Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần xây dựng nông thôn mới – hành động thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11

08/11/2017
Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần xây dựng nông thôn mới – hành động thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11
Nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp với chủ đề: “Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần xây dựng nông thôn mới - hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11”.
1. Mục đích, ý nghĩa và vị trí, vai trò của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ đã được quy định trong Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và được tổ chức làm thử ở 05 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở tổng kết và rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ này tại 5 địa phương, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó triển khai đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong cả nước.
Năm 2016, theo đề xuất của Bộ Tư pháp, nhiệm vụ “Đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân” được bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; bổ sung “Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là một tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (Tiêu chí 18.5).
Từ thực tiễn đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua cho thấy, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, nhất là tại cơ sở trong bối cảnh xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặt trong tổng thể với xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện nhiệm vụ này hướng tới các mục tiêu sau:   
Thứ nhất, nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã.
Thứ hai, tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Qua việc tổ chức đánh giá, công nhận và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nắm bắt thực trạng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, đề xuất giải pháp duy trì, phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, tồn tại. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ.
Thứ ba, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ tư, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân ngay tại cơ sở đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, khẳng định vai trò của ngành Tư pháp và của pháp luật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở nông thôn, miền núi.
2. Định hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới
Xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp, nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng. Nghị quyết số          26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn, đồng thời xác định rõ việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là:“Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Việc bổ sung tiếp cận pháp luật vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và thực hiện thống nhất trong cả nước là một cơ hội lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham gia có chiều sâu, thực chất hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số định hướng và giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò, mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó thống nhất về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Ủy ban nhân dân các cấp cần chú trọng ban hành, chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện trong tổng thể triển khai chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc theo dõi, thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật có liên quan đến phạm vi quản lý, đồng thời chú trọng công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ này.
Hai là, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã xác định rõ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những nhiệm vụ do Bộ Tư pháp chủ trì, hướng dẫn thực hiện trong phạm vi cả nước. Do vậy, cần cụ thể hóa và giao trách nhiệm cho cơ quan Tư pháp địa phương chủ trì theo dõi, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này trong Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân công đơn vị, công chức làm đầu mối tham mưu theo dõi, thực hiện.
Ba là, nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới cho công chức được giao tham mưu, theo dõi thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.
Bốn là, quan tâm bố trí kinh phí triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ này được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cơ quan, tổ chức và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Đối với các xã thực hiện xét, công nhận, xây dựng nông thôn mới thì nguồn kinh phí còn được cấp trong nguồn vốn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cần ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ cấp xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Năm là, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện lần đầu tiên trong phạm vi cả nước nên cần chú trọng đánh giá thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, qua đó nhận diện những quy định bất cập của pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung và thay thế.
3. Giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thực chất, hiệu quả
Một trong các khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017 là: "Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là góp phần xây dựng nông thôn mới”. Tiêu chí tiếp cận pháp luật có 05 tiêu chí thành phần: Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật; Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở và Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật định hướng nội dung tổ chức Ngày Pháp luật, theo đó, hằng năm, Bộ Tư pháp hướng dẫn chủ đề, nội dung trọng tâm tổ chức Ngày Pháp luật. Các nội dung này đều liên quan trực tiếp hoặc gắn với việc triển khai 05 tiêu chí tiếp cận nêu trên. Chính vì vậy, tổ chức thực hiện tốt 05 tiêu chí tiếp cận pháp luật cũng là một hướng hưởng ứng Ngày Pháp luật 09/11 thực chất, hiệu quả vì các tiêu chí, chỉ tiêu này gắn bó chặt chẽ với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã trong việc bảo đảm để công dân thực hiện quyền và lợi ích của mình. Do vậy, các cấp, các ngành và địa phương cần tổ chức các hoạt động xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn kết với hưởng ứng Ngày Pháp luật, trong đó chú trọng một số hoạt động sau đây:
Một là, bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật thông qua việc chỉ đạo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật đúng yêu cầu, tiến độ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn được kiềm chế, có giảm so với năm trước.
Hai là, thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã đúng quy định của pháp luật thông qua việc công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính; giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính.
Ba là, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cấp xã, người dân với nội dung và hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Bốn là, lồng ghép tư vấn, phổ biến pháp luật cho người dân thông qua hòa giải, giải quyết kịp thời các tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải; thực hiện các hình thức phát huy dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Bộ, ngành Tư pháp mà của cả hệ thống chính trị, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11; tăng cường trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở; nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, qua đó đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.
                                   TS. Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp