữ tài sản cụ thể, bao gồm cả động sản lẫn bất động sản. Ngoài ra, chấp hành viên còn giúp tòa thi hành án thực hiện tất cả các loại thi hành án.
Đối với các vụ việc mà nhìn chung khó khăn hoặc phức tạp về mặt pháp lý, đòi hỏi phải xác định hoặc giải thích pháp luật thì việc thi hành án được giao cho tòa án thi hành còn các vụ việc đơn giản hơn, chủ yếu liên quan đến các hành vi cụ thể thì giao cho chấp hành viên trực tiếp thi hành. Cả tòa thi hành án lẫn chấp hành viên đều là những bộ phận của hệ thống tư pháp Nhật Bản. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của họ được quy định tại Luật Chấp hành viên năm 1966 dù trên thực tế Tòa án tối cao đã bắt đầu thực hiện một số quyền quản lý nhất định từ năm 1954. Trước đây chấp hành viên được Bộ trưởng Nội vụ bổ nhiệm sau khi họ thi đỗ kỳ thi sát hạch. Hiện Nhật Bản không có cơ quan hành chính riêng quản lý công tác thi hành án. Trong quá trình thi hành án, công tố viên và cảnh sát ít tham gia vì cưỡng chế bằng cách phạt tù không được phép tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu người phải thi hành án chống thi hành án bằng hành vi phạm tội (như hành hung) thì đương nhiên cảnh sát và công tố viên sẽ vào cuộc.
Sau khi chấp hành viên trở thành một bộ phận của hệ thống tư pháp theo quy định của Luật năm 1966, họ được chuyển vào làm việc tại văn phòng mới ngay trong mỗi tòa án có liên quan. Sau kỳ sát hạch, họ phải qua kỳ phỏng vấn để trở thành chấp hành viên. Những người đang làm thư ký tòa án mà muốn trở thành chấp hành viên thì không phải qua cuộc phỏng vấn. Nhiều người trong số này trở thành chấp hành viên khi gần đến tuổi về hưu. Ứng cử viên để trở thành chấp hành viên phải là người có ngạch bậc từ 7 trở lên trong hệ thống công vụ và tuổi đời ít nhất là 40. Tuy nhiên, cho đến nay chấp hành viên vẫn duy trì cơ chế truyền thống về nhận phí thi hành án thay vì nhận lương cố định (có quy định về mức tối thiểu theo ngân sách chung của tòa án). Từ năm 1966, chấp hành viên không còn quyền tự chọn phó chấp hành viên riêng cho mình. Do số lượng các vụ việc thi hành giảm trong giai đoạn sau năm 1966 nên Bennett (1999) cho rằng người được thi hành án có xu hướng thuê người từng là phó chấp hành viên hoặc các bên khác (thậm chí cả găng-xtơ Nhật - yakuza) thi hành các bản án mà chấp hành viên chính cho là quá phức tạp so với mức phí cố định ít ỏi do Tòa án tối cao quy định. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra các lý do khác cho số lượng vụ thi hành án giảm. Nhìn chung, Bennett cho rằng việc hạn chế hoạt động của chấp hành viên (đương nhiệm) dễ dẫn đến việc gia tăng thi hành án ngầm dù thừa nhận rằng đã có cải cách nhất định về luật thi hành án dân sự và luật tố tụng dân sự. Phí hoạt động của tòa thi hành án được trích ra từ ngân sách hoạt động chung của tòa án. Khác với tòa thi hành án, chấp hành viên nhận phí thi hành án do người đề nghị thi hành án trả. Tuy nhiên, theo lệnh của Nội các (số 394 năm 1966) thì nếu thu nhập từ phí của chấp hành viên không đạt được một mức nhất định thì Nhà nước sẽ trợ cấp thêm. Biểu phí cho các hình thức thi hành án do Tòa án tối cao quy định (Quy chế số 15 năm 1966). Vì án dân sự do các cơ quan của hệ thống tư pháp Nhật Bản thi hành nên theo thuyết phân chia quyền lực cơ chế giám sát thi hành án và biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được quy định trong phạm vi hệ thống tòa án. Trên thực tế, đôi khi khoản nợ cần đòi theo văn tự nợ được cho là thiếu cơ sở nên việc thi hành án đối với khoản nợ đó sẽ trở nên bất hợp pháp. (Việc thi hành án không bất hợp pháp nếu như có văn tự nợ hợp pháp và cơ quan thi hành án có thẩm quyền tuân thủ đúng thủ tục luật định). Trường hợp có nghi ngờ về cơ sở thi hành án thì người phải thi hành có thể khiếu nại, gọi là “khiếu nại đối với yêu cầu trả nợ”. Quyết định xử lý khiếu nại trong trường hợp đó (theo yêu cầu của đương đơn - người phải thi hành án) sẽ làm cho văn tự nợ có liên quan mất hiệu lực thi hành và yêu cầu đòi nợ kèm theo mất giá trị. Tuy nhiên, nếu giá trị pháp lý của văn tự nợ được bảo vệ theo nguyên tắc “sự việc đã được quyết định”, có nghĩa là bản án có liên quan đã có hiệu lực cuối cùng không thể hủy bỏ, thì việc khiếu nại phải dựa trên cơ sở các sự kiện xảy ra sau khi bản án đã được tuyên - cụ thể là sau khi kết thúc phần tranh luận miệng tại tòa án ra bản án. Khi văn tự nợ không được bảo vệ theo nguyên tắc res judicata, đặc biệt là đối với các văn tự đã được công chứng, thì không áp dụng hạn chế này. Đương đơn lúc nào cũng có thể khiếu nại về hiệu lực của hợp đồng tại văn tự công chứng. Sau khi người phải thi hành án – đương đơn có đơn khiếu nại chống lại yêu cầu đòi nợ, việc thi hành án có thể bị đình chỉ và sẽ chấm dứt hoàn toàn nếu đương đơn khiếu nại đúng. Nếu cơ quan có thẩm quyền cấp điều khoản thi hành từ chối cấp điều khoản một cách bất hợp pháp thì việc từ chối này có thể bị khiếu nại thông qua việc nộp đơn “phản đối việc từ chối cấp điều khoản thi hành” tại Tòa án quận nơi thư ký tòa án, từ chối cấp điều khoản thi hành làm việc hoặc tại Tòa án quận có thẩm quyền đối với văn phòng công chứng đã từ chối cấp điều khoản thi hành. Trường hợp bị thiệt hại, bên liên quan có thể khiếu nại quyết định của tòa thi hành án bằng cách nộp đơn khiếu nại quyết định thi hành kokoku tại tòa thi hành án (nhưng đề gửi cho Tòa thượng thẩm) trong thời gian 1 tuần chỉ khi CEL quy định cụ thể được phép khiếu nại kokoku, khi đó, có thể khiếu nại bất kỳ việc thi hành án nào khác bằng cách nộp đơn khiếu nại việc thi hành án tại tòa thi hành án. CEL đã quy định rõ hơn về hệ thống biện pháp khẩn cấp tạm thời cho bên bị thiệt hại. Nếu chấp hành viên vi phạm pháp luật thì bên bị thiệt hại do sự vi phạm đó gây nên có thể khiếu nại. Từ năm 1947 trở đi chấp hành viên không còn phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thiệt hại do hành vi bất hợp pháp của họ gây ra khi thi hành án nữa. Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đó theo quy định của Luật Bồi thường nhà nước. Điều 1 Luật này quy định khi hành vi bất hợp pháp của công chức thi hành công vụ nhằm duy trì trật tự công gây thiệt hại cho người khác thì Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp công chức cố ý vi phạm hoặc có lỗi bất cẩn lớn thì công chức phải bồi hoàn cho Nhà nước phần tiền đã trả cho người bị thiệt hại.
Phần trên đánh giá về những điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống thi hành án; khả năng đáp ứng các mục tiêu mà nhà nước đặt ra; tầm nhìn khách quan đối với toàn bộ hệ thống tư pháp; minh họa về một số thách thức, những vấn đề tranh cãi và các vấn đề cần cải cách. Hệ thống thi hành án dân sự và văn tự nợ ở Nhật Bản hoạt động hiệu quả hơn nhiều kể từ khi CEL được ban hành năm 1979 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1989 và các năm thuộc thập niên 1990 và tiếp tục được cải tiến từ năm 2003 đến nay theo khuyến nghị của JRC). Công chứng viên có kỹ năng cao (như tại các nước khác theo truyền thống luật dân sự như Đức) và đội ngũ chấp hành viên nhận thù lao bằng phí thi hành án (nét khá đặc biệt) là những nhân tố quan trọng trong hệ thống này. Các điểm trên giúp giải thích tại sao Nhật Bản có tỉ lệ thẩm phán trên đầu người thấp so với các nước khác theo hệ thống luật dân sự thành văn như Đức hay Pháp. Một trong những cải cách lớn nhất trong CEL 1979 là việc cho phép người đấu giá bất động sản của người phải thi hành án giữ kín giá bỏ thầu nhằm tránh sự quấy rối khó chịu của những người được thuê thi hành án kyobai-ya (thường là các hội có liên quan đến găng-xtơ) hay can thiệp vào quá trình bán đấu giá. Tuy sau đó, khi kyobai-ya đã hầu như biến mất khỏi những nơi bán đấu giá, lại xuất hiện nhóm quấy rối khác can thiệp vào việc bán đấu giá bằng cách thuê trước tài sản của người phải thi hành án và đăng ký tạm thời việc thuê đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để giảm thiểu tình trạng mới phát sinh này, các nhà bình luận và tòa án bắt đầu giải thích theo nghĩa rộng điều khoản về các biện pháp bảo vệ tạm thời được quy định tại CEL và lệnh chuyển giao tài sản. Tuy nhiên, do việc giải thích theo nghĩa rộng và thoáng hơn như vậy cũng gặp phải một số hạn chế nhất định nên năm 1996, sau vụ sụp đổ của các công ty cho vay và tiết kiệm mà hậu quả là việc xuất hiện nhiều con nợ có bất động sản và chủ nợ thì muốn xử lý đối với các bất động sản đó. Trong bối cảnh này, theo đề nghị của đại biểu Quốc hội, Điều 55, 77 và 83 của CEL đã được sửa đổi. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị sửa đổi một lần khác vào năm 1998, sau khi Ngân hàng Hokkaido Takushoku và một số tổ chức tài chính khác sụp đổ vào cuối năm 1997 nhằm giúp thúc đẩy quá trình xử lý bất động sản. Ví dụ, quyền kiểm tra của chấp hành viên đã gia tăng trong quá trình xem xét bất động sản hay các phiên bán đấu giá có thể bị đình chỉ hoặc chấm dứt nếu dự kiến không thể bán.
Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản tiếp tục bị đình trệ nên năm 2001 JRC tiếp tục khuyến nghị như sau về “Tăng cường hệ thống thi hành án dân sự - Đảm bảo hiệu quả việc thực thi quyền”: (1) Cần áp dụng các biện pháp mới để cải tiến hệ thống thi hành án dân sự, chẳng hạn các biện pháp sau: Khuyến khích người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ; Xác định tài sản của người có nghĩa vụ; Giải quyết tình trạng những người cư trú bất hợp pháp ngăn cản thi hành án đối với bất động sản v.v. Thêm vào đó, cần thiết lập một hệ thống đảm bảo việc thanh toán định kỳ các số tiền nhỏ như nghĩa vụ cấp dưỡng trong các vụ việc hôn nhân gia đình hoặc thỏa thuận hòa giải. Theo quy định của pháp luật hiện hành, vốn chỉ cho phép thi hành trực tiếp thông qua cưỡng chế thi hành trên cơ sở yêu cầu trả tiền, nên nếu số tiền yêu cầu thanh toán không lớn thì thời gian và chi phí cần thiết để cưỡng chế thi hành án sẽ cao hơn số tiền yêu cầu thi hành án rất nhiều. Và ngay cả khi có quyết định yêu cầu thanh toán, người được thi hành án cũng có thể không thực hiện được việc cưỡng chế thi hành vì không biết người có nghĩa vụ có các loại tài sản nào hoặc khi người có nghĩa vụ cố tình giấu tài sản. Về việc cản trở thi hành án đối với bất động sản, hiện ngày càng có nhiều các biện pháp bảo vệ người nhận thế chấp hay người mua trong phiên đấu giá. Chẳng hạn, do kết quả của việc sửa đổi Luật Thi hành án vào các năm 1996 và 1998, ngay trong quá trình bán đấu giá bất động sản đã có biện pháp cho phép trục xuất người cư ngụ trái phép dựa trên các hợp đồng thuê ngắn hạn có tính lạm dụng. Ngoài ra, Tòa án tối cao trong bản án của Đại Pháp đình ngày 24 tháng 01 năm 1999 đã ghi nhận việc thế quyền yêu cầu trục xuất một người cư trú bất hợp pháp trên bất động sản bị kê biên. Tuy vậy, hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng các hợp đồng thuê ngắn hạn và cản trở thi hành án của những người thuê bất hợp pháp. Để xử lý các vấn đề trên, các biện pháp mới nhằm cải tiến hệ thống thi hành án dân sự, chẳng hạn như khuyến khích người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, xác định tài sản của người có nghĩa vụ và khắc phục tình trạng người thuê bất hợp pháp cản trở thi hành án đối với bất động sản v.v. cần được quy định để nâng cao hiệu quả của việc thực thi các quyền của người được thi hành án. Cũng có ý kiến cho rằng pháp luật hiện hành chưa đủ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ định kỳ thanh toán các khoản tiền nhỏ, chẳng hạn như nghĩa vụ trả tiền trong các vụ việc về hôn nhân gia đình hoặc thỏa thuận hòa giải (chẳng hạn như tiền cấp dưỡng). Trong bối cảnh đó, cần thiết lập cơ chế đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ để đảm bảo hiệu quả của việc thực thi các quyền của người được thi hành án. Ngoài ra, cũng cần cải tiến và tăng cường tổ chức nhân sự của tòa án, kể cả việc tăng mạnh số lượng thẩm phán và viên chức tòa tham gia công tác thi hành án để giải quyết nhanh chóng và đầy đủ các vụ thi hành án dân sự. Hiện chưa có số liệu về tăng biên chế và ngân sách của ngành Tòa án từ năm 2001. Tuy nhiên, các khuyến nghị cải cách còn lại đều đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2005, sau khi các kiến nghị và đề xuất cụ thể này được gửi tới Hội đồng Cải cách lập pháp của Bộ Tư pháp. Chẳng hạn, đối với bất động sản, các quy định về áp dụng biện pháp bảo vệ tài sản tiếp tục được mở rộng. Đồng thời cũng có cơ chế cho phép áp dụng các biện pháp này kể cả trong trường hợp chưa xác định ngay được mục tiêu của việc áp dụng. Ngoài ra, người tham gia đấu giá cũng được phép kiểm tra nội thất bên trong của động sản cùng với chấp hành viên. Các cải tiến pháp luật nói trên cũng được áp dụng cho các quyền lợi bảo đảm không phải là bất động sản là tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, cơ chế cho phép hưởng ưu tiên thanh toán từ thu nhập bất động sản được thế chấp. Ngoài ra cũng có các cải cách về quyền lợi bảo đảm đối với động sản. Thêm vào đó, Nhật Bản còn áp dụng thủ tục mới (thường thấy ở các nước khác) buộc tiết lộ thông tin về tình hình tài chính nhằm thúc đẩy việc buộc thi hành nghĩa vụ về tiền. Nhìn một cách tổng quát, hệ thống thi hành án dân sự đã được hiện đại hóa một cách khá toàn diện và xem ra hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên kinh nghiệm trước nay cho thấy các hành vi cản trở việc thi hành án dân sự cũng luôn thay đổi để can thiệp vào việc thi hành án dân sự khiến lĩnh vực quan trọng này lúc nào cũng phải được giám sát chặt chẽ./.
 
              Ths. Nguyễn Xuân Tùng
       Chánh Văn phòng Tổng cục THADS

          Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp: Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của một số quốc gia, năm 2011.