Các Bộ, ngành, địa phương cùng hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam

08/11/2017

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an): Thực hiện Ngày Pháp luật trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên
Sau 4 năm, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trong CAND đã trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên, được Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục và đi vào nề nếp, giúp nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật cũng như năng lực áp dụng pháp luật, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, tinh thần, thái độ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật, lực lượng CAND đã kịp thời tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và quần chúng nhân dân chấp hành tốt quy định của pháp luật; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân nơi cư trú, góp phần giữ vững an ninh và trật tự, an toàn xã hội tại địa phương…
Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Phùng Thị Kim Nga: Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia hưởng ứng Ngày pháp luật
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Ngày pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật với nhiều hình thức, tổ chức quán triệt, thực hiện các hoạt động truyền thông, tổ chức Lễ mít-tinh, tổng kết, trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015”. Đồng thời, huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2017.
Tuy nhiên, hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia hưởng ứng Ngày pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tạo thu hút và huy động đông đảo các nguồn lực tham gia, cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý nghĩa Ngày pháp luật và vai trò của pháp luật tới các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, cần kịp thời tôn vinh ghi nhận và khen thưởng đối với những tập thể cá nhân có nhiều thành tích đóng góp hiệu quả cho các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật đồng thời xây dựng cơ chế “đôi bên” mang lại hiệu quả giữa cơ quan tổ chức và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia.
Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương Nguyễn Anh Hoa: Điểm nhấn Ngày Pháp luật với mô hình “Ngày hội Công nhân với pháp luật”
Những năm gần đây, Bình Dương đã thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về làm ăn sinh sống. Đây là yếu tố thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh song cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, đời sống xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật cho người lao động luôn được Bình Dương quan tâm nhằm góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, mô hình “Ngày hội Công nhân với pháp luật” được tỉnh tổ chức với quy mô lớn và có nhiều hoạt động nổi bật, hấp dẫn thu hút hơn 3.000 công nhân lao động, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và cán bộ công đoàn trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả thông qua nhiều hình thức đa dạng như: diễn tiểu phẩm, thi đố vui, tư vấn pháp luật, cấp phát giỏ sách, tờ gấp pháp luật cho doanh nghiệp, bán hàng giảm giá của doanh nghiệp... Mô hình “Ngày hội Công nhân với pháp luật” không chỉ là một điểm nhấn cho Ngày Pháp luật mà còn góp phần làm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân nói chung và người lao động trong doanh nghiệp nói riêng.     
Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng Nguyễn Thị Thu Vân: Tích cực phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc
Là một trong những tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, Sóc Trăng có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm tới 30,71% dân số của tỉnh. Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong sử dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đồng bào. Xuất phát từ thực tiễn đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc và các chức sắc tôn giáo là đối tượng luôn được quan tâm hàng đầu và được tổ chức bằng nhiều hình thức.
Ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục về pháp luật được đăng tải trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí; nhất là phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer để phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, công tác xây dựng các kệ sách, tủ sách pháp luật trong các điểm Chùa Khmer cũng được chú trọng. Đến nay, 100% Chùa Khmer đều có kệ sách và tủ sách pháp luật. Có thể nói, được sự quan tâm, chăm lo giúp đỡ toàn diện của cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân nói chung, đối với đồng bào dân tộc Khmer nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và thái độ tộn trọng pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh.
                                                          H.Thư – K.Quy