Hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về THADS

16/10/2018
Hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về THADS
Ngày 09/10/2018, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký Báo cáo số 19/BC-CP về công tác thi hành án năm 2018.
Báo cáo khẳng định, năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đây cũng là năm Hệ thống cơ quan thi hành án tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theoNghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân (TAND), công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được Quốc hội giao, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ với những kết quả quan trọng, qua đó, góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế của đất nước.
Về tình hình triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Báo cáo khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13, ngày 01/01/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết yêu cầu “Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực công tác THADS, qua đó góp phần cải thiện mức tín nhiệm của nền kinh tế đất nước.
Trên cơ sở đó, ngày 05/4/2018, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCS về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác THADS, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 - 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác THADS như: (1) Tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS năm 2018; (2) Nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng và thu hồi cho ngân sách trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; (3) Tiếp tục hoàn thiện thể chế THADS.
Về kết quả THADS, về việc, đến hết tháng 9/2017, số cũ chuyển sang là 320.015 việc; từ 01/10/2017 đến 30/9/2018, thụ lý mới 607.234 việc. Như vậy, tổng số thụ lý là 927.249 việc, tăng 44.512 việc (5,04%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 914.083 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 711.990 việc (77,89%); số chưa có điều kiện thi hành là 202.093 việc (22,11%). Kết quả: Thi hành xong 571.708 việc, đạt tỉ lệ 80,30%.
- Về tiền, đến hết tháng 9/2017, số cũ chuyển sang là 128.415 tỷ 619 triệu 588 nghìn đồng; từ 01/10/2017 đến 30/9/2018, thụ lý mới là 67.585 tỷ 641 triệu 360 nghìn đồng. Như vậy, tổng số thụ lý là 196.001 tỷ 260 triệu 948 nghìn đồng, tăng 23.041 tỷ 536 triệu 021 nghìn đồng(13,32%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 178.628  tỷ 202 triệu 056 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 90.009 tỷ 568 triệu 485 nghìn đồng (51,28%); số chưa có điều kiện thi hành là 85.500 tỷ 572 triệu 105 nghìn đồng (48,72). Kết quả: Thi hành xong 34.520 tỷ 915 triệu 718 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,35%.
- Tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 102.097 việc, tương ứng với số tiền 22.674 tỷ 727 triệu 816 nghìn đồng. Kết quả: Thi hành xong 51.708 việc, thu được số tiền là 2.303 tỷ 591 triệu 745 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 50,64% về việc và 10,2% về tiền.
Các cơ quan THADS và cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân và Quy chế phối hợp số 911/QCLN-TCTHADS-TCTHAHS ngày 26/11/2015 giữa Tổng cục THADS và Tổng cục Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp trong công tác THADS. Thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tha tù trước hạn có điều kiện, các cơ quan THADS đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quy định về việc xác nhận kết quả thi hành án đối với phạm nhân đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an kiểm tra công tác phối hợp trong THADS với trại giam tại 02 địa phương.
Về kết quả xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tổng số 6.502 việc, với số tiền là 78 tỷ 550 triệu 404 nghìn đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã xét miễn, giảm tổng số 5.867 việc, tương ứng với số tiền 70 tỷ 038 triệu 618 nghìn đồng.
Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 9.857 trường hợp, sau khi có Quyết định cưỡng chế, có 869 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án. Như vậy, tổng số việc phải tổ chức cưỡng chế là 8.988 trường hợp.
Tiếp tục triển khai Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh những sai sót trong quá trình phối hợp thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên, đồng thời thành lập Tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tài sản thi hành án bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành và đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá tại nhiều địa phương.
Trong công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, thực hiện Điều 44ª Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm qua, công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án luôn được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nghiêm chỉ tiêu này, đồng thời tổ chức các Đoàn kiểm tra toàn diện và chuyên đề, định kỳ và đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra công tác xác minh điều kiện thi hành án, qua đó đã giúp kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành chính xác hơn, kết quả THADS ngày càng thực chất và bền vững.
Tại địa phương, Thủ trưởng các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm túc việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án. Các cơ quan THADS địa phương đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xác minh điều kiện thi hành án không đúng thời hạn, phân loại án không chính xác để chạy theo thành tích, do bảo đảm tính công khai, minh bạch nên về cơ bản không phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động phân loại án.
Về số án chuyển kỳ sau, tổng số việc chuyển kỳ sau là 342.375 việc, trong đó, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 140.282 việc, so với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 (143.849 việc) giảm 3.567 việc (giảm 2,48%). Tổng số tiền chuyển kỳ sau là 140.989 tỷ 224 triệu 873 nghìn đồng, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 55.488 tỷ 652 triệu 768 nghìn đồng, so với số tiền có điều kiện thi hành năm 2017 (56.757 tỷ 585 triệu 502 nghìn đồng) giảm 1.268 tỷ 932 triệu 734 nghìn đồng (giảm 2,24%).
          Về thi hành án đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng và thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, tổng số phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng là 24.907 việc, với số tiền là 108.999 tỷ 067 triệu 591 nghìn đồng, tương ứng với 2,72% về việc và 62,1% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả: Thi hành xong 4.251 việc, thu được số tiền là 24.575 tỷ 914 triệu 210 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 17,07% về việc và 22,55% về tiền.
Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS địa phương đã ban hành Kế hoạch của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, kiểm tra, phúc tra và trả lời các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức tín dụng về các nội dung liên quan đến nghiệp vụ THADS. Đồng thời, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh; các cơ quan THADS đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang thi hành để có kế hoạch đẩy nhanh việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định loại này; kịp thời tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS đối với những vụ việc phức tạp.
          Về kết quả thi hành án đối với một số vụ việc trọng điểm, Chính phủ luôn xác định thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng lớn là một vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: Vụ Vinalines, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Ngân hàng phát triển Đắk Lắk, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty đầu tư tài chính II, Vụ Phạm Công Danh, vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Giang Kim Đạt, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Hà Văn Thắm đã được đưa ra xét xử. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch giải quyết, thành lập các Tổ công tác; tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành Công điện đôn đốc vàtổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc. Sau khi nhận được bản án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan THADS đã tiến hành thụ lý và tập trung tổ chức thi hành án. Mặc dù các cơ quan THADS có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc loại này còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cơ bản sau: Một là, số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp; Hai là, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng,tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án; tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác mà chưa xác định rõ phần tài sản của từng người; tài sản là dự án chưa thực hiện xong việc đền bù, hoặc nhận tiền đền bù nhưng vẫn không chuyển đi; Ba là,thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ, dẫn đến các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản và tiến độ thi hành án.
Về theo dõi thi hành án hành chính, thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Hệ thống THADS thường xuyên rà soát, theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính. Các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Các cơ quan THADS đã ra văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án là 128 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp do không chấp hành án. Kết quả: thi hành xong 139 vụ việc, còn lại 224 vụ việc chưa thi hành xong. Riêng 50 vụ việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành án từ năm 2017 chuyển sang đã thi hành xong 25 vụ việc.
Năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thi hành đúng, đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan trực thuộc thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý; tập trung thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập Đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của UBND và Chủ tịch UBND tại một số tỉnh, thành, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp trong quá trình tham gia tố tụng hành chính, đặc biệt là trong các khâu đối thoại, tham dự phiên tòa và thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Về kết quả phối hợp với Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản về THADS và tổ chức THADS, từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/9/2018, các cơ quan THADS đã phối hợp với Thừa phát lại tống đạt 53.817văn bản, xác minh điều kiện thi hành án 11 việc và tổ chức thi hành án đối với 24 việc. Nhìn chung, công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và Thừa phát lại tiếp tục được thực hiện kịp thời, hiệu quả, qua đó góp phần giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan THADS.
 Về tình hình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, năm 2018, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế với việc ban hành 01 Thông tư liên tịch và 03 Thông tư. Như vậy, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã được hoàn thiện với 02 Nghị định, 01 Chỉ thị, 09 Thông tư liên tịch và 16 Thông tư. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung rà soát, sơ kết việc thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác THADS thời gian qua.
Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, toàn Hệ thống đã tiếp nhận tổng số 666 vụ việc đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ. Kết quả: đã giải quyết 645/666 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,84%. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng thống nhất pháp luật, khắc phục những sai sót thường gặp trong quá trình tác nghiệp, Bộ Tư pháp đã thường xuyên chỉ đạo Hệ thống THADS thực hiện nghiêm túc Quy trình tổ chức thi hành án trong Hệ thống THADS và Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ THADS trong nội bộ ngành THADS; tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã tổ chức các Hội thảo, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định giá tài sản bảo đảm cho vay; hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ về xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; bán đấu giá tài sản; sử dụng biểu mẫu nghiệp vụ THADS; quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS; xử lý khoản tiền tạm thu còn tồn trên tài khoản tạm gửi; đồng thời đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC ban hành văn bản hướng dẫn một số vấn đề phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại địa phương, Cục THADS đã thường xuyên hướng dẫn, quan tâm chỉ đạo khắc phục các sai sót, vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ; định kỳ tổ chức giao banvới các Chi cục THADS trực thuộc để nắm bắt tình hình và kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc công tác THADS trên địa bàn; chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đối với các Chi cục; tổ chức họp liên ngành với các sở, ban, ngành hoặc kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo THADS đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp. Nhiều địa phương đã thành lập các Tổ công tác để giúp Thủ trưởng cơ quan THADS tập trung giải quyết hiệu quả các vụ việc, nhất là các vụ việc có giá trị thi hành lớn, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Thủ trưởng các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ, bố trí địa điểm tiếp dân, công chức có phẩm chất, kỹ năng dân vận và tinh thần phục vụ làm công tác này. Bộ Tư pháp cũng thường xuyên chấn chỉnh, kiểm tra công tác tiếp công dân, đồng thời yêu cầu các cơ quan THADS địa phương tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm kiến nghị từ cơ sở. Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiếp 691 lượt công dân, giảm 97 lượt so với năm 2017.
Năm 2018, Hệ thống THADS đã tiếp nhận 3.171 việc thuộc thẩm quyền. Kết quả: Giải quyết xong 3.080 việc/3.171 việc (2.757 việc khiếu nại và 323 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 97,13%, tăng 1,22 so với năm 2017 (95,91%); số việc đang tiếp tục giải quyết là 91 việc (69 việc khiếu nại và 22 việc tố cáo). Từ năm 2018, Hệ thống THADS đã thực hiện nghiêm túc việc đăng tải Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 trên Cổng, Trang thông tin điện tử của đơn vị. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành để tìm hướng giải quyết dứt điểm một số vụ việc đã tồn đọng, kéo dài, như vụ Bà Vũ Thị Bầu (Bắc Giang), vụ Bà Phạm Thị Hồng Tự (Hải Phòng).
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các Cục, Chi cục THADS phải ban hành Kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra hàng năm theo hướng mỗi năm 100% Cục, Chi cục thực hiện việc tự kiểm tra; Cục THADS kiểm tra toàn diện tối thiểu 2/3 số đơn vị trên địa bàn.
Trên cơ sở Kế hoạch kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 111/2015/QH13 tại các Cục, Chi cục. Tại địa phương, các cơ quan THADS đã ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, trong đó tập trung kiểm tra, tự kiểm tra đối với các nội dung liên quan đến thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, bán đấu giá tài sản thi hành án, trình tự, thủ tục thi hành án, hồ sơ thi hành án.
Về hoạt động thanh tra, Bộ Tư pháp đã thực hiện 08 cuộc thanh tra hành chính tập trung vào các nội dung đầu tư xây dựng cơ bản; công tác tổ chức cán bộ và quản lý, sử dụng kinh phí và 02 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời cũng đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm một số thiếu sót, sai phạm về công tác đầu tư, xây dựng cơ bản; tổ chức cán bộ; việc quản lý, sử dụng kinh phí và trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Hoạt động giám sát, kiểm sát củacác cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VKSND các cấp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức giám sát Ban cán sự Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp giai đoạn 2016 - 2017, trong đó có công tác THADS. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thực hiện giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND”.
Qua thống kê, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện 229 cuộc giám sát đối với công tác THADS, giảm 19 cuộc so với năm 2017. Hàng năm, theo yêu cầu của HĐND và UBND cùng cấp, các cơ quan THADS báo cáo công tác THADS trước HĐND và UBND theo quy định. Qua giám sát, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 180 kết luận giám sát. VKSND các cấp đã thực hiện 1.061 cuộc kiểm sát đối với công tác THADS và ban hành 128 kháng nghị và 1.116 kiến nghị. Các cơ quan THADS đã nghiêm túc tiếp thu các kháng nghị, kiến nghị của VKSND và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót.
Về công tác bồi thường Nhà nước và bảo đảm tài chính, toàn quốc có 33 vụ việc bồi thường nhà nước đang được chỉ đạo giải quyết, trong đó năm trước chuyển sang là 27 vụ việc và thụ lý mới 06 vụ việc. Kết quả: Giải quyết xong 07 vụ việc, còn 26 vụ việc đang tiếp tục được xem xét, giải quyết. Triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt những điểm mới của Luật này, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước, chấn chỉnh rút kinh nghiệm, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Về bảo đảm tài chính, toàn quốc có 09 vụ việc, trong đó năm 2017 chuyển sang là 05 vụ việc, phát sinh mới 04 vụ việc. Kết quả: giải quyết xong 02 vụ việc (kỳ trước chuyển sang), trong đó, số tiền ngân sách Nhà nước phải cấp để bảo đảm tài chính là 340 triệu 587 nghìn 500 đồng. Hiện còn 07 vụ đang xem xét giải quyết.
Về biên chế, đã thực hiện 9.289/9.488 biên chế. Hiện toàn quốc có 4.112 Chấp hành viên; 729 Thẩm tra viên và 1.791Thư ký thi hành án. Bộ Tư pháp đã thường xuyên rà soát, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan THADS. Để nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về công tác cán bộ, trong đó tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ ngày 14/3/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan THADS giai đoạn 2014 - 2016 kết hợp với sơ kết công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, công tác biệt phái, trên cơ sở đó đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chung trong toàn Hệ thống.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm chú trọng với nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hơn với từng đối tượng và thực tiễn công tác thi hành án thời gian qua. Năm 2018, đã tổ chức 15 lớp bồi dưỡng cho các đối tượng.
Công tác quản lý tài chính ngân sách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định và ngày càng đạt hiệu quả. Chế độ thu, chi, lập chứng từ, cập nhật sổ sách được thực hiện thường xuyên, chính xác, đáp ứng đầy đủ, kịp thời việc báo cáo quyết toán. Công tác kiểm tra về quản lý ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được chú trọng thực hiện, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại trong lĩnh vực này.
Trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, năm 2018, Bộ Tư pháp đã triển khai, đầu tư xây dựng mới 23 trụ sở và 07 kho vật chứng các cơ quan THADS địa phương. Đến nay, toàn Hệ thống THADS đã triển khai, đầu tư xây dựng trụ sở đối với 757 đơn vị, còn 20 đơn vị cấp Chi cục chưa có trụ sở làm việc. Đã triển khai, đầu tư xây dựng được 269 kho vật chứng, còn 504 đơn vị chưa có kho vật chứng, trong đó cấp Cục 04 đơn vị và cấp Chi cục là 500 đơn vị.
Các cơ quan THADS trên toàn quốc tiếp tục vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án, rà soát, công bố thủ tục hành chính, thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến, tăng cường sử dụng chữ ký số và văn bản điện tử. Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, Bộ Tư pháp và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong THADS qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục hiện đại hóa hoạt động quản lý công tác THADS, Bộ Tư pháp đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS năm 2018, trong đó trọng tâm là triển khai Hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp Chi cục và thống nhất triển khai, vận hành phần mềm Quản lý THADS trên toàn quốc.
Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đặc biệt quan tâm chú trọng ở cả trung ương cũng như địa phương. Các Quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả THADS. Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức các buổi làm việc với Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Hiện nay, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung rà soát để ký kết Quy chế phối hợp giữa hai Bộ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã có nhiều Đoàn làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ và hoạt động chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều Chỉ thị lãnh đạo công tác THADS trên địa bàn.
Tại địa phương, công tác phối hợp trong hoạt động THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương theo quy định tại Điều 173, 174, 175 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Ban chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, nhất là trong chỉ đạo công tác phối hợp thi hành án, tổ chức cưỡng chế, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, những vụ việc khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế như còn một số sai sót, vi phạm trong nghiệp vụ THADS. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm đáng kể so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều (năm 2018 số công chức bị xử lý kỷ luật là 65 trường hợp, giảm 36 trường hợp so với năm 2017), trong đó vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ là 17 trường hợp.
Các khó khăn, vướng mắc cơ bản trong công tác THADS năm 2018 điển hình như:
- Hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ như thẩm định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so với giá thẩm định khi kê biên đấu giá; không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, dẫn đến khi phát mãi tài sản phát sinh nhiềukhiếu nại, tranh chấp hoặc đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua. Một số ngân hàng có tâm lý bảo vệ khách hàng, thiếu hợp tác trong cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án;
- Qua rà soát, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cơ bản sau:
Thứ nhất, về nghĩa vụ nộp thuế khi bán đấu giá tài sản
Khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, khi chuyển nhượng bất động sản thì người có tài sản chuyển nhượng (kể cả người phải thi hành án) thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013. Tuy nhiên, tại Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định số tiền thu từ tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Các trường hợp xử lý nợ xấu thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho tổ chức tín dụng nên không còn để thanh toán nghĩa vụ thuế. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan thuế đều yêu cầu phải hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì mới tiến hành được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, khởi kiện yêu cầu cơ quan THADS phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản.
Thứ hai, về nghĩa vụ nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án
Khoản 3 Điều 47 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định khoản án phí được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán cho các khoản nghĩa vụ có bảo đảm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì khoản án phí để thu cho ngân sách nhà nước cũng không được ưu tiên thanh toán nên dẫn đến tồn đọng việc thi hành án. Hầu hết người phải THADS không còn tài sản, điều này sẽ dẫn đến tình trạng án loại này không được thi hành.
Thứ ba, tiền hỗ trợ thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất
Khoản 5 Điều 115 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ mà người phải thi hành án không còn tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì cơ quan THADS trích lại một khoản tiền để người đó thuê nhà (giá thuê trung bình tại địa phương) trong thời hạn 01 năm. Đây là chính sách nhân đạo nhằm đảm bảo nơi cư trú tối thiểu cho người phải thi hành án khi bị cưỡng chế giao nhà nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện các nghĩa vụ khác nên nhiều tổ chức tín dụng không hỗ trợ khoản kinh phí này gây khó khăn cho công tác cưỡng chế giao tài sản.
 Trường hợp người phải thi hành án và gia đình không được hỗ trợ chỗ sinh sống tạm thời thìkhông nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như xã hội dẫn đến cơ quan THADS không thể cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá và đồng nghĩa với việc không thể thanh toán tiền cho các tổ chức tín dụng. Nhiều trường hợp Ban Chỉ đạo THADS không chỉ đạo cưỡng chế các vụ việc loại này vì e ngại vấn đề ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
(3) Điều kiện thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn còn gặp nhiều khó khăn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế; đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương, trong khi chưa có cơ chế xử lý đồng bộ; tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án; tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác mà chưa xác định rõ phần tài sản của từng người, tài sản có biến động về hiện trạng, diện tích; tài sản là dự án chưa thực hiện xong việc đền bù, giải tỏa... Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
(4) Chưa có cơ chế riêng trong thẩm định giá tài sản phát mãi để thi hành án, đặc biệt chưa tính đến tính rủi ro, tâm lý “e ngại” của người mua tài sản kê biên, phải cưỡng chế giao tài sản sau khi trúng đấu giá. Một số tổ chức thẩm định giá, định giá tài sản kê biên cao, không sát với thực tế tình hình kinh tế xã hội tại địa phương dẫn đến tài sản kê biên phải đấu giá nhiều lần, kéo dài thời gian thi hành án. Ngoài ra, người được thi hành án, đặc biệt là các tổ chức tín dụng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong trường hợp không có người tham gia đấu giá hoặc bán đấu giá không thành.
(5) Cơ chế thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế tự thi hành, do đó, đối với những trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành vẫn chưa có những cơ chế cụ thể, đủ mạnh để thực hiện những biện pháp cưỡng chế thi hành án hành chính đối với người phải thi hành án.
(6) Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao. Việc thực hiện các chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp này. Mặc dù đã giảm nhiều so với năm trước song còn một số bản án tuyên không rõ, có sai sót. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá. Toàn quốc còn 667 vụ việc đấu giá thành tương ứng với số tiền trên 1.424 tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá.
(7) Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu kho vật chứng, trụ sở làm việc ở một số đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan THADS. Đến hết năm 2018, còn 20 đơn vị chưa có trụ sở làm việc đang phải đi thuê hoặc ở nhờ, mượn trụ sở và 504 đơn vị chưa có kho vật chứng.
Về nguyên nhân chủ quan, cần phải kể đến (1) Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức, Chấp hành viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ; chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát, kiểm tra, giám sát; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra còn hạn chế. (2) Một số cơ quan THADS chưa chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác THADS, nhất là trong chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài.
Về nguyên nhân khách quan, cần phải kể đến (1) Số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao so với năm trước (năm 2018 tăng 44.619 việc (5,06%), tăng 23.041 tỷ 536 triệu 021 nghìn đồng (13,32%) so với năm 2017), (2) Còn hơn 202 nghìn việc với gần 86.000 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau nhưng vẫn phảitiếp tục theo dõi, đôn đốc, xác minh theo định kỳ (hầu hết là không có điều kiện thi hành án), trong khi thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế (năm 2018, toàn Hệ thống cắt giảm 169 biên chế (1,75%) so với năm 2017), gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động THADS, (3)  Nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng lớn, tính chất phức tạp, hạng mục tài sản phải kê biên lớn, nhiều chủng loại hoặc mới được thụ lý đang trong giai đoạn đầu của quá trình tổ chức thi hành án. Nhiều vụ án tín dụng, ngân hàng có giá trị phải thi hành án lớn nhưng tài sản thế chấp, cầm cố khi phát mãi để thi hành án còn phải trả rất thấp dẫn đến án chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng cao, (4) Khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng (năm 2018 tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền) tạo áp lực rất lớn cho hoạt động THADS. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế bảo vệ Chấp hành viên trong khi tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao, một số trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, trực tiếp hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Chấp hành viên.
Đánh giá chung, năm 2018, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 với những chuyển biến tích cực. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và13,32% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200.000 tỷ đồng) song các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 600 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng. Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết. Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính không ngừng được tăng cường. Có thể nói, công tác THADS tiếp tục có những tiến bộ, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương./.
                                                          Văn phòng Tổng cục THADS