Bình luận về quyền của phụ nữ ở Ma-rốc trong các quy định của Bộ luật Moudawana

03/11/2016
1. Giới thiệu
Đất nước Ma-rốc nằm ở Tây Bắc Châu Phi, có hai mặt giáp biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, nằm trên eo biển Gibranta và là điểm ngắn nhất ngăn cách Châu Âu với Châu Phi. Maroc là quốc gia châu Phi duy nhất hiện không là thành viên của Liên minh châu Phi nhưng lại là thành viên của Liên đoàn Ả Rập. Ma-rốc có biên giới quốc tế với An-giê-rivề phía đông, đối diện và cách Tây Ban Nha khoảng 13km nhìn qua eo biển Gibraltar.
Là thành viên của Liên đoàn Ả Rập haycòn gọi là Liên minh các quốc gia Ả Rập, cũng như các quốc gia Ả Rập khác, Ma-rốc là một quốc gia theo Đạo Hồi. Chính vì vậy, văn hóa hồi giáo ảnh hưởng sâu sắc đếnhệ thống pháp luật nói chung, truyền thống gia đình cũng như quyền của phụ nữ nói riêng. Vào năm 1993, Ma-rốc đã từng sửa đổi pháp luật về gia đình và thông qua Bộ luật Gia đình. Tuy nhiên, lần sửa đổi này không những vẫn còn một khoảng cách rất lớn với các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế mà còn xa rời với truyền thống pháp luật Đạo Hồi Maliki cổ điển (IslamicMaliki).
Cụ thể là, theo quy định của Bộ luật năm 1993, thì người chồng là người duy nhất có quyền ly hôn vợ một cách đơn phương và vô điều kiện và cũng như quyền rút lại yêu cầu ly hôn trong vòng 3 tháng kể từ ngày đưa ra yêu cầu.Trong trường hợp người vợ đã được triệu tập đến tòa nhưng không có mặt, người chồng vẫn có thể tiến hành ly hôn mà không cần có sự có mặt của người vợ.
Trái lại, người vợ chỉ được yêu cầu ly hôn chồng trong một số trường hợp nhất định, cụ thể là khi người chồng không đủ khả năng cung cấp tài chính;khi người chồng bỏ đi lâu ngày không có lý do; người chồng mắc bệnh nan y không thể chữa khỏi; người chồng không chịu quan hệ tình dục với vợ từ bốn (04) tháng trở lên hoặc người chồng có hành vi làm hại người vợ.
2. Quyền của phụ nữ theo quy định trong Bộ luật Moudawana và một số văn bản có liên quan
Để khắc phục những hạn chế của Bộ luật Gia đình năm 1993, năm 2001 Nhà vua Mohamed VI đã thành lập Ủy ban về quyền phụ nữ và một trong những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên của Ủy ban này là nghiên cứu, thảo luận, sửa đổi Bộ luật Gia đình năm 1993.
Đến năm 2004, Ma-rốc thông qua Bộ luật Gia đình (hay còn gọi là Bộ luật Moudawana được quy định tại Điều 1 Bộ luật). So với các văn bản pháp luật về gia đình trước đó thì Bộ luật được coi là một văn bản tiến bộ về quyền của phụ nữ, nhất là các quy định về nguyên tắc hôn nhân bình đẳng.
- Về quyền kết hôn
Theo quy định của Bộ luật, phụ nữ không bị ép buộc cưới bất kỳ người đàn ông nào vì theo quy định của pháp luật khi đến đến tuổi trưởng thành người phụ nữ có quyền tự giám hộ cho mình. Quy định này đã xóa bỏ hoàn toàn việc cưỡng ép kết hôn trước đây và cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Ả Rập về nhân quyền (Arab Charter on Human Rights) năm 2004, theo đó, Điều 33 của Hiến chương thừa nhận khi đến tuổi kết hôn, phụ nữ và đàn ông có quyền bình đẳng trong việc tìm kiếm, lựa chọn người phù hợp với mình và tuyệt đối không cho phép việc kết nhân khi không có sự nhất trí của hai bên.
Về tuổi kết hôn, pháp luật quy định tuổi kết hôn của nam và nữ là bình đẳng. Nam và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn, trừ trường hợp tòa án có quyết định cho phép kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi và chỉ khi chứng minh được lợi ích và lý do chính đáng của việc kết hôn sau khi nghe ý kiến của bố mẹ, với sự tư vấn của chuyên gia y tế.
- Về chế độ đa thê
Chế độ đa thê được thừa nhận trong Kinh Koran, mặc dù vậy Kinh Koran cũng ghi rõ người chồng chỉ nên chọn một vợ nếu không thể tạo được sự công bằng cho những người vợ. Xuất phát từ đạo lý này, Bộ luật Moudawana không cấm chế độ đa thê nhưng quy định các điều kiện chặt chẽ khi người chồng muốn lấy nhiều vợ. Người chồng không được lấy nhiều vợ khi không có khả năng bảo đảm được sự công bằng giữa những người vợ hoặc trong hợp đồng hôn nhân có quy định không cho phép người chồng lấy vợ khác.
Bộ luật còn quy định chỉ tòa án mới có thẩm quyền quyết định việc người chồng được lấy thêm vợ. Tòa án sẽ không xem xét, quyết định người chồng được lấy vợ khác trong các trường hợp sau đây:
+ Người chồng không chứng minh được việc lấy vợ khác là một ngoại lệ và mang tính khách quan.
+ Người chồng không đủ khả năng để cung cấp tài chính để bảo đảm quyền lợi và sự bình đẳng của những người vợ và những đứa con của mình.
- Về quyền ly hôn
Mặc dù Bộ luật chưa xóa bỏ quyền đơn phương ly hôn của người chồng, nhưng Bộ luật cũng đã thừa nhận ly hôn là quyền của cả chồng và vợ. Việc ly hôn chịu sự giám sát của cơ quan tư pháp hạn chế sự làm dụng quyền từ chối ly hôn của người chồng.
Theo quy định, người vợ cũng có quyền nộp đơn ly hôn khi người chồng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng hôn nhân mà là điều kiện để người vợ nộp đơn ly hon hoặc trong trường hợp người chồng gây thiệt hại cho người vợ (chẳng hạn, người chồng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho vợ, bỏ mặc vợ, có hành vi bạo lực hoặc các thiệt hại khác). Người chồng có quyền từ chối ly hôn nếu anh ta thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cũng như các trách nhiệm khác đối với người vợ, đáp ứng các điều kiện theo quy định như đã thực hiện hỗ trợ tài chính, khắc phục thiệt hại… và được thẩm phán đồng ý.
- Về quyền nuôi con
Bộ luật Moudawana không có nhiều quy định liên quan đến quyền nuôi con. Theo quy định của Bộ luật, khi ly hôn người mẹ là người được quyền ưu tiên nuôi dưỡng, chăm sóc con so với người cha, người bà.
- Về tài sản của vợ chồng
Bộ luật đã bỏ quy định trước đây yêu cầu người vợ phải phục tùng chồng và thay bằng quy định cả vợ và chồng cùng là người chủ của gia đình, tuy nhiên theo quy định người chồng vẫn là người chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho người vợ. Quy định này gắn liền với giáo lý Đạo Hồi (Islamic Fiqh) về công nhận người chồng là trụ cột của gia đình.
Liên quan đến việc quản lý tài sản của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, trong khi khẳng định nguyên tắc tài sản hôn nhân là tài sản riêng, Bộ luật cho phép vợ và chồng được thỏa thuận trong một văn bản riêng biệt với hợp đồng hôn nhân về quản lý tài sản trong thời kỳ hôn nhân; trong trường hợp không đồng ý, thẩm phán sẽ áp dụng nguyên tắc chứng cứ để đánh giá phần đóng góp của vợ và chồng trong khối tài sản chung.
3. Một số hạn chế về quyền của phụ nữ ở Ma-rốc
a) Mặc dù Bộ luật Moudawana đã có những tiến bộ nhất định trong các quy định về quyền phụ nữ, ở chừng mực nhất định đã tạo ra sự bình đẳng trong quan hệ giữa nam và nữ, giữa người vợ và người chồng trong gia đình. Tuy nhiên, Bộ luật vẫn còn có những khoảng cách nhất định tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền phụ nữ cho dù Ma-rốc hiện đã là thành viên của nhiều công ước quốc tế về nhân quyền có liên quan.
Chẳng hạn, Hiến chương Ả Rập về nhân quyền năm 2004 quy định quyền bình đẳng về độ tuổi kết hôn và không có bất cứ ngoại lệ nào, tuy nhiên, Bộ luật vẫn quy định ngoại lệ cho phép người dưới độ tuổi pháp luật quy định được phép kết hôn.
Tương tự như vậy, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women - CEDAW) yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa đàn ông và phụ nữ khi kết hôn cũng như khi ly hôn, đặc biệt, Điều 2 của Công ước CEDAW yêu cầu các nước kiềm chế việc đưa bất kỳ quy định hay thực tiễn nào về phân biệt đối với phụ nữ và bảo đảm cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuân theo quy định này. Nhưng quy định của Bộ luật Moudawana vẫn có sự khác biệt giữa quyền của người chồng và người vợ khi ly hôn như đã phân tích ở trên hoặc còn có khoảng cách rất lớn giữa quy định của Bộ luật và thực tiễn áp dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền ở Ma-rốc.
b) Bộ luật có quy định về quản lý tài sản chung có được trong thời kỳ hôn nhân nhưng lại không quy định cụ thể tiêu chí để đánh giá mức độ đóng góp của người vợ trong trường hợp không có hợp đồng giữa hai vợ chồng.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Moudawana, thì không có sự phân biệt trong tiếp cận công lý của những người phụ nữ ở những điều kiện khác nhau vì trên hực tế có sự khác nhau rất lớn giữa phụ nữ ở nông thôn với hơn 80% phụ nữ không biết chữ với phụ nữ ở thành thị có nhận thức cao hơn và có nhiều hơn cơ hội tiếp cận công lý cũng như các thông tin pháp luật có liên quan.
c) Việc ban hành Bộ luật Moudawana đã góp phần nâng cao địa vị pháp lý của phụ nữ ở Ma-rốc. Tuy nhiên, việc thi hành Bộ luật này vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm thực thi Bộ luật Moudawa chưa nhận thức đầy đủ và thực thi đúng tinh thần của các điều khoản có liên quan trong Bộ luật.
Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân hầu hết mọi người (kể cả đàn ông lẫn phụ nữ, cán bộ công quyền và người dân bình thường) vẫn giữ thái độ định kiến sai lầm về giới, dẫn đến không thể thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực xã hội và văn hóa ở Ma-rốc với các quy định của Bộ luật trong thời gian ngắn. Đặc biệt là ở những vùng nông thôn xa xôi, cơ quan hành chính tư pháp ở địa phương thường “cột chặt” các quyền và lợi ích của người vợ hoặc con gái vào quyền và lợi ích của người chồng và xem họ là người lệ thuộc, như là thành viên loại 2 trong xã hội.
d) Nhận thức và niềm tin của người dân đối với hệ thống cơ quan tư pháp cũng như quy trình xử lý vụ việc ở các cơ quan này rất hạn chế. Người dân thường không có hiểu biết đầy đủ về pháp luật, thường sợ hãi hoặc bị dọa dẫm, thiếu tài chính, ngôn ngữ hạn chế và không quen thuộc với các thủ tục tố tụng chính thức. Họ có cảm giác thật “tệ hại” khi bị xử ly hôn bởi các cơ quan công quyền.
4. Đẩy mạnh quyền phụ nữ thông qua hoàn thiện các quy định liên quan trong Bộ luật Moudawana và thực thi các biện pháp nâng cao vai trò của người phụ nữ ở Ma-rốc
a) Dựa trên nền tảng văn hóa Đạo hồi, chính quyền Ma-rốc cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Moudawana theo hướng phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Ma-rốc là thành viênnhư ICCPR, ICESCR, CEDAW…, tập trung hoàn thiện các quy định liên quan đến kết hôn, ly hôn, quyền nuôi con … Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phê chuẩn các nghị định thư có liên quan đến các điều ước nêu trên như việc Ma-rốc đã phê chuẩn Nghị định thư của CEDAW và xem đó như là một nỗ lực loại bỏ hoàn toàn sự phân biệt giữa nam và nữ.
b) Các cấp chính quyền ở Ma-rốc, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần nỗ lực tuyên truyền về các quyền và trách nhiệm của công dân được quy định trong Bộ luật Moudawana, qua đó nâng cao nhận thức về các quyền của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tiếp cận công lý công bằng cho phụ nữ, từ đó có tác dụng “mưa dầm thấm lâu” vào nền văn hóa còn “bảo thủ” ở Ma-rốc.
c) Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa liên đoàn luật sư, tòa án, các cơ quan hành chính tư pháp và các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý; huy động sự tham gia của các cơ sở đào tạo luật. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức về tư pháp và pháp luật là cơ sở cho việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ luật.
d) Khuyến khích, tạo điều kiện cho mô hình tư pháp ngoài tòa án tham gia xử lý các vụ việc liên quan đến gia đình cũng như việc bảo vệ quyền của phụ nữ. Vùng nông thôn Ma-rốc là nơi thường có tỷ lệ phụ nữ mù chữ thường cao hơn so với khu vực khác. Thực tiễn cho thấy, hệ thống tư pháp ngoài tòa án có thể đưa ra các giải pháp phù hợp với văn hóa, chi phí rẻ và hợp lý. Chính vì vậy, việc Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng kết hợp giữa hệ thống tư pháp chính thức (tòa án) và hệ thống không chính thức (ngoài tòa án hay các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế) sẽ tạo nên một hệ thống tài phán trách nhiệm, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ việc về hôn nhân, gia đình của người dân nông thôn, đặc biệt là bảo vệ hiệu quả hơn đối với quyền của người phụ nữ.
Nhật Cương
* Tài liệu tham khảo:
  1. Leila Hanafi, Moudawana và Quyền phụ nữ ở Ma-rốc - Hài hòa pháp luật trong nước và quốc tế, Tạp chí Luật quốc tế và So sánh (tên bản gốc: Leila Hanafi, Moudawana and Women’s Rights in Morocco: Balancing National and International Law, Journal of International & Comparative Law).
  2. Bộ luật Gia đình Ma-rốc năm 2004 (Family Code 2004).
  3. Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women - CEDAW).
  4. Hiến chương Ả Rập về quyền con người (Arab Charter on Human Rights).