Bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực

06/04/2018
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 641/QĐ-BTP về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước góp phần dành nguồn đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tinh giản biên chế hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả lao động
Kế hoạch đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, theo đó:
Thực hiện Quyết định số 85/QĐ-BTP ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;
Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chi ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý và sử dụng các nguồn vốn; kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để góp phần dành nguồn đầu tư cho phát triển, cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;
Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản nằm trong danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ và mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động, phấn đấu tinh giản biên chế hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả lao động;
Triển khai công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về mặt tài chính;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ;
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Giảm tần suất tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo sử dụng ngân sách nhà nước
Kế hoạch đã đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động
Trong năm 2018, thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; đảm bảo chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2018 cho các đơn vị. Trong đó: a) Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp) để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính; b) Hạn chế các cuộc họp không cần thiết, thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý một cách hợp lý, giảm tần suất tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo sử dụng ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; d) Tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lắp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện. Từng bước thực hiện cơ chế khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học trên cơ sở định mức nghiên cứu khoa học, công nghệ và kết quả đầu ra; đ) Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; sáp nhập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả. e) Rà soát các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các dự án, chương trình trùng lắp, kém hiệu quả; g) Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đầu tư ngân sách cho các cơ sở giáo dục công lập theo trọng điểm, triển khai có hiệu quả chế độ học phí mới nhằm bảo đảm sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học và các thành phần xã hội; h) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn. Từng bước thực hiện đổi mới phương thức quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách  nhà nước; i) Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản trừ các công trình dự án nhóm A.
Phấn đấu tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư công theo Nghị quyết 89/NQ-CP
Trong quản lý sử dụng vốn đầu tư công: a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật đầu tư công, đi đôi với việc rà soát, đánh giá toàn diện các quy định về quản lý đầu tư công, xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, bố trí vốn đầu tư tập trung, tránh phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Triển khai nhanh, quyết liệt công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được cấp có thẩm quyền giao. Xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước; c) Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Tiến hành rà soát, cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; d) Tăng cường công tác rà soát, bảo đảm 100% các dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công. Việc phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công và thứ tự ưu tiên theo quy định; e) Chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình; phấn đấu tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư công theo Nghị quyết 89/NQ-CP phiên họp thường ký tháng 9 ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ; g) Tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời gian giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý; có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, có phương án xử lý dứt điểm các khoản tạm ứng của các dự án kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể. Thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện; h) Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác quyết toán các dự án hoàn thành; i) Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với 100% kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Đẩy mạnh cơ chế khoán xe công, đảm bảo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công: a) Triển khai đồng bộ Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công; b) Đất đai, trụ sở làm việc, kho vật chứng giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm thực hành tiết kiệm; c) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, các cơ sở  hoạt động sự nghiệp; kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định và trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới; d) Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại các cơ quan, đơn vị theo hướng hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán có tính chất bắt buộc, thực hiện phương thức thuê dịch vụ và Nhà nước đặt hàng; xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản; đồng thời xác định công năng sử dụng của tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản; e) Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; Hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; đẩy mạnh cơ chế khoán xe công, đảm bảo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị; Tài sản sau khi mua sắm phải hạch toán, báo cáo và quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Hoàn thành việc công bố danh mục mua sắm tập trung và tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm tập trung theo quy định; h) Thực hiện xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc đúng thời hạn theo quy định.
Giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2017
Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động: a) Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2017. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định; b) Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối. Trên cơ sở khối lượng công việc các đơn vị phải thực hiện, từng bước giảm cấp phó giảm, tối đa cấp trung gian; điều chỉnh dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống tổ chức nhà nước; gắn với tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Tiến hành sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả; c) Đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; d) Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính để góp phần hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ.